Theo hiến chương chính thức của Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), mục tiêu của tổ chức này là “bình ổn giá dầu trên thị trường quốc tế”. Tuy nhiên, họ vẫn chưa làm tốt sứ mệnh của mình. Giá dầu bắt đầu giảm vào tháng 6, từ gần 115 USD mỗi thùng xuống gần 70 USD hiện tại.
Một phần nguyên nhân là kinh tế kế giới trì trệ, khiến tiêu thụ dầu giảm hơn dự kiến. Lý do khác là OPEC sản xuất nhiều hơn nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, “thủ phạm” chính là những ông trùm dầu mỏ ở Bắc Dakota và Texas của Mỹ. Trong 4 năm qua, khi giá dầu luôn dao động quanh 110 USD mỗi thùng, họ đã tìm ra cách khai thác dầu từ đá phiến – điều trước đây được coi là bất khả thi.
Từ năm 2010, những ông trùm này đã khai thác khoảng 20.000 giếng dầu mới, gấp 10 lần Ảrập Xêút, giúp nâng sản lượng dầu của Mỹ thêm một phần ba, lên gần 9 triệu thùng mỗi ngày. Con số này chỉ ít hơn Ảrập Xêút một triệu thùng mỗi ngày. Cuộc chiến sản xuất dầu giữa Mỹ và Trung Đông đã khiến cả thế giới chuyển từ trạng thái thiếu sang thừa dầu.
Mỹ đã rất tích cực khai thác dầu từ đá phiến trong những năm qua. Ảnh: Bloomberg |
Giá dầu giảm được ví như một liều thuốc kích thích đối với tăng trưởng toàn cầu. Cứ mỗi 40 USD giảm được, 1,3 tỷ USD sẽ chảy từ túi các công ty sản xuất sang người tiêu dùng. Năm 2013, trung bình một người đi xe hơi tại Mỹ chi khoảng 3.000 USD tiền xăng dầu. Còn năm nay, họ sẽ tiết kiệm được 800 USD, tương đương được tăng lương 2%.
Các nước nhập khẩu dầu lớn như khu vực đồng tiền chung châu Âu, Ấn Độ, Nhật Bản và Thổ Nhĩ Kỳ cũng được hưởng lợi lớn từ việc giá dầu giảm. Do số tiền này sẽ được chi tiêu thay vì cất vào các quỹ tiết kiệm, nhờ vậy GDP toàn cầu sẽ tăng. Giá dầu giảm khiến lạm phát vốn ở mức thấp càng xuống sâu hơn, vì vậy nó sẽ khuyến khích các ngân hàng trung ương nới lỏng tiền tệ. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ hoãn nâng lãi suất. Còn Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ hành động quyết liệt hơn để chống giảm phát bằng cách mua trái phiếu chính phủ.
Các nước sản xuất dầu mỏ với ngân sách phụ thuộc vào giá dầu sẽ gặp khó khăn. Trong tuần qua, đồng rouble mất giá mạnh, khiến triển vọng kinh tế Nga càng thêm mù mịt. Nigeria buộc phải nâng lãi suất và phá giá đồng naira. Còn Venezuela đang tiến gần hơn tới bờ vực phá sản. Nỗi sợ phá sản và đà giảm giá dầu khiến các thị trường tài chính như ngồi trên đống lửa. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng quan, giá dầu giảm đang có tác động tích cực tới kinh tế toàn cầu.
Dù vậy, tác động tích cực ra sao phụ thuộc vào việc giá dầu ở mức thấp bao lâu. Đây là nội dung cuộc chiến dai dẳng giữa OPEC và các công ty khai thác dầu từ đá phiến. Một số thành viên OPEC muốn giảm sản lượng dầu nhằm đẩy giá tăng trở lại. Tuy nhiên, Ảrập Xêút dường như vẫn còn nhớ bài học của những năm 70. Giá dầu tăng vọt đã khiến người ta rót tiền đầu tư vào các mỏ dầu mới, gây ra tình trạng thừa dầu kéo dài cả thập kỷ sau đó. Nước này dường như đang có chiến lược khác. Đó là cứ để giá dầu giảm, khiến các công ty sản xuất với chi phí cao phá sản. Khi đó, nguồn cung sẽ được điều chỉnh, đẩy giá dầu tăng lên.
Nhiều dấu hiệu cho thấy chiến lược này đang được thực hiện. Giá cổ phiếu các công ty khai thác dầu từ đá phiến đang giảm. Trong đó, nhiều công ty còn ngập trong nợ nần. Thậm chí trước khi giá đầu giảm, đa số các công ty này đang đầu tư vào các giếng dầu mới thay vì khai thác giếng cũ. Giờ đây, khi doanh thu sụt giảm mạnh, họ gặp khó khăn và có khả năng sẽ xảy ra phá sản hàng loạt.
Điều này sẽ khiến uy tín của các công ty khai thác dầu từ đá phiến sa sút nghiêm trọng trong mắt nhà đầu tư. Thậm chí, những công ty sống sót cũng sẽ bị thị trường xa lánh một thời gian, buộc phải cắt giảm chi phí tương ứng với doanh thu có được từ bán dầu. Vì các giếng khai thác dầu từ đá phiến có tuổi đời khá ngắn (sản lượng có thể giảm 60-70% trong năm đầu tiên), việc giảm đầu tư sẽ nhanh chóng khiến sản lượng giảm.
Quá trình này sẽ rất đau đớn. Nhưng trong dài hạn, tương lai của ngành khai thác dầu từ đá phiến có thể được đảm bảo. Fracking (phương pháp đưa hỗn hợp nước, cát và hóa chất vào đá phiến để ép dầu) là công nghệ còn khá non trẻ và vẫn đang đem lại hiệu quả lớn về hiệu suất. Theo hãng nghiên cứu IHS, chi phí cho một dự án khai thác dầu từ đá phiến đã giảm từ 70 USD xuống 57 USD mỗi thùng trong năm ngoái. Các hãng sản xuất đã học được cách đào giếng nhanh hơn và khai thác dầu nhiều hơn.
Các công ty vượt qua được cơn bão hiện nay sẽ có nhiều giếng dầu đá phiến hơn để khai thác. Hoạt động khoan dầu này mới chỉ bắt đầu tại vùng Niobrara ở Colorado và vùng Mississippi Lime dọc ranh giới giữa bang Oklahoma và Kansas. Đá phiến không chỉ có tại Mỹ mà còn xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới, từ Trung Quốc cho tới Cộng hòa Czech. Dù không nước nào có những nhà đầu tư hào hứng, đội ngũ thợ khai thác có kinh nghiệm và thủ tục hành chính mềm dẻo như Mỹ, các công ty rồi cũng sẽ phải tìm tới đá phiến ở những nơi khác.
Quan trọng nhất là đầu tư vào dầu đá phiến cần rất ít vốn. Các mỏ dầu truyền thống chưa được khai thác thường có ở những vùng khó tiếp cận như nằm sâu dưới đáy biển hoặc ở Bắc Cực. Mới đây, Exxon Mobil của Mỹ và Rosneft của Nga đã mất 2 tháng và 700 triệu USD để đào một giếng dầu tại Kara Sea, phía bắc Siberia. Dù tìm được mỏ dầu, việc khai thác vẫn sẽ mất nhiều năm và tiêu tốn hàng tỷ USD. Ngược lại, giếng dầu đá phiến chỉ cần đào trong một tuần với chi phí 1,5 triệu USD. Các công ty biết được nơi nào có đá phiến và việc thuê giàn khoan mới cũng khá dễ dàng. Câu hỏi duy nhất chỉ là đào bao nhiêu giếng mà thôi. Toàn bộ việc khai thác này được ví như sản xuất đồ uống – bất cứ khi nào thế giới khát, bạn chỉ cần đến nhà máy đóng chai.
Economist kết luận ngành công nghiệp dầu mỏ đã thay đổi. Thị trường vẫn sẽ phải chịu các cú sốc chính trị, như chiến tranh tại Trung Đông hay chính sách của Tổng thống Vladimir Putin. Nhưng, nếu không có những sự kiện như vậy, giá dầu sẽ ít bị ảnh hưởng bởi các cú sốc hoặc ít bị thao túng hơn. Dù 3 triệu thùng dầu Mỹ sản xuất mỗi ngày chỉ là một phần nhỏ trong 90 triệu thùng dầu thế giới đang tiêu thụ, công nghệ khai thác dầu đá phiến ở Mỹ là đối thủ đáng gờm của Ảrập Xêút trong vai trò là nước sản xuất lớn nhất thế giới.
Công nghệ này không chỉ giúp giá dầu bớt biến động mà còn giúp ổn định kinh tế thế giới. Cho đến nay, dầu mỏ và tài chính luôn là hai ngành công nghiệp có khả năng đẩy thế giới vào suy thoái. Vậy nên chí ít thì trong tương lai, ít nhất một trong hai ngành này cũng cần được bình ổn hơn một chút.
Thanh Tuyền