Tại bến xe Mỹ Đình, cho đến ngày 15/1 mới chỉ có khoảng 15 doanh nghiệp đăng ký giảm giá vé.Ảnh: Bá Đô |
15/1 là hạn cuối cùng để các doanh nghiệp đăng ký giảm giá cước vận tải, sau khi giá xăng dầu giảm hơn 30% trong thời gian qua. Tuy nhiên đến sáng nay, tại nhiều bến xe lớn của thủ đô, có nhiều doanh nghiệp kiên quyết không giản giá.
Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc Bến xe phía Nam cho biết bến mới nhận được đăng ký giảm giá cước của 30 doanh nghiệp trong tổng số hơn 100 doanh nghiệp hoạt động tại bến. “Phần lớn những doanh nghiệp này giảm từ 3 đến 5%, một số ít giảm đến 12%”, ông Thành cho hay.
Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó giám đốc bến xe Mỹ Đình cho biết, hai tháng qua có 150 doanh nghiệp giảm giá vé 51/100 tuyến vận tải, đa phần giảm 3-5%, số ít giảm tối đa 12%. Đến sáng nay, vẫn còn 30% trong số hơn 200 nhà xe hoạt động ở bến chưa đăng ký giảm cước.
Tại một số địa phương như Hải Phòng và các tỉnh miền núi phía Bắc, rất ít doanh nghiệp đăng ký giảm giá cước vận tải tối đa 12% theo quy định. Nguyên nhân được các đơn vị vận tải đưa ra là trong quá trình xăng tăng giá trước đó, doanh nghiệp vẫn giữ nguyên giá vé trong nhiều năm.
Ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát sở hữu hãng xe Sao Việt cho biết, công ty đã đăng ký giảm giá vé khoảng 8% so với trước đây (từ 250.000 đồng xuống 230.000 đồng) để phù hợp với giá xăng giảm. Năm 2011, giá vé đăng ký với các cơ quan chức năng của đơn vị là 250 nghìn đồng từ Hà Nội đi Lào Cai. Qua nhiều đợt giá xăng tăng nhưng công ty không tăng giá vé nên lần này, cân nhắc trên nhiều tiêu chí, doanh nghiệp giảm ở mức 8% cho phù hợp với điều kiện thực tiễn, ông Bằng lý giải.
Một số doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa cũng chỉ giảm cao nhất đến 10%, nhiều đơn vị không giảm. Lý giải điều này, một chủ doanh nghiệp vận chuyển container tuyến Bắc-Nam cho rằng do chi phí vận chuyển, người bốc xếp, nhân công tăng, lương tài xế dịp cuối năm không hề giảm, thậm chí phải tăng họ mới tiếp tục làm việc.
Theo Sở Tài chính Hà Nội, 69 trong tổng số 114 doanh nghiệp taxi trên địa bàn thủ đô đăng ký giảm giá cước. Trong đó hơn 50 đơn vị giảm 200-500 đồng/km (2-5%); 15 đơn vị giảm 800-1.000 đồng/km (5-8%). Chỉ có vài trường hợp giảm 1.200-1.500 đồng/km (10-11%).
Bộ Giao thông đang thành lập các đoàn thanh tra nhằm xử lý các doanh nghiệp cố tình không giảm giá cước. Ảnh: Bá Đô |
Một số chuyên gia cho rằng, do đang tồn tại kẽ hở trong các quy định về kiểm soát giá cước hiện nay, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vận tải thao túng thị trường. Theo Nghị định số 177/2013/CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giá cũng như Thông tư liên tịch 152 giữa Bộ Giao thông và Tài chính chỉ quy định, các doanh nghiệp nếu muốn điều chỉnh giá cước tăng quá 3% thì phải thực hiện kê khai lại.
“Nghĩa là 2 bộ mới chỉ tính đến chiều hướng khi xăng tăng mà chưa tính tới chiều hướng giảm, chính đây là kẽ hở để các doanh nghiệp chây ỳ không giảm giá cước”, một chuyên gia phân tích.
Ông Trần Bảo Ngọc – Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông) cho rằng nhà nước đang quản lý giá theo Luật giá với nguyên tắc tuân theo cơ chế thị trường, tôn trọng quyền cạnh tranh giá của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật. Đối với cước vận tải, mặc dù không nằm trong danh mục quản lý giá nhưng Nhà nước đã kiểm tra thông qua cơ chế các doanh nghiệp phải công khai, niêm yết giá theo kê khai của Nhà nước.
Cũng theo ông Bảo, vừa qua Bộ Giao thông đã quyết định thành lập các đoàn thanh tra giá cước vận tải tại 8 địa phương. Đoàn sẽ kiểm tra, tìm hiểu nguyên nhân để điều chỉnh cho phù hợp. Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện ra những doanh nghiệp không thực hiện quản lý giá cước theo quy định, Bộ sẽ xử lý nghiêm.
Bá Đô