Cuối ngày 23/12, một ngày sau quyết định giảm giá xăng kỷ lục, Bộ Tài chính có công văn gửi Bộ Giao thông Vận tải và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố về việc tiếp tục tăng cường quản lý giá cước vận tải xe ôtô.
Từ đầu năm tới ngày 22/12, giá xăng đã giảm 6.330 đồng một lít, giá dầu giảm 5.970 đồng. Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính đến nay nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải ôtô chưa thực hiện kê khai giảm cước theo xu hướng giá nhiên liệu.
Do đó, cơ quan này đề nghị, Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải phối hợp với Sở Tài chính, các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra việc thực hiện quy định về kinh doanh vận tải ôtô và kê khai giá cước tại địa phương. Đối với các đơn vị chưa thực hiện, cần có văn bản yêu cầu tính toán lại giá thành và kê khai giảm giá cước phù hợp với biến động của giá nhiên liệu, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Đối với trường hợp quá thời hạn quy định mà các đơn vị không thực hiện kê khai giảm giá cước theo xu hưởng giảm giá nhiên liệu, sẽ xử lý vi phạm theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 109/2013. Theo văn bản này, vi phạm về đăng ký, kê khai giá có thể chịu mức phạt từ 5 đến 30 triệu đồng. Đồng thời, số tiền chênh lệch giá do vi phạm sẽ phải nộp vào ngân sách.
Đây không phải lần đầu tiên ngành tài chính có văn bản đề nghị ngành giao thông vận tải và địa phương phối hợp trong việc quản lý giá cước vận tải. Từ đầu tháng 11, khi giá xăng nhiều lần được điều chỉnh giảm nhưng cước vận tải vẫn đứng yên, Bộ Tài chính đã có một số văn bản có nội dung tương tự. Thậm chí, cơ quan này còn lập ba đoàn thanh tra giá cước để làm việc với 3 địa phương Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng. Sau đó, một số doanh nghiệp đã giảm giá cước từ 2 đến 11%.
Ngọc Tuyên