Sự tăng giá này của đồng USD, kết quả của tiến bộ kinh tế thực sự và những phát triển chính sách khác nhau, có thể đóng góp cho sự tái cân bằng nền kinh tế thế giới. Nhưng kết quả này chưa được đảm bảo, nhất là dựa trên những rủi ro bất ổn tài chính có liên quan.
Có hai yếu tố lớn hiện đang hỗ trợ đồng USD, nhất là so với đồng euro và đồng yen.
Thứ nhất, Mỹ đang liên tục vượt châu Âu và Nhật Bản về tăng trưởng và sự năng động kinh tế, và dường như sẽ tiếp tục như vậy, không chỉ vì sự linh hoạt kinh tế và năng lực kinh doanh, mà còn nhờ hành động chính sách quyết đoán hơn kể từ khi khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra.
Thứ hai, sau một giai đoạn liên kết, chính sách tiền tệ của Mỹ, châu Âu và Nhật Bản đang tách ra, đưa nền kinh tế thế giới từ một quỹ đạo đa tốc độ trở thành đa quỹ đạo.
Tháng trước, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã chấm dứt việc mua cổ phiếu quy mô lớn, còn được gọi là “nới lỏng định lượng” (QE), thì Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) mới đây đã tuyên bố mở rộng các chương trình kích thích tiền tệ của họ.
Trên thực tế, Chủ tịch ECB Mario Draghi đã tỏ ý muốn tăng khoản kích thích tiền tệ thêm 1.250 tỷ USD.
Lãi suất ở thị trường Mỹ cao hơn đang thu hút thêm các luồng vốn và đẩy giá trị đồng USD lên cao hơn. Xu hướng này đang đóng vai trò xúc tác cho một sự tái cân bằng toàn cầu được chờ đợi từ lâu, có thể thúc đẩy tăng trưởng cao hơn và giảm bớt nguy cơ giảm phát tại châu Âu và Nhật Bản, bởi vì đồng USD tăng giá có thể cải thiện sức cạnh tranh giá của các công ty Nhật Bản và châu Âu tại Mỹ và các thị trường khác, đồng thời làm dịu phần nào sức ép giảm phát cơ cấu tại các nền kinh tế gặp khó khăn bằng cách làm tăng giá nhập khẩu.
Tuy nhiên, những mối lợi của việc đồng USD lên giá chưa được đảm bảo vì cả các lý do kinh tế và tài chính. Nền kinh tế Mỹ phục hồi tốt hơn các nền kinh tế phát triển khác nhưng chưa đủ mạnh để có thể điều chỉnh một cách suôn sẻ với một sự dịch chuyển lớn trong nhu cầu bên ngoài sang các nước khác. Cũng có nguy cơ rằng một sự dịch chuyển như vậy có thể bị Quốc hội Mỹ cho là một “cuộc chiến tiền tệ”, và dẫn đến phản ứng đưa ra chính sách trả đũa.
Hơn nữa, các động thái tiền tệ lớn đột ngột có thể gây ra bất ổn trên thị trường tài chính. Nguy cơ này càng trở nên lớn hơn khi ngày càng có nhiều đồng nội tệ của các nền kinh tế đang nổi được ấn định với đồng USD, có nghĩa rằng sự thay đổi lớn giá trị đồng USD có thể làm suy yếu cán cân thanh toán của các nước khác và làm giảm dự trữ quốc tế, tức giảm giá trị tín dụng của họ.
Ngày nay, nhiều nền kinh tế mới nổi đang thực hiện các chế độ hối đoái linh hoạt hơn. Nhưng một vấn đề mới có nguy cơ mang lại một kết quả có vấn đề tương tự: bằng cách liên tục kiềm chế sự biến động của thị trường tài chính trong vài năm qua, chính sách của các ngân hàng trung ương đã vô tình khuyến khích việc chấp nhận rủi ro quá mức, khiến giá của nhiều tài sản tài chính tăng cao.
Điều đó không có nghĩa rằng sự tái liên kết tiền tệ hiện đang diễn ra là một diễn biến có vấn đề, mà ngược lại, điều đó có tiềm năng thúc đẩy kinh tế toàn cầu bằng việc hỗ trợ sự phục hồi của một số thành tố thách thức nhất.
Nhưng cách duy nhất để tận dụng những mối lợi của tái liên kết này mà không phải trải qua sự gián đoạn thị trường nghiêm trọng và biến động thị trường tài chính, là việc phải có những điều chỉnh chính sách hỗ trợ tăng trưởng bổ sung như đẩy mạnh những cải cách cơ cấu, cân bằng tổng cầu và giảm hoặc xóa bỏ nợ.
Sau cùng sự tăng trưởng toàn cầu ở mức hiện nay là không đủ cho sự tái phân phối giữa các nước và Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu cần tăng. Sự tăng giá trở lại của đồng USD, mặc dù hứa hẹn, nhưng chỉ là bước đầu tiên.
Đã đến lúc các chính phủ toàn cầu cần đảm bảo rằng sự tái liên kết toàn cầu hiện nay hỗ trợ một sự phục hồi kinh tế lâu dài, ổn định và cân bằng. Nếu không, họ sẽ lại phải vật lộn với việc giảm nhẹ bất ổn tài chính./.
Dương Hoa (Vietnam+)
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: banbientap@cafeland.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.