Dịch vụ ở nhờ: Mối lo mới của “hai nhà”

Luật Kinh doanh BĐS 2015 sẽ chính thức có hiệu lực từ tháng 7/2015. Nếu mô hình kinh doanh qua mạng Internet này tăng trưởng thần tốc, nhà môi giới BĐS lẫn nhà quản lý chắc chắn phải… dè chừng.

Thị phần bị san sẻ?

Trong làng dịch vụ BĐS ở Thủ đô, ngoại trừ số ít các đơn vị “sống khỏe” sau năm bản lề vừa qua, như CenGroup, Đất Xanh, Viethousing, Kim Việt, G5 hay R9, phần còn lại vẫn chưa thoát cảnh bấp bênh hay ăn đong từng bữa.

Đặc biệt, với nhiều văn phòng BĐS cỡ vừa và nhỏ (khoảng 10 – 15 người), chủ đề “sinh nhai” luôn được nhắc tới nhiều hơn viễn cảnh “giàu nhanh từ trung gian”.

Từng thử sức làm môi giới mảng cho thuê nhà ở (chung cư lẫn thổ cư) hồi trong năm, người viết được chứng kiến nhiều “đồng nghiệp” mưu sinh nhờ hoạt động này. Thậm chí, có môi giới tên Lan nhận được phí hoa hồng lên tới gần 80 triệu đồng trong… 1 tuần, vì đã khớp nối 4 thương vụ cho thuê chung cư cao cấp ở Royal City lẫn Hapulico Complex.

“Một phần nhờ may mắn gặp khách, tốt “vía” chủ nhà nên hy hữu mới có giai đoạn ăn nên làm ra như vậy. Nhìn chung, môi giới độc lập của các văn phòng, công ty BĐS cỡ nhỏ ở Hà Nội tồn tại suốt cả năm 2014 chính là nhờ cho thuê nhà…”, chị Lan nhìn nhận dựa trên cơ sở thực tế thống kê những môi giới “có thương hiệu” trong khu vực quận Cầu Giấy và Thanh Xuân.

Khi chợ chung cư thương mại Thủ đô đang ngập tràn hàng mới, hàng cũ để chuẩn bị cho đợt dội bom thị trường ngay sau Tết Âm lịch, mảng căn hộ cho thuê (từ trung tới cao cấp) không vì thế mà bớt tấp nập.

Tìm hiểu ở khu vực BĐS cho người nước ngoài thuê, cụ thể là các căn hộ chuyên phục vụ lưu trú cho khách “Tây ba lô”. Ở Hà Nội từ 2 – 5 ngày, đi theo nhóm 2 – 4 người và thích thuê các căn hộ do chính người bản địa xây dựng hơn ở khách sạn (tiết kiệm chi phí và tiện tiếp cận văn hóa). Với những vị khách ngoại quốc kiểu này, các căn nhà dạng studio ở khu phố cổ hoặc tiệm cận sát (quận Hoàn Kiếm) là lựa chọn hàng đầu.

Lợi nhuận cao hơn nhiều lần, nếu khách ngoại tìm tới các chung cư từ vành đai 3 trở vào

Giá các khách sạn tiêu chuẩn 2 – 3 sao đặt tại quận Hoàn Kiếm phổ biến ở mức giá 600.000 – 1,2 triệu đồng/ngày đêm/phòng 2 người (thường niêm yết bằng đơn vị USD). Với nhân viên môi giới BĐS cho thuê, khách ngoại quốc ngắn ngày ở Hà Nội không phải đối tượng mục tiêu nhưng vẫn mang lại nguồn thu nhất định lúc “mất mùa”.

Theo Hoàng Long, một môi giới nhà cho thuê ở khu vực Hoàn Kiếm, Tây Hồ, “Tây ba lô” đang truyền tay nhau công cụ Airbnb để thỏa mãn nhu cầu trải nghiệm căn hộ trong khu vực phố cổ, thay vì thông qua môi giới. Nhiều chủ nhà (có hoặc không làm chủ một DN lữ hành nội địa) tận dụng luôn căn hộ của mình để phục vụ khách tour khép kín.

Long dẫn chứng, căn hộ (theo cách gọi trên trang web của Airbnb) của bà D tại Lý Quốc Sư gồm 1 phòng ngủ, 1 bếp, đủ nội thất, được thiết kế tinh xảo có giá thuê 1,2 triệu đồng/ngày đêm. Khách nhận phòng lúc 14h và trả phòng lúc 12h ngày hôm sau. Đồng thời, khách lưu trú phải thuê tối thiểu 4 ngày đêm.

Tính nhanh, với lượng người nước ngoài tới du lịch ngắn ngày luôn duy trì suốt năm, nguồn thu nhập từ cho thuê nhà của các chủ nhân rất đáng kể.

Quản hay buông

Được thành lập năm 2008, đặt trụ sở tại Mỹ và đã có mặt tại 33.000 thành phố ở 192 quốc gia, Airbnb (do quỹ tư nhân TPG nắm giữ) đang hoạt động với công suất lớn ở thị trường Việt Nam.

Cùng với Uber, dịch vụ cho phép người dùng cho thuê nhà, chung cư hoặc phòng trọ trên Internet cho những người xa lạ (Airbnb) đã đăng tuyển dụng nhân sự làm việc tại Hà Nội và Tp.HCM cho các vị trí xây dựng, phân tích chất lượng và giá cả căn hộ từ tháng 8/2014.

Trang Airbnb.com còn cho thấy rất nhiều khách hàng bình luận về dịch vụ cũng như gửi lời cảm ơn “có cánh” tới những chủ nhân căn hộ đã cho họ thuê ngắn ngày hồi trong năm.

Như vậy, sau Uber, Airbnb là dịch vụ theo mô hình kinh tế chia sẻ “tấn công” thị trường Việt Nam – nơi có khoảng 20 triệu người sử dụng mạng Internet. Uber đã “thua” (chỉ ký hợp đồng với các công ty vận tải), nhưng Airbnb đang thắng thế bước đầu và trở nên rất có giá đối với nhiều nhà đầu tư (mới được định giá DN lên tới 10 tỷ USD).

Website giống như một sàn giao dịch BĐS trực tuyến hướng tới các chủ thể là khách hàng cá nhân cung cấp/có nhu cầu thuê BĐS. Thay vì ký hợp đồng trực tiếp với chủ nhà, các cá nhân cách nhau nửa vòng trái đất cũng có thể “khớp giao dịch” thông qua trung gian Airbnb.

Với những chi tiết thể hiện trên trang chủ của dịch vụ này, số lượng giao dịch hoàn thành chủ yếu giữa khách ngoại quốc và chủ nhà người Việt Nam. Theo đó, đa phần Thượng đế đều hài lòng về lựa chọn nơi lưu trú ở Hà Nội cũng như cung cách tiếp đãi của chủ nhân căn hộ.

Xét về góc độ pháp lý, hoạt động cho người nước ngoài thuê nhà đòi hỏi chủ BĐS phải tuân theo quy định: chứng nhận đủ điều kiện về PCCC, đăng ký kinh doanh lưu trú, khai báo với cơ quan công an sở tại… Nếu “quên” hoàn tất điều kiện pháp lý, chủ nhà lẫn khách thuê chắc chắn sẽ bị cơ quan chức năng xử lý.

Về lý thuyết, dịch vụ này mới chỉ được các khách sạn nhỏ lẫn một bộ phận chủ nhà (ở quận Hoàn Kiếm và Tây Hồ) đã đủ giấy phép cho người nước ngoài thuê BĐS tin dùng. Thực tế, có bao nhiêu chủ nhà tranh thủ dịch vụ này để kiếm thu nhập từ cho thuê BĐS của mình?

Nguồn lợi khoảng 1 – 1,4 triệu/ngày đêm (diện chung), nếu khách thuê liên tục thì chủ nhân sẽ nhận được khoản tiền vượt xa số lợi nhuận từ cho thuê căn hộ cao cấp tại Hà Nội.

Với vai trò của Airbnb, đương nhiên cơ quan thuế khó lòng “sờ” tới chủ thể cho thuê nhà. Con số lợi nhuận còn cao hơn nhiều lần, nếu khách ngoại tìm tới các chung cư từ vành đai 3 trở vào Bờ Hồ…

Nguyễn Cảnh (Thời báo kinh doanh)

Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: banbientap@cafeland.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.

Để lại một bình luận

0913.756.339