Đại biểu Quốc hội lo ngân sách bị băm nhỏ

Câu chuyện quản lý, sử dụng các quỹ trong và ngoài ngân sách là vấn đề thu hút quan tâm của nhiều đại biểu khi Thường vụ Quốc hội bàn về dự luật sửa đổi liên quan đến túi tiền quốc gia. Trong phần thảo luận sáng 2/10, chủ đề được bàn tán sôi nổi ngay sau khi Chủ nhiệm ủy ban Pháp luật – Phan Trung Lý cho biết hiện nhiều luật, quy định… cho phép lập các quỹ tài chính. Hệ lụy là cả nước hiện có 70-80 quỹ với nguồn thu phần lớn đến từ ngân sách.

Trong số này, ngành bảo hiểm hiện có các quỹ như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tự nguyện… Tương tự là quỹ bảo trì đường bộ ở ngành giao thông hay quỹ hỗ trợ xuất khẩu, phòng chống buôn lậu, phòng chống ma túy… “Ngân sách thì khó mà cứ phân tán mỗi túi một tí cho dễ “bóc” thì gay”, Chủ nhiệm Lý nhận xét.

Mặc dù không phủ nhận vai trò tích cực của hình thức này, song theo Chủ tịch Quốc hội Nguyên Sinh Hùng, do nguồn thu các quỹ chủ yếu vẫn đến từ ngân sách nên cần có sự thống nhất trong quản lý. Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết thêm rằng những quỹ có nguồn thu từ thuế, phí… thì theo quy định phải hạch toán đầy đủ vào ngân sách.

Tuy nhiên, là người điều hành trực tiếp, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết với các quỹ ngoài ngân sách, luật hiện hành không quy định phạm vi điều chỉnh. Trong khi đó, thực tế đã có những khoản thu của ngân sách được tách ra, đưa vào các quỹ này. “Việc thực hiện như trên tuy đã đạt được một số mục tiêu nhất định, song làm phân tán nguồn lực. Một số có số dư khá trong khi ngân sách thiếu hụt, phải đi vay. Lại có trường hợp sử dụng không đúng mục tiêu, kém hiệu quả vì không bị kiểm soát”, ông Dũng nói.

tien-7498-1412225299.jpg

Quá nhiều quỹ tài chính đang làm cho ngân sách bị phân tán

Để khắc phục tình trạng trên, Chính phủ cho rằng cần quy định rõ, chặt chẽ trong luật mới, theo hướng không cấp hỗ trợ hoạt động cho các quỹ ngoài ngân sách. Trường hợp phải hỗ trợ vốn điều lệ thì bản thân quỹ phải có đủ khả năng hoạt động tài chính độc lập, nguồn thu, nhiệm vụ chi không trùng với ngân sách.

Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Tài chính ngân sách còn đề nghị phải thu hẹp, đưa vào cân đối ngân sách những quỹ có nguồn thu chủ yếu từ thuế, phí… Ý kiến khác đề nghị quy định rõ ràng một số loại quỹ, thẩm quyền lập quỹ ngay trong luật.

Một vấn đề khác cũng khiến các đại biểu băn khoăn là quy định ứng trước ngân sách từ dự toán năm sau.

Cụ thể, dự thảo luật đề nghị tiếp tục cho phép như hiện hành. Tuy nhiên, thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách lại đề nghị bỏ quy định để bảo đảm phản ánh đúng các khoản thu, chi, bội chi thực tế phát sinh trong năm. Hơn nữa, việc cho phép ứng trước dự toán ngân sách năm sau không phù hợp theo quy định của Hiến pháp rằng các khoản thu, chi phải được dự toán, hạn chế thẩm quyền quyết định ngân sách của Quốc hội…

Dù vẫn đồng tình với việc ứng trước ngân sách nhưng Chủ nhiệm ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu đề nghị với các khoản cần thiết song không đến mức bất khả kháng thì nên giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.

Chí Hiếu

0913.756.339