Trao đổi với VnExpress,ông Lê Hữu Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, tỉnh sẽ tiếp tục cử cán bộ, kỹ sư giúp 4 tỉnh Nam Lào xây dựng vùng tập trung nhân giống lúa, mì, đậu và thủy sản; cử bác sĩ thú y giúp người dân thu tinh nhân tạo cho bò, heo, phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm.
Về y tế, phía Lào cử khoảng 12 bác sĩ đến Bình Định giúp tập huấn kỹ thuật nội soi, cấp cứu. Sở Y tế Bình Định tiếp nhận các bác sĩ ở bốn tỉnh nói trên sang Việt Nam học tập nâng cao trình độ và hỗ trợ kỹ thuật trong lĩnh vực sản khoa và ngoại khoa.
Về giáo dục, hai bên tiếp tục hỗ trợ đào tạo nhân lực; trước mắt, mỗi năm Bình Định cấp học bổng 20 sinh viên của bốn tỉnh Nam Lào theo học tại Đại học Quy Nhơn (mỗi suất 1.430 USD). Giao lưu, học tập kinh nghiệm đào tạo nghiệp vụ, quản lý, đưa giảng viên, sinh viên sang học ngôn ngữ Lào. Hợp tác ứng dụng khoa học kỹ thuật; phát triển du lịch, giao lưu văn hóa – nghệ thuật…
Đến nay, Công ty Cao su Hữu nghị Lào – Việt (trực thuộc Tổng Công ty Dược, Trang thiết bị y tế Bình Định) đã trồng hơn 3.000 ha cao su tại SeKong. Công ty Bidina (Bình Định) trồng 2.500 ha cao su tại Attapeu bắt đầu đưa vào khai thác tạo việc làm cho khoảng 700 lao động tại địa phương.
Công ty Bidifa (Bình Định) liên danh với doanh nghiệp Lào mở nhà máy dược phẩm qui mô lớn tại tỉnh Champasak sản xuất thuốc viên chiếm 70% thị trường Lào. Doanh nghiệp này còn trồng 3000 ha cao su, cà phê tạo việc làm cho hàng trăm lao động tại tỉnh này.
Trí Tín