Bán nhà mặt tiền Sài Gòn tậu biệt thự vùng ven

Gia đình ông Lê Văn Kha vừa bán xong căn nhà mặt phố Tô Hiến Thành, quận 10, TP HCM. Ông cho biết đã bàn tính nhiều năm, cuối cùng thống nhất bán căn nhà mặt tiền 60 m2 (một trệt, lửng, một lầu), dùng số tiền này tậu mảnh đất lớn ở khu Tân Sơn Nhì (quận Tân Phú).

“Dù phải ra xa hơn nhưng bù lại có chỗ ở rộng rãi. Nhà có 5 người, 3 con đều đã lớn cần có không gian riêng tư. Hơn nửa đời người sống ở mặt tiền rồi nhưng chật chội quá”, ông nói. Căn nhà ông bán được với giá 8 tỷ đồng, dư tiền mua đất xây biệt thự ở Tân Sơn Nhì mà vẫn còn vốn để làm ăn nhỏ. 

Cách đây 2 năm, gia đình bà Nguyễn Thị Mật đã bán căn nhà mặt tiền 80 m2 lấy tiền mua ngôi nhà to ở vùng ven. Trước đây cả gia đình sống ở Lý Thái Tổ, quận 10 vị trí nhà mặt tiền cách quận 1 không xa, bán được 13 tỷ đồng. Cho thuê tầng trệt ngôi nhà cũ được 1.200 USD (khoảng 25 triệu) mỗi tháng, nhưng theo bà, chuyển ra Bình Chánh lại được nhiều cái lợi khác.

Bà Mật giải thích, con cái đã trưởng thành, vợ chồng bà quyết định bán căn nhà mặt tiền, mua căn nhà có khoảng sân vườn ở khu Thành Long, huyện Bình Chánh, TP HCM trị giá 5 tỷ đồng. Căn biệt thự mới thoáng mát và rộng hơn nhà cũ, tuy khá xa khu trung tâm nhưng phù hợp với người già, có chỗ cho con cháu, họ hàng đến chơi. “8 tỷ đồng còn lại vợ chồng tôi chia đều cho các thành viên trong nhà để con cái làm ăn”, bà cho hay.

a-tb-1-ban-nha-pho-tau-biet-th-9344-8309

Nhà mặt phố cho thuê làm văn phòng công ty, cửa hàng đang bị cao ốc văn phòng và trung tâm thương mại (nguồn cung lớn, giá ngày càng rẻ) cạnh tranh gay gắt. Ảnh: Vũ Lê

Tương tự, gia đình ông Đặng có căn nhà 100 m2 mặt tiền đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7 cũng tính chuyện bán, ra vùng ven sinh sống. Loại nhà mà ông Đặng ưu tiên tìm kiếm là một mảnh đất vườn xa Sài Gòn để hưởng cảnh nông nhàn. “Trước đây gia đình bán quán ăn nên mới cần mặt tiền. Bây giờ con cái có nghề riêng, vợ chồng già về hưu, bán đi để còn tính bài toán mới phù hợp hơn”, ông giải thích.

Làm môi giới nhà phố được 5 năm, anh Trần Đoàn Ngọc tiết lộ: “Những vụ bán nhà mặt tiền tại Sài Gòn rồi đổi nhà to hơn ở vùng ven, đa số rơi vào các gia đình có 2-3 thế hệ sống cùng nhau”. Thông thường, các thương vụ này đều mang lại cho gia chủ khoản tiền lớn, trung bình 7-12 tỷ đồng. Những căn nhà có vị trí đắc địa như căn góc, nằm cạnh ngã tư đường lớn, gần chợ, trường học… bán càng được giá.

Theo anh Ngọc, nhiều người ước ao có nhà mặt phố để dễ cho thuê, nhưng người trong cuộc hiểu rõ nếu làm bài toán ngược lại thì cơ hội cũng không hề nhỏ. Đó là bán căn nhà mặt tiền, thu về số vốn khá lớn, có thể dễ dàng tậu một căn nhà to ở vùng ven mà vẫn còn tiền thừa để lựa chọn những kênh đầu tư mới.

Tổng giám đốc Công ty địa ốc Á Châu (ACBR) Phạm Văn Hải đánh giá: “Xu hướng đổi nhà mặt tiền nội đô ra vùng ven không chỉ phổ biến tại TP HCM mà đã manh nha ở nhiều đô thị lớn khác tại Việt Nam. Đây cũng được xem là bài toán đầu tư thay thế cho văn hóa kinh doanh nhà mặt tiền”. 

Ông Hải cho biết, tương tự như Sài Gòn, tại Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang… cư dân đô thị đã linh hoạt với các bài toán đổi nhà mặt phố, chuyển ra xa khu trung tâm để tìm không gian sống rộng rãi hơn. “Tất nhiên, với việc bán nhà mặt tiền ở nội đô, nơi có điều kiện thuận lợi để kinh doanh, sẽ giúp chủ nhà dư ra số vốn khá lớn, có thể đầu tư hoặc giải quyết việc gia đình”, ông nói. 

Chuyên gia này phân tích, có nhiều nguyên nhân khiến các gia chủ có nhà mặt tiền Sài Gòn sẵn sàng bán khối tài sản này để chuyển ra vùng ven sinh sống. Thứ nhất, xuất phát từ nhu cầu cấp bách về vốn trong giai đoạn khó vay mượn, khó thế chấp bất động sản, nhiều người đã chấp nhận bán nhà phố, lùi ra ngoại thành. Mũi tên này bắn trúng 2 mục đích: dời ra xa thì giá nhà đất rẻ hơn nên mua được chỗ ở rộng rãi hơn và sẽ dư ra số vốn khá lớn.

Thứ hai, lợi thế nhà mặt tiền tại TP HCM đang có xu hướng phân hóa mạnh mẽ. Các tuyến đường danh tiếng, các quận nằm trong khu vực trung tâm và có chức năng thương mại cao vẫn tăng giá thuê đều đều theo từng năm và tiếp tục được săn đón. Thế nhưng, Sài Gòn đã xuất hiện một số tuyến phố mặt tiền bị suy giảm giá trị thương mại do kẹt xe, ngập nước, đường ngược chiều, vướng quy hoạch, có nhiều xe tải, contaner đi qua… Do đó, có không ít thương vụ bán nhà mặt tiền vì chính gia chủ cảm nhận được sự phân hóa này.

Thứ ba, thị trường cho thuê nhà mặt tiền làm công ty, làm cửa hàng buôn bán đang bị các cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại (nguồn cung lớn, giá thuê ngày càng mềm) cạnh tranh gay gắt. Nhà mặt tiền yếu thế hơn các cao ốc về quy mô, hình ảnh, an ninh (phòng chống trộm cướp) và không thuận lợi quảng bá thương hiệu, khó khăn tìm chỗ đỗ xe, không có dịch vụ bảo vệ, vệ sinh… đã phần nào tạo áp lực khiến cho giá thuê nhà mặt phố bị kìm hãm, không còn tăng cao như kỳ vọng, thậm chí sụt giảm.

Theo ông Hải, xu hướng bán nhà mặt phố tậu nhà to, biệt thự vùng ven sẽ tiếp tục tăng lên đối với nhóm người có nhu cầu cần vốn lớn, tìm kiếm môi trường và không gian sống tốt hơn. Ngược lại, với những người có nhu cầu tìm kiếm bất động sản vừa dùng để ở, vừa có thể kinh doanh thì nhà mặt phố vẫn là lựa chọn hàng đầu.

Đây là văn hóa mặt tiền cố hữu trong tư tưởng người dân đô thị Việt Nam hàng chục năm qua. “Phải chờ cho đến khi khái niệm nhà mặt tiền bị triệt tiêu, phương tiện giao thông cá nhân bị hạn chế như ở các nước phát triển, lúc đó nhà ở vùng ven lại thành mốt”, ông Hải dự báo.

Vũ Lê

Để lại một bình luận

0913.756.339