Cục Hàng không: Ngăn phi công chuyển việc là đúng quy định

Trao đổi với báo chí ngày 13/1 về việc hàng trăm phi công của Vietnam Airlines báo ốm, xin nghỉ việc, Cục trưởng Hàng không Lại Xuân Thanh nhận định trong thời gian ngắn có hàng trăm phi công cáo ốm và xin nghỉ là rất bất thường, ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. Do đó, Bộ Giao thông Vận tải đã có biện pháp xử lý hành chính.

hk-8723-1421149711.jpg

Cục trưởng Cục hàng không Việt Nam, ông Lại Xuân Thanh. Ảnh: Thanh Bình.

Ông Thanh cho biết việc lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải có chỉ đạo ngăn chặn phi công xin nghỉ là đúng quy định. Chính phủ xác định Vietnam Airlines là lực lượng dự bị của quốc phòng, trong trường hợp cần thiết có thể áp dụng biện pháp cấp bách.

“Việc 117 phi công báo ốm, xin nghỉ là bất thường, cấp bách, uy hiếp đến hoạt động tức thời của hãng, đến an ninh kinh tế quốc gia nên nhà nước phải có biện pháp hành chính tức thời”, Cục trưởng Hàng không lý giải.

Trước ý kiến cho rằng phi công xin nghỉ không chỉ do tiền lương thấp mà còn do quá tải về công việc, người đứng đầu Cục Hàng không thông tin, các quy định an toàn bay rất ngặt nghèo, đơn vị chức năng thường xuyên kiểm tra giờ làm việc, giờ nghỉ ngơi của phi công.

“Nói phi công bị vắt kiệt sức là không chính xác”, ông nói.

Ông cho biết Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu hãng xây dựng cơ chế tuyển dụng, chuyển nhượng rõ ràng, minh bạch đảm bảo quyền lợi cho cả người lao động và doanh nghiệp. Việc xây dựng quy định chậm nhất đến tháng 7/2015 phải hoàn thành .

Trước đó, ngày 12/1, Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) – Phạm Ngọc Minh cho biết từ 5/1 có tổng cộng 117 lượt phi công báo ốm, chiếm 90% nhân lực ở đội bay Airbus. Sau đó, 9 người có đơn xin nghỉ việc. Trong số phi công báo ốm chỉ có 10 trường hợp có chứng nhận cơ quan y tế. Cao điểm có những ngày ghi nhận 7-8 chuyến bay có phi công báo ốm. Vietnam Airlines đã huy động lực lượng dự bị có sẵn để đáp ứng yêu cầu.

* Tỷ lệ chậm chuyến Vietnam Airlines tăng vọt

Ông Minh cũng cho rằng đây không phải việc làm cá nhân mà là hiện tượng lãn công tập thể, thông qua báo ốm, nếu không xử lý sẽ tái diễn vào các dịp cao điểm khác. Ông cam kết tăng lương từ tháng này theo lộ trình. Theo đó, tiền lương cơ trưởng lái Boeing 777 sẽ từ 163 triệu đồng đến 203 triệu đồng; máy bay A321 từ 142 triệu đến 183 triệu đồng mỗi tháng. Nửa cuối năm, mức lương tương ứng là 217 và 158-198 triệu đồng. Lương phi công nước ngoài của Vietnam Airlines tương ứng là 10.000-12.000 USD mỗi tháng.

Thông tin tại buổi họp trực tuyến toàn quốc về an toàn giao thông năm 2014 diễn ra ngày 13/1, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia cho hay, năm 2014, tỷ lệ chậm chuyến của các hãng hàng không Việt Nam là 17,3%, tăng 0,9 điểm phần trăm so cùng kỳ năm 2013, tỷ lệ hủy chuyến là 2,0%, giảm 0,8 điểm phần trăm so cùng kỳ năm 2013.

Về tai nạn hàng không, trong năm 2014 không xảy ra tai nạn hàng không, tuy nhiên tổng số sự cố và các vụ việc có nguy cơ uy hiếp an toàn hàng không là 401 vụ, trong đó có 91 sự có an toàn hàng không (tăng 177% so với năm 2013).

Các sự cố mức B, D tăng mạnh lần lượt ở mức 200% và 207% làm ảnh hưởng trực tiếp đến các chỉ số sự cố bắt buộc phải báo cáo/1000 lần chuyến, chỉ số sự cố uy hiếp an toàn bay mức C/10000 lần chuyến và chỉ số sự cố nghiêm trọng/10000 lần chuyến bay đều tăng.

Một số sự cố điển hình như vụ vận chuyển nhầm hành khách đi Cam Ranh; vụ cấp nhầm huấn lệnh tại Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng; vụ mất điện tại Trung tâm kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh và Cơ quan kiểm soát tiếp cận Tân Sơn Nhất.

Võ Hải

Để lại một bình luận

0913.756.339