Qua tìm hiểu được biết, khu tập thể P16A Thụy Khuê, quận Tây Hồ nguyên là nhà 2 tầng được xây dựng từ thời Pháp thuộc, các kết cấu chịu lực đều bằng gạch xây, chủ yếu phục vụ cho việc nhốt ngựa. Sau năm 1954, công trình được chuyển đổi thành nơi sinh sống của 29 hộ gia đình là cán bộ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp. Nhìn chung, trong quá trình sử dụng, hầu hết các hộ gia đình đã cải tạo, cơi nới diện tích sử dụng thành 3, 4 tầng. Theo ý kiến của một số gia đình, tuy tập thể được xây dựng cách đây hơn 50 năm nhưng vẫn khá chắc chắn. Thế nhưng, từ khi Dự án xây dựng cao ốc quốc tế Hồ Tây do Công ty TNHH Cao ốc quốc tế Hồ Tây làm chủ đầu tư được thực hiện tại số 18 Thụy Khuê thì khu tập thể P16A có dấu hiệu bị nghiêng và xuất hiện nhiều điểm lún nứt.
Theo các tài liệu liên quan thì Dự án xây dựng cao ốc quốc tế Hồ Tây đã được Văn phòng Kiến trúc sư trưởng thành phố cấp phép xây dựng vào ngày 5-2-1997, song do vướng mắc về mặt bằng nên phải tạm dừng thi công. Đến ngày 18-1-2012, dự án được Sở Xây dựng cấp Giấy phép số 18/GPXD, công trình mới tiếp tục thi công theo kế hoạch. Khi nhà thầu mới thực hiện được 150/250m tường dẫn thì 29 hộ gia đình sống tại tập thể P16A Thụy Khuê có đơn khiếu nại, cho rằng việc thi công dự án là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng lún nứt nhà. Sau khi xem xét, kiểm tra thực tế, chính quyền và các cơ quan chức năng đã yêu cầu Công ty Cao ốc quốc tế Hồ Tây tạm dừng thi công để giải quyết khiếu nại của công dân. Trong quá trình giải quyết sự việc, Công ty Cao ốc quốc tế Hồ Tây đã ký hợp đồng với Công ty cổ phần tư vấn Công nghệ thiết bị và Kiểm định xây dựng (Coninco), một đơn vị thẩm định độc lập để đánh giá hiện trạng khu tập thể này. Căn cứ tiêu chuẩn TCXDVN 373:306 (Chỉ dẫn đánh giá mức độ nguy hiểm của kết cấu nhà), Coninco đánh giá tập thể P16A Thụy Khuê thuộc “mức D”, đồng thời kết luận “Khả năng chịu lực của kết cấu chịu lực không thể đáp ứng được yêu cầu sử dụng bình thường, nhà xuất hiện tình trạng nguy hiểm tổng thể”.
Dựa vào kết quả kiểm định cùng với kế hoạch gia cố kết cấu nhà ở tại khu tập thể P16A không đạt hiệu quả, Công ty Cao ốc quốc tế Hồ Tây đã đề xuất thuê lại nhà của các hộ gia đình với giá 200.000 đồng/m2/tháng để các hộ dân thuê nhà nơi khác. Tiếp đó, xét đề nghị của UBND quận Tây Hồ, ngày 24-7-2013, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 4460/QĐ-UBND về việc tổ chức di chuyển các hộ gia đình, cá nhân ra khỏi khu tập thể P16A Thụy Khuê đến tạm cư tại Khu X2, phường Phú Thượng. Tuy nhiên, phương án di dời này đã vấp phải phản ứng của nhiều gia đình vì đa số cho rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghiêng nứt nhà là do việc thi công công trình gây ra. Bên cạnh đó, một số ý kiến còn băn khoăn chưa biết kế hoạch xây dựng lại tập thể P16A được thực hiện vào thời điểm nào và thời gian tạm cư sẽ kéo dài trong bao lâu… nên đã có đơn khiếu nại.
Để giải quyết khúc mắc của người dân, ngày 9-6-2014 UBND TP Hà Nội có Công văn số 4116/UBND-QHXDGT giao Thanh tra thành phố cùng UBND quận Tây Hồ giải quyết khiếu nại và xử lý sự cố tại khu tập thể P16A Thụy Khuê. Thực hiện chỉ đạo của thành phố, ngày 20-6-2014 UBND quận Tây Hồ có Văn bản số 529/UBND-QLĐT giao UBND phường Thụy Khuê chủ trì thỏa thuận mức bồi thường thiệt hại giữa Công ty Cao ốc quốc tế Hồ Tây với các hộ dân. Thế nhưng, theo ông Vũ Bá Đông, Phó Chủ tịch UBND phường Thụy Khuê thì sau 3 lần tổ chức hòa giải, mới có 13 hộ chấp nhận ký vào phương án đền bù, di dời khỏi công trình nguy hiểm; 16 hộ còn lại đến nay vẫn chưa chấp nhận mức bồi thường mà Công ty Cao ốc quốc tế Hồ Tây đưa ra; đồng thời đề nghị UBND thành phố và quận Tây Hồ phải có phương án xử lý tổng thể. Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Chí Thanh, Tổng Giám đốc Công ty Cao ốc quốc tế Hồ Tây cho biết: Theo báo cáo kiểm định hiện trạng có 8 nguyên nhân khiến tập thể P16A xuống cấp nhưng người dân chỉ nhìn thấy ảnh hưởng từ việc triển khai thi công xây dựng dự án mà bỏ qua các nguyên nhân còn lại, trong đó có 2 nguyên nhân đặc biệt nguy hiểm là móng nhà bằng gạch đã bị phong hóa, mủn mục nhưng người dân vẫn thay đổi kết cấu trên khung nhà đã quá thời hạn sử dụng theo quy định… Tuy nhiên, để dự án sớm được triển khai, công ty đã tìm mọi cách hỗ trợ tiền thuê và chuyển nhà với đơn giá cao nhất nhằm giúp người dân nhanh chóng di dời khỏi công trình nguy hiểm. Việc 16 hộ dân còn lại không có thiện chí hợp tác đã cản trở việc thi công.
Như vậy, có thể nhận thấy quyết định di dời 29 hộ gia đình ở khu tập thể P16A Thụy Khuê ra khỏi công trình nguy hiểm của UBND TP Hà Nội là hoàn toàn đúng, trước hết nhằm bảo đảm an toàn cho người dân. Thiết nghĩ, Thanh tra thành phố cần sớm vào cuộc, có kết luận vụ việc, tránh tình trạng dây dưa, kéo dài.