Đại biểu Quốc hội: ‘Tăng thuế thuốc lá, rượu bia để giảm chi phí xã hội’

Hầu hết các ý kiến phát biểu tại hội trường chiều 15/11 khi Quốc hội thảo luận về Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) và Luật bổ sung, sửa đổi một số điều của các luật thuế đều nhất trí với đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt của Chính phủ.

Đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) khẳng định nhiều bệnh khó chữa đến từ tác hại của huốc lá, rượu bia. Bên cạnh đó, số thuế thu được những năm qua tuy lớn nhưng chưa đủ bù cho chi phí xã hội, chi phí khám chữa bệnh do những tác hại của các mặt hàng này gây ra. “Do đó, tăng thuế là giải pháp tốt nhất. Giảm tiêu dùng thuốc lá, rượu bia cần phải coi là một ưu tiên chính sách”, bà Khá nhấn mạnh.

Cho rằng thuế suất mà Bộ Tài chính đưa ra với thuốc lá là thấp, bà đề nghị ngay từ năm 2015 nên áp dụng mức thuế suất 70% và tới năm 2018 tăng luôn lên 90%. Lộ trình tăng thuế theo từng năm hoặc chu kỳ 2-3 năm.

“Khi còn trẻ bán sức khỏe để la cà/Lúc về già bán nhà bán cửa để mua sức khỏe”, đại biểu Trà Vinh kết thúc bài phát biểu bằng hai câu thơ.

uh-7606-1416108549.jpg

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) đồng tình với việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá bởi tác hại về sức khỏe và xã hội của mặt hàng này là điều không cần bàn cãi. Tuy nhiên, theo ông Cương, để giảm số lượng người sử dụng thuốc lá đòi hỏi phải có nhiều giải pháp đồng bộ chứ không chỉ có tăng thuế, trong đó ông nhấn mạnh đến các biện pháp chống hàng giả, buôn lậu. “Tăng thuế lên càng cao, nạn buôn lậu càng phát triển. Người dân có thể chuyển sang tiêu dùng sản phẩm tự nấu hoặc tiêu thụ sản phẩm nhập lậu độc hại hơn”, ông Cương lo ngại

Tuy nhiên, đại biểu Trần Khánh Nhung (Quảng Bình) phản bác: “Các ý kiến cho rằng, thuế tăng làm gia tăng buôn lậu là không thuyết phục”.

“Nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới WHO cho thấy không có mối liên quan giữa việc thuế tăng và gia tăng buôn lậu. Chúng ta vừa tăng thuế, vừa phải tăng cường chống buôn lậu”, nữ đại biểu lập luận.

“Tăng thuế có thể làm cho các ngành sản xuất này sẽ khó khăn, nhưng chúng ta phải lựa chọn bởi bảo vệ sức khỏe con người cần thiết hơn”, bà Nhung kiến nghị.

Dẫn số liệu của WHO, nữ đại biểu cho rằng nếu đưa thuế suất Tiêu thụ đặc biệt tăng 40% thì ảnh hưởng tăng giá bán lẻ chỉ khoảng một nửa. Trong khi nếu thuế tăng 10% thì  giá bán lẻ thuốc lá hầu như tăng không đáng kể. “Giá bán lẻ thuốc lá ở ta thuộc loại thấp nhất rồi, có tăng giá lên mới giảm được người hút”, bà Nhung nói.

Chí Hiếu

Trả lời

0913.756.339