Cuối tuần trước, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử (Bộ Thông tin & Truyền thông) đã ra quyết định thu hồi giấy xác nhận cung cấp dịch vụ mạng xã hội trực tuyến và xử phạt vi phạm hành chính 205 triệu đồng với Công ty cổ phần công nghệ APPVL. Nguyên nhân được cơ quan chức năng thông báo là các vi phạm về nội dung trên website Haivl.com của doanh nghiệp này.
Sau quyết định, Thứ trưởng Bộ Thông tin truyền thông – Trương Minh Tuấn, một lần nữa khẳng định trước báo giới về việc Haivl.com bị rút giấy phép vĩnh viễn. Toàn bộ hồ sơ sẽ được chuyển sang cơ quan công an để tiếp tục điều tra, xử lý theo pháp luật.
Haivl.com bị rút giấy phép khiến khoản tiền 33 tỷ đồng đầu tư trước đó trở thành ẩn số. Ảnh: P.V |
Sự việc trên gây chú ý bởi hồi đầu tháng 10, Haivl.com từng được công bố bán cho Công ty CP quảng cáo trực tuyến 24h với giá 33 tỷ đồng. Ở thời điểm đó, Võ Thanh Quảng – người sáng lập website và đại điện 24h đều xác nhận với VnExpress về việc hoàn tất thương vụ. Riêng phía 24h cho biết họ chỉ tham gia vào trang mạng với tư cách cổ đông lớn, không trực tiếp can thiệp, điều hành.
Tuy vậy, theo trao đổi của lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông với báo chí, giao dịch này cũng được cơ quan quản lý đánh giá là vi phạm, vì đôi bên chưa chuyển đổi giấy phép sau khi hoàn tất. Điều này khiến cho số tiền giao dịch 33 tỷ đồng giữa 2 bên trở thành một ẩn số.
Cụ thể, dù cả hai phía đều chưa có phát ngôn chính thức sau vụ việc xử phạt nêu trên, song theo các luật sư, việc số tiền gần 1,5 triệu USD đó sẽ thuộc về APPVL hay phải trả lại cho 24h phụ thuộc rất lớn vào tính hợp pháp của hợp đồng cũng như tiến độ thanh toán giữa 2 bên.
Cụ thể, theo Luật sư Vũ Tiến Vinh – Giám đốc Công ty Luật Bảo An (Hà Nội), nếu hợp đồng chuyền nhượng cổ phẩn được xác định là bất hợp pháp (vô hiệu) thì 24h có quyền được nhận lại số tiền đã thanh toán. Bên mua có thể phải chịu một phần thiệt hại tương ứng với phần lỗi của mình dẫn đến hợp đồng vô hiệu.
Ngược lại, nếu hợp đồng vẫn có hiệu lực, cần xem xét các việc vi phạm của Haivl.com có trước hay cả trước và sau khi chuyển giao cho 24h. Trong trường hợp thứ 2, bên mua cũng có lỗi trong việc bị rút giấy phép nên phải chịu thiệt hại tương ứng với phần lỗi đó.
Thêm vào đó, luật sư này cho rằng phải xem xét điều khoản về chuyền dịch rủi ro. Các bên có hay không có thỏa thuận về việc này là một vấn đề mấu chốt, đặc biệt đối với những việc mà công ty chủ quản Haivl.com thực hiện trước khi chuyển nhượng. Nếu các bên thỏa thuận bên mua phải chịu hoàn toàn trách nhiệm kể từ thời điểm nhận bàn giao thì 24h phải gánh chịu rủi ro. Việc đòi lại tiền trong trường hợp này là rất khó.
Đồng quan điểm với ông Vinh, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP HCM cho biết xét riêng về mặt kinh tế, hợp đồng có hiệu lực tức là các bên đã có hợp đồng thỏa thuận, phân chia lợi nhuận, rủi ro rõ ràng, chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Như vậy, nếu 24h đã chuyển hết 33 tỷ đồng cho Haivl.com và thủ tục hoàn tất, có đăng ký phần vốn góp với Sở Kế hoạch đầu tư, đơn vị này phải chứng minh được họ không biết gì về các sai phạm của đối tác thì mới có khả năng lấy lại phần vốn góp. Riêng trường hợp 24h chưa chuyển tiền cho Haivl.com theo hợp đồng thì sau khi sự việc xảy ra, đơn vị này sẽ không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ góp vốn.
Chia sẻ với các luật gia, ông Nguyễn Phan Anh, Giảng viên Khoa Thương mại điện tử của trường Đại học Thương mại cho rằng việc website Haivl.com bị rút giấy phép là rủi ro bất ngờ đối với khoản tiền đầu tư của 24h mà hai bên không lường trước.
Tuy nhiên, theo ông bên chủ sở hữu vẫn có khả năng “vớt vát” lại một phần bằng cách xin cấp phép một mạng xã hội mới theo đúng với quy định của pháp luật hiện hành, tiêp tục hoạt động mô hình mạng xã hội tương tự với các thành viên cũ của Haivl.com nhưng với nội dung mang tính giải trí lành mạnh, phù hợp với quy định của đạo đức, văn hóa và pháp luật Việt Nam.
“Mạng xã hội mới nên được định hướng với các nội dung có tính giải trí lành mạnh, vui vẻ, hài hước, tránh xa những gì “nhạy cảm”, kiểm duyệt chặt chẽ. Đồng thời có thể tham khảo cách quản trị nội dung một số diễn đàn nổi tiếng khác với mô hình phân quyền duyệt nội dung, kiểm soát chặt chẽ tất cả các nội dung được chia sẻ trên trang mạng xã hội. Bất cứ một bài post nào của thành viên, nếu không phù hợp với các tiêu chí, các quy định của diễn đàn, của pháp luật Việt Nam, đều không được xét duyệt”, vị này nói.
Trước khi bị rút giấy phép, Haivl.com là trang web có 37 triệu lượt người truy cập, 4 triệu like fanpage, và 16.000 người theo dõi trên Twitter. Đối tượng độc giả chủ yếu là thanh thiếu niên, học sinh sinh viên, đứng thứ 13 tại Việt Nam theo xếp hạng của Alexa, và đứng thứ 1.529 trên thế giới. Doanh thu mỗi tháng của trang web khi đó đạt trung bình 800 triệu đồng, thuộc sở hữu của Công ty cổ phần công nghệ APPVL Việt Nam. |
Hồng Châu – Thanh Bình