“Cò mộ” ở Thanh Tước

Mộ ở nghĩa trang Thanh Tước.

Điều này vi phạm Nghị định 35/2008 của Chính phủ về Xây dựng, quản lý và sử dụng nghĩa trang: “Lợi dụng chính sách ưu đãi của nhà nước để thực hiện kinh doanh các dịch vụ nghĩa trang trái pháp luật” (Điều 8); đồng thời vi phạm các Quyết định của UBND TP Hà Nội: Quyết định 14/2010 và Quyết định 28/2014 đều nghiêm cấm: “Mua bán, chuyển nhượng đất trong nghĩa trang dưới mọi hình thức”.

Mộ chờ, hay hình thức kinh doanh ngầm?

Người dân sinh sống quanh khu vực nghĩa trang Thanh Tước, xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh, TP Hà Nội từ lâu đã quá bức xúc với việc buôn bán mộ phần ở Thanh Tước nhưng họ kêu không thấu.

Họ tự định nghĩa đó là núp dưới bóng việc làm tâm linh, từ thiện để kinh doanh địa ốc âm phần siêu lợi nhuận. Nhiều ngôi mộ vắng người thân đã bị di chuyển đi nơi khác để xây mộ chờ. Mộ chờ, hay hình thức kinh doanh ngầm đang diễn ra ở Thanh Tước?

Dẫn chúng tôi lên nghĩa trang Thanh Tước, vượt sang khu A3 gần sát với các gia đình tổ 3 khu đường 23, bà Nguyễn Thị Tuân, không giấu được nỗi xót xa trước những ngôi mộ vắng chủ đã và đang bị di dời đến đâu không rõ.

Những tấm bia mộ bằng xi-măng bị vứt lổng chổng. Gạch vỡ, bê tông, lá khô, que củi… tràn lên các ngôi mộ vắng người thân chăm sóc.

Bà Tuân cho biết, từ thời thanh niên bà đã tham gia chôn cất những ngôi mộ này khi được chuyển từ sân bay Đa Phúc lên. Kể cả tiểu không có cốt, chỉ có đất không, ban quản lý nghĩa trang thời đó vẫn chôn cất tử tế. Mỗi ngôi mộ được đánh dấu bằng miếng gỗ có khắc tên.

“Cả khu đồi này trước đây là mộ cũ nhưng bây giờ đi đâu hết mà người ta bảo di dời, chuyển đi chỗ khác. Những ngôi không có chủ thì bật đi đâu hết? Bây giờ toàn xây mộ chờ để bán”, bà Tuân nói.

Đi tiếp đến các ngôi mộ sau khu B4, bà Đào Thị Minh ở tổ 2 phẫn nộ: “Toàn bia mộ đây mà đào vứt bỏ đi. Chuyển đi thì phải mang bia cho người ta chứ”.

Muốn mua mộ, hỏi “cò”

Trao đổi với nhóm PV, ông T, cựu cán bộ một cơ quan Trung ương cho biết đã đặt mua 2 ngôi mộ liền nhau cho hai vợ chồng ở Thanh Tước với giá 80 triệu đồng/ngôi: “Mua theo giá Nhà nước thì phải qua nhiều cửa cho nên nghĩa trang nó lấy thêm 40 triệu nữa”.

Còn anh L, vài năm trước đây đã mua mộ cho cha mẹ khi khuất núi. Giá mỗi ngôi là gần 20 triệu. “Ví dụ có mấy ngôi muốn đưa cả về một chỗ quy tập thì có được không nhỉ?”, nghe chúng tôi hỏi, anh khẳng định: “Được. Nếu có chỗ thì mình có thể mua được mấy chỗ liền kề luôn”. Sau đó, anh L cho chúng tôi số điện thoại của một tay “cò” ở Thanh Tước.

Không mua bán, chỉ chuyển nhượng… hợp pháp

Từ số điện thoại của anh L, chúng tôi đã liên hệ với B, một tay “cò mộ” ở nghĩa trang Thanh Tước. B giới thiệu với chúng tôi hiện đang có một số ngôi mộ, vị trí rất đẹp. Đúng theo lịch hẹn, chúng tôi đã có mặt tại Thanh Tước. Dẫn chúng tôi lên vị trí mộ đã xây sẵn, được ốp đá Granit nguyên khối, H ra giá 120 triệu/ngôi.

“Bây giờ những ngôi mộ như thế này còn nhiều không?”, chúng tôi hỏi. “Ít lắm. Đây là như kiểu người ta di dời, nhưng mà người ta không có nhu cầu”, B nói.

“Có còn ngôi nào ngoài nữa không?”, chúng tôi cho biết cũng có vài người bạn có nhu cầu muốn đưa bố mẹ lên đây. “Có 2 ngôi có thể làm ngay được thôi. Không thì lại phải đăng ký chờ xét duyệt xong mới được”.

Thời gian chờ, B nói, lúc thì nhanh, có lúc phải vài tháng. Nhanh hay lâu thì B vẫn có thể làm được và sẽ có trách nhiệm làm đầy đủ mọi thủ tục. “Người mua chỉ việc chuyển tiền và nhận thẻ mộ”, B khẳng định.

Quản lý nghĩa trang phủ nhận

Chiều ngày 9/2/2015: PV Báo NNVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Sáng, Trưởng ban phục vụ Lễ tang Hà Nội. Thực tế, những điều nhóm PV đã khảo sát trên nghĩa trang Thanh Tước lại hoàn toàn trái ngược với câu trả lời của người có trách nhiệm quản lý nghĩa trang này.

Hiện nay, muốn mua mộ cát táng trên nghĩa trang Thanh Tước theo các khu thì giá ra sao, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Sáng: Theo giá bán Nhà nước phê duyệt. Tùy theo chất liệu của lăng mộ, trung bình khoảng hơn 10 triệu/ngôi.

Có thể giao dịch được không? Ví dụ tôi có đăng ký trên đó một số ngôi, sau đó tôi không có nhu cầu, tôi có thể bán lại cho người khác?

Ông Nguyễn Văn Sáng: Không được. Trên đó bây giờ hết rồi. Còn một số thì giải quyết theo đúng đối tượng cán bộ trung cao cấp có tiêu chuẩn, và nếu có giải quyết thì cũng phải đảm bảo các tiêu chuẩn sau: 1- Người từ 70 tuổi trở lên, 2- Người có vợ hoặc chồng đã được an táng trong nghĩa trang, 3- Người bị bệnh hiểm nghèo giai đoạn cuối.

Chứ không thể thích mua là được rồi sau đó lại chuyển nhượng lại đâu.

Có những người nói vẫn có thể chuyển nhượng được?

Ông Nguyễn Văn Sáng: Không thể chuyển nhượng được. Chúng tôi đã vào hồ sơ là chuẩn. Tên người đưa lên phải đúng chuẩn thì mới cho nhập mộ.

Nếu người đã mua rồi mà không có nhu cầu nữa?

Ông Nguyễn Văn Sáng: Thì phải trả lại nghĩa trang vì Nhà nước không bán đất, nó khác với nghĩa trang tư nhân.

Đối với những ngôi mộ lâu ngày rồi mà không có người đến thăm nom thì có di dời đi hay không?

Ông Nguyễn Văn Sáng: Những mộ vô danh vắng chủ hằng năm chúng tôi có đầu tư xây sửa lại. Ngôi có chủ thì thân nhân quan tâm. Còn những ngôi vắng chủ thì chính Ban phục vụ Lễ tang Hà Nội phải quan tâm. Cứ cuối năm là chúng tôi cho tổng vệ sinh, xây sửa các mộ vô danh vắng chủ.

Chuyển nhượng… mất phí nhiều

Bây giờ chúng tôi muốn mua thì cần phải có những giấy tờ gì?

“Cò” B: Chỉ việc chuyển tên thôi. Tôi sẽ có trách nhiệm chuyển tên. Có phải giấy tờ gì qua xã, huyện không?

“Cò” B: Tôi làm là phải có cửa, có thẻ mộ của Ban Phục vụ Lễ tang Hà Nội ở 125 Phùng Hưng. Lát tôi cho xem thẻ mộ cũ của người ta.

Có đảm bảo chắc chắn khi chúng tôi mua ngôi mộ này sẽ không gặp trở ngại với chính quyền không?

“Cò” B: Tôi làm lâu rồi, đã có sự tin tưởng. Còn nếu chưa làm thì chắc chắn không có sự giới thiệu như thế.

Tức là đã giới thiệu cho nhiều người rồi à?

“Cò” B: (Cười).

Liệu có giấy tờ gì để chúng tôi đảm bảo không?

“Cò” B: Lát tôi cho xem thẻ mộ cũ, CMND của người đứng tên chuyển nhượng. Khi làm thủ tục chuyển nhượng tôi sẽ đưa thẻ mộ y như thế… Nói chung vào được nghĩa trang này cũng không đơn giản đâu.

120 triệu/ngôi, cao quá, có thể giảm bớt số tiền không?

“Cò” B: Nói thật nhé, tiền chuyển đổi từ tên người nọ sang tên người kia, bây giờ họ thu lại hóa đơn gốc, để chuyển nhượng sang, nó mất phí nhiều.

Nhóm PV (Nông nghiệp VN)

Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: banbientap@cafeland.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.

0913.756.339