Hồi chuông báo động
Căn hộ tại chung cư Copac Square bị cháy đen sáng 23-6-2014
Xác định nhà chung cư cao tầng là đối tượng trọng điểm luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ cũng như khả năng gây thương vong lớn về người, những năm qua, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước, lực lượng Cảnh sát PCCC đã triển khai quyết liệt nhiều biện pháp nghiệp vụ: tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm… nhằm kiềm chế sự gia tăng về số vụ cũng như thiệt hại do cháy gây ra. Tuy nhiên, những vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng vẫn liên tục xảy ra.
Trưa 29-3-2014, lửa bốc lên dữ dội ở khu căn hộ Phan Văn Trị (quận 5, TPHCM) khiến hàng trăm cư dân tháo chạy. Khoảng 12 giờ, nhiều người thấy lửa bùng lên ở căn hộ lầu 8 lô A liền hô hoán. Nhưng do căn hộ này vắng chủ, nên không ai tiếp cận được hiện trường. Lửa ngày càng lan mạnh kèm theo khói đen khiến hàng trăm cư dân hoảng loạn chạy thang bộ lánh nạn. Hàng chục cảnh sát chữa cháy quận 8 cùng 7 xe cứu hỏa, trong đó có xe thang nhanh chóng có mặt. Cảnh sát cứu hỏa kéo vòi rồng từ dưới lên lầu 8, tiếp cận hiện trường và khống chế không cho lửa lan sang các căn hộ lân cận. Đám cháy được dập tắt ngay sau đó. Không có thương vong về người, song hỏa hoạn đã thiêu rụi một phần và nhiều đồ đạc trong căn hộ.
Chung cư 22 tầng cao và 2 tầng hầm Copac Square tại số 12, đường Tôn Đản, quận 4, TPHCM bất ngờ bốc cháy khiến hàng trăm người đang làm việc và sinh sống tại đây tháo chạy sáng 23-6-2014. Lửa bốc lên từ tầng 22 block giữa của chung cư, khói cuồn cuộn len lỏi vào các căn hộ gần đó. Lực lượng chữa cháy quận 4 cùng xe thang huy động đến hiện trường ứng cứu. Tuy không có thương vong về người, song căn hộ ở tầng 22 và những căn nằm ở trên bị cháy đen.
Lửa bùng lên dữ dội ở căn hộ trong chung cư 3 tầng trên đường Nguyễn Thị Nhỏ (phường 15, quận 11, TPHCM) khiến nhiều người phải di tản vào chiều 2-7-2014. Không có thương vong về người, song hỏa hoạn khiến nhiều đồ đạc bị cháy rụi…
Theo quy định, tại các khu chung cư, chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng, đơn vị tư vấn giám sát có trách nhiệm tổ chức thi công, kiểm tra, giám sát thi công theo đúng thiết kế đã được thẩm định, phê duyệt; đảm bảo chất lượng công trình xây dựng, tổ chức nghiệm thu công trình. Tuy nhiên, trong thực tế vẫn còn hiện tượng chủ đầu tư, nhà thầu không tuân thủ quy định, tự ý thay đổi vật liệu, thiết bị kỹ thuật, đặc biệt là tại khu vực được chôn ngầm, cố định trong kênh, giếng kỹ thuật… dẫn đến chất lượng công trình không đảm bảo. Mặt khác trong quá trình vận hành, đơn vị quản lý không tuân thủ quy định về công tác quản lý, không thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được pháp luật quy định nên các hệ thống kỹ thuật không được duy trì hoạt động ổn định dẫn đến sự cố cháy, nổ (như vụ cháy đường ống đổ rác tại tòa nhà JSC 34, 18 tầng ở quận Thanh Xuân, Hà Nội, làm 2 mẹ con chị Vương Lan Phương, 43 tuổi chết ngạt).
Đâu là giải pháp?
Tại nhiều khu chung cư, khu vực hành lang phía sau được thiết kế hở cao ngang người, nhằm mục đích hỗ trợ thoát hiểm trong các trường hợp xảy ra cháy nổ, đặc biệt tại các tầng cao. Thế nhưng khi chuyển về sinh sống, nhiều hộ dân đã cơi nới, xây cao và bít kín do lo ngại trộm cắp và mưa gió. Họ cho rằng xây “chuồng cọp” thế này cảm giác an toàn hơn, mà không hề biết đã tự mình bít kín lối thoát hiểm trong trường hợp xảy ra hỏa hoạn.
Rất nhiều khu chung cư bình dân, nhất là tại các khu tái định cư vẫn chưa có hệ thống báo cháy tự động mà chỉ có chuông bấm theo mức, rất khó thông báo cho người dân biết trước kịp thời. Các bình chữa cháy sơ cấp được đặt hầu hết tại tầng 1, nhưng cũng chả ai quan tâm xem nó còn hoạt động được hay không. Đa phần người dân không hề được tập huấn hay sử dụng các thiết bị PCCC. Nguy hiểm hơn, nhiều chung cư còn cho thuê lại làm kho hàng, nơi gia công hàng may mặc, khuôn viên sân thường biến thành nơi đỗ xe… Theo tiến sĩ Nguyễn Trung Hòa, Vụ trưởng Vụ Khoa học, công nghệ và môi trường, Bộ Xây dựng, cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, đề cao trách nhiệm của chủ đầu tư, Ban quản lý các tòa nhà và sự đồng thuận, chung sức của người dân. Bộ Xây dựng sẽ nghiên cứu, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, nhất là quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng liên quan đến công tác PCCC, quy chế quản lý nhà chung cư, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý, giám sát về chất lượng xây dựng công trình.
Còn theo đại tá Đoàn Việt Mạnh, Cục trưởng Cục 5 PCCC và CNCH, Bộ Công an với các cơ quan, tổ chức, cá nhân, khi lập dự án và thiết kế xây dựng mới, cải tạo hoặc thay đổi tính chất sử dụng của công trình nhà chung cư cao tầng phải chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về PCCC; tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành; trước khi đưa vào hoạt động phải được cơ quan Cảnh sát PCCC nghiệm thu về PCCC; quan tâm tổ chức duy trì các điều kiện an toàn PCCC trong suốt quá trình hoạt động. Đối với người dân, cần chủ động học tập, tìm hiểu nhằm trang bị cho mình kiến thức PCCC và thoát nạn phổ thông; chấp hành nghiêm nội quy, quy định về PCCC của tòa nhà, cẩn trọng trong việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt và các chất dễ cháy…
Trà My (Công an TP.HCM)
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: banbientap@cafeland.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.