Báo cáo của Ban chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu gian lận thương mại và hàng giả (Ban 389) cho biết, trong hơn 11 nhóm mặt hàng gian lận thương mại phổ biến hiện nay thì xăng dầu là lĩnh vực nổi cộm với số lượng buôn lậu khá lớn. Năm 2014, trong số hơn 20 vụ vận chuyển xăng dầu trên biển bị bắt quả tang, lực lượng chức năng đã thu giữ hơn 2,6 triệu tấn xăng và 8,7 triệu lít xăng dầu, chống thất thu ngân sách Nhà nước hàng nghìn tỷ đồng.
Theo đại diện Ban 389, các đối tượng không chỉ sử dụng chứng từ hóa đơn giả, nhiều trường hợp buôn lậu sử dụng thủ đoạn mua xăng dầu từ các công ty đầu mối hoặc tổng đại lý để hợp pháp hóa việc vận chuyển xăng. Ngoài đem ra tiêu thụ trên thị trường, một lượng không nhỏ xăng dầu lậu được bán trực tiếp cho các tàu cá của ngư dân. Nguyên nhân theo cơ quan chức năng, ngoài chênh lệch giá bán trong nước và các quốc gia láng giềng, vấn đề cung ứng giữa các công ty đầu mối chưa tốt cũng khiến hoạt động buôn lậu xăng dầu trên biển diễn ra ngày càng phức tạp.
Trước đó, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cũng cho biết các cơ sở kinh doanh xăng dầu ở nhiều địa phương đã không thể bán được dầu diesel cho đánh bắt hải sản vì ngư dân chủ yếu mua từ nguồn nhập lậu. Có địa phương mức độ buôn lậu lớn khiến thất thu ngân sách lên tới hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.
Tuy nhiên, sau lần giảm giá gần đây nhất vào 21/1, Tổ công tác điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ cho biết, ngoài Singapore và Malaysia – hai nước có trợ giá xăng dầu, hiện giá xăng tại Việt Nam đã thấp hơn một số quốc gia khu vực. Ngoài vấn đề buôn lậu, Tổ công tác lo ngại Việt Nam sẽ trở thành điểm cung cấp xăng dầu giá rẻ cho một số nước lân cận, nếu như giá dầu thô thế giới tiếp tục giảm sâu.
Thành Tâm