Chợ lên “đời” – dân và tiểu thương đều ngại

Chợ hiện đại, TTTM vắng khách
Tại TPHCM, nhiều TTTM được xây dựng hiện đại lại trở nên vắng khách. Trong khi đó, chợ truyền thống, chợ nhỏ vẫn phục vụ thói quen mua sắm hằng ngày của nhiều hộ gia đình. Điểm lại tình hình kinh doanh các siêu thị, TTTM ở TPHCM cho thấy, ở kênh mua sắm hiện đại thì chỉ có hệ thống các siêu thị phục vụ nhu cầu mua sắm hằng ngày như Big C, Co.opmart, Lotte Mart, Metro, Citimart, Maximark,… còn giữ lượng khách ổn định. Còn lại hầu như các TTTM có xu hướng kinh doanh các sản phẩm thời trang, quần áo, mỹ phẩm như Parkson, Diamond, Crescent Mall, Vincom,… thì lượng khách đến mua sắm khá vắng vẻ. Có thời điểm lượng nhân viên bán hàng còn nhiều hơn số lượng khách hàng đến tham quan mua sắm.
Mặc dù tình trạng kinh doanh tại các chợ hiện đại và TTTM mới xây dựng còn nhiều vấn đề phải bàn nhưng tuần qua, UBND quận Tân Bình (TPHCM) đã công bố kế hoạch giải tỏa chợ Tân Bình hiện hữu để xây dựng TTTM dịch vụ đa năng với quy mô 17 tầng phía trước ngay đường Lý Thường Kiệt và chợ truyền thống Tân Bình với quy mô 6 tầng ở phía sau đã khiến không ít người dân, tiểu thương lo ngại. Bởi tình hình kinh doanh của các TTTM mới xây dựng hiện đang khá vắng khách và một số chợ sau khi xây dựng thêm lầu đã rơi vào cảnh ế ẩm. Nay nếu chợ truyền thống Tân Bình được xây dựng với 6 tầng lầu, tiểu thương càng lo ngại khó kinh doanh đến việc vận chuyển hàng hóa…
Tại Hà Nội, từ năm 2006 đến nay, mô hình chợ và TTTM đã được triển khai với 6 dự án có vốn đầu tư khoảng 3.000 tỉ đồng gồm: Cửa Nam, Ô Chợ Dừa, Hàng Da, 41 Hai Bà Trưng, Thanh Trì và Mơ. Cả 6 dự án này sau khi khai trương đi vào hoạt động thì hiệu quả phục vụ dân sinh còn thấp, không thu hút được các hộ kinh doanh như chợ Ô Chợ Dừa, Cửa Nam. Diện tích bố trí chợ dân sinh đã được nhượng sang để kinh doanh các loại hình dịch vụ khác chiếm tới 50% diện tích các ngành hàng (TTTM Thanh Trì, 41 Hai Bà Trưng, Hàng Da). Theo lý giải của cơ quan quản lý thì nguyên nhân dẫn tới tình trạng các TTTM kết hợp chợ chưa thật hiệu quả là do tình trạng chợ cóc, chợ tạm ở khu vực xung quanh đã thu hút hết khách của chợ hiện đại.
Nhiều bất tiện

Chợ Hàng Da được xây dựng mới khang trang, dù ở khu vực tầng hầm cũng có máy lạnh. Tuy nhiên, ngoài khu vực hoa quả ở gần cửa các khu vực kinh doanh gia cầm, cá, thịt ở đây cũng khá ế ẩm. Riêng khu vực tầng 1 của chợ Hàng Da phục vụ quầy rượu, bánh kẹo thì có rất nhiều gian hàng đã đóng cửa, giao bán mà chẳng ai mua.

Ngoài ra khu vực quà tặng tại tầng 2 cả buổi chiều ngày 25.9 không có một khách nào. Tình trạng ế hàng diễn ra thường xuyên. Hiện nay, TTTM chợ Mơ chuẩn bị khai trương nhưng khả năng lấp đầy của khu vực tầng hầm phục vụ hàng nhu yếu phẩm chiếm tỉ lệ nhỏ. Nhiều sạp hàng kinh doanh thực phẩm, rau quả tại chợ tạm cũ ở khu vực sông Kim Ngưu đã thuê các hộ dân của khu dân cư sát chợ để tiếp tục kinh doanh giữ khách. Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại chợ Cửa Nam khi chợ chỉ còn là cửa hàng tự chọn với hàng hóa lèo tèo không có rau, thực phẩm vì bán chẳng có ai mua…

Khảo sát thực tế cho thấy, đúng là các chợ cóc, chợ tạm xung quanh TTTM, chợ hiện đại vẫn kinh doanh tốt vì đơn giản thói quen mua sắm của người dân là tính tiện lợi. Không cần phải gửi xe, khi tan tầm, người dân có thể đỗ tại vỉa hè mua lạng thịt, mớ rau thuận tiện. Nhiều người tiêu dùng (NTD) vẫn biết mua hàng rong có thể không đảm bảo chất lượng, gây mất trật tự đô thị nhưng vì tiện lợi nên họ nhắm mắt mua đại.
TPHCM tại chợ truyền thống, hầu hết tiểu thương đều chỉ thích kinh doanh tại khu vực tầng trệt, hoặc những vị trí gần lối đi, xung quanh mặt tiền chợ. Trong khi đó, những chợ truyền thống nào được xây dựng có lầu thì đa phần các tiểu thương và NTD đều ngại. Thực tế chợ An Đông, chợ Văn Thánh sau khi xây dựng lên lầu, chợ mới xây, sạch sẽ nhưng lại rơi vào cảnh “thanh vắng”.

Vắng khách ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các tiểu thương, đồng thời hoạt động của TTTM cũng kém hiệu quả, vì vậy thời gian tới, Sở Công thương TP.Hà Nội sẽ tiến hành rà soát lại toàn bộ các dự án chợ – TTTM chưa triển khai, nếu cần thiết có thể thu hồi hoặc hủy bỏ dự án.

Thu Hà – Mộng Thoa (Lao Động)

Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: banbientap@cafeland.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.

Để lại một bình luận

0913.756.339