Nhắc lại “tiểu sử” của ô đất 295 Lê Duẩn (quận Hai Bà Trưng), dư luận vẫn chưa quên lình xình liên quan tới dự án khách sạn 5 sao SAS Ha Noi Royal năm 2009. Gần 4 năm sau quyết định dừng và hủy dự án tại địa điểm trên (chủ đầu tư đã chính thức khởi công xây dựng), tới tháng 10 /2013, giới chức Thủ đô mới có kết luận về phương án giải quyết cho các bên liên quan.
Chủ đầu tư – Công ty liên doanh SAS HaNoi Royal Hotel đã giải thể, bên nước ngoài đã rót hơn 13 triệu USD vào dự án, Hà Nội gặp “khó” khi chủ đầu tư yêu cầu bồi thường chi phí cơ hội lên tới 63,7 triệu USD cộng thêm 2 lô đất khác ở Lò Đúc và Phạm Hùng.
Tháng 9/2011, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo và yêu cầu Hà Nội không đền bù “chi phí cơ hội” đó, đồng thời Hà Nội phải đàm phán và bồi thường theo quy định Nhà nước…
Khẩn trương đột biến
Đầu quý IV/2013, phán quyết của Thành ủy Hà Nội đã thể hiện quyết tâm thu hồi đất ở 295 Lê Duẩn để làm bãi đỗ xe ngầm, cây xanh và dịch vụ. Một năm sau, tức thời điểm hiện tại, dự án bãi đỗ xe dưới lòng công viên Thống Nhất đang được chấp thuận và Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội chuẩn bị “lên khuôn”. Tiến độ để các đơn vị ban ngành kiểm tra, báo cáo Thành phố về đề nghị của chủ đầu tư dự án là trước ngày 25/12.
Chưa đầy 2 tuần để “check” dự án lẫn chủ đầu tư, trên 96 tỷ đồng tổng mức đầu tư khái toán sẽ được đưa vào sử dụng quý IV… Không khó nhận ra sự “khẩn trương” của lãnh đạo Hà Nội đối với dự án giải quyết không gian đỗ ôtô này.
Điều này rất dễ hiểu, nếu theo dõi bản kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông vận tải Hà Nội giai đoạn 2011 – 2015, được Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Khôi phê duyệt 3 năm trước.
Theo kế hoạch này, đến năm 2015, tất cả 100% quận, huyện, thị xã có quy hoạch chi tiết mạng lưới hạ tầng GTVT làm cơ sở triển khai các dự án. Tỷ lệ đất dành cho giao thông đạt mức 8,5 – 9% đất xây dựng đô thị, tỷ lệ đất cho giao thông tĩnh đạt 5%.
Riêng về mảng giao thông tĩnh luôn “yếu – thiếu”, Hà Nội dành đáng kể đất để phát triển hệ thống bến, bãi đỗ xe, chú trọng khu nội đô. Chi tiết hơn, ưu tiên đầu tư xây dựng khoảng 40 bãi đỗ xe cao tầng, bãi đỗ xe ngầm để giải quyết tình trạng thiếu không gian tĩnh.
Băn khoăn về “lợi” và “hại” từ dự án tại khu đất vàng này
Thống kê tới lúc này, nhu cầu “giao thông tĩnh” của hơn 2 triệu xe máy và hơn 500.000 ôtô mới chỉ được đáp ứng gần 15%. Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội được chấp thuận nghiên cứu triển khai 4 dự án điểm trông giữ xe thông minh từ vài năm trước, nhưng 2 trong số này đang chậm tiến độ 2 năm…
Một lần nữa, DN vốn được Thành ủy Hà Nội “ưu ái” cho phép đầu tư rất nhiều dự án khai thác, kinh doanh dịch vụ giao thông (xa xưa nhất, phải kể tới dự án đầu tư công trình xây dựng vườn Ngọc Khánh từ năm 1994 – PV) lại được lĩnh ấn nghiên cứu, lập dự án bãi đỗ xe ngầm ở 295 Lê Duẩn.
Chưa biết, quá khứ “chậm” tiến độ của Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội có nằm trên bản báo cáo, đánh giá năng lực mà các đơn vị hữu trách thực hiện hay không. Nếu dự án “thông quan”, điều dư luận quan tâm chính là chủ đầu tư sẽ “tạm gác” 2 dự án “nổi” còn nằm chơi xơi nước (ở phố Trần Nhật Duật và Nguyễn Công Hoan) để xắn tay vào dự án “ngầm”?
Hay một kịch bản thần kỳ sẽ xảy ra: DN triển khai cùng lúc 3 dự án quy mô như kỳ vọng về “đạt tiến độ” của kế hoạch phát triển hạ tầng GTVT Hà Nội 4 năm trước?
Những gì đang chờ?
Không ai dám chắc về tương lai, đặc biệt là sự hoàn thiện theo đúng hẹn các dự án phát triển hạ tầng giao thông tĩnh. 12 tháng, bằng nỗ lực, quyết tâm của chính quyền sở tại, đôi vai của chủ đầu tư khó có thể tạo nên phép màu về kết quả trọn vẹn của Kế hoạch mà Thành ủy ấp ủ từ lâu.
Tháng 2/2012, tại buổi làm việc về thực hiện năm An toàn giao thông ở Hà Nội, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã nhấn mạnh yêu cầu Hà Nội tập trung đầu tư hạ tầng giao thông tĩnh: “Xây dựng điểm đỗ xe cần cải tiến các thủ tục, thủ tục hiện nay lâu quá. Vì vậy, cần thiết ai đầu tư cho làm ngay để tạo ra sự đột biến, chứ theo trình tự sẽ rất lâu, vừa làm vừa lo thủ tục để tạo ra sự đột phá”.
Về mặt kỹ thuật, giới am hiểu xây dựng lẫn kết cấu hạ tầng nền móng chỉ ra “điểm chết” của dự án bãi đỗ ngầm giữa lòng “lá phổi xanh” của Thành phố.
Theo ông Minh, một kỹ sư xây dựng có thâm niên làm việc ở đơn vị liên doanh với nhà thầu ngoại, nền đất yếu và hạ tầng kỹ thuật già nua đã khiến Hà Nội ngập triền miên năm này qua năm khác. Nếu không tính toán, khảo sát kỹ kết cấu địa chất, dự án sẽ tiềm tàng nhiều rủi ro về chất lượng, an toàn.
Chưa hết, cảnh quan sinh thái lâu năm sẽ bị phá vỡ. Khi xây bãi đỗ ngầm, mặt đất công viên bị ảnh hưởng và chỉ trồng được cây thấp, lá phổi xanh của Hà Nội bị thắt lại.
Sẽ có nhiều mối nguy mà cơ quan chức năng phải tính tới. Đó là bị úng, ngập ngay trong lòng đất khi vách nứt (đã xuất hiện ở hầm chui Kim Liên – Xã Đàn). Xử lý tắc đường cục bộ khu vực Lê Duẩn khi hàng trăm xe ôtô cùng lúc xuất bãi đỗ…
Đông Hưng (Thời báo kinh doanh)
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: banbientap@cafeland.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.