Ông Hatakeyama từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong các doanh nghiệp nổi tiếng thế giới, với 11 năm trong vai trò giám sát của Hitachi. Vị này sau đó chuyển sang làm Trợ lý giám đốc cho Philip Morris, Giám đốc IT của Levi Strauss, Giám đốc IT khu vực Bắc Á cho Unilever Nhật Bản rồi DHL.
CEO FPT Nhật Bản – ông Trần Xuân Khôi nhận xét ông Hatakeyama là người giàu kinh nghiệm, và sẽ giúp hãng phát triển thêm nhiều mảng kinh doanh. Chuyên môn của ông là dịch vụ cho doanh nghiệp, như điện toán đám mây hay hoạch định tài nguyên doanh nghiệp (ERP).
Ông Hatakeyama Tsutomu. |
“Chúng tôi hy vọng sau 3 năm, mảng hoạt động của ông Hatakeyama sẽ đóng góp 20% doanh thu tại thị trường Nhật Bản. Ngoài kinh nghiệm quản trị, ông ấy cũng sẽ giúp chúng tôi quản lý tốt hơn các nguồn tài nguyên tại đây, đặc biệt là về nhân lực – như các kỹ sư Nhật chẳng hạn”, ông Khôi cho biết.
Trong khi đó, ông Hatakeyama cũng nhận xét các hãng công nghệ Việt Nam có rất nhiều cơ hội tại Nhật. Một trong những lợi thế của họ là chi phí thấp so với cả Nhật Bản, Trung Quốc hay Ấn Độ. Điều này đúng trên mọi lĩnh vực liên quan đến công nghệ thông tin. Vì vậy, công ty Việt Nam có thể trở thành đối tác cung cấp dịch vụ thuê ngoài (outsourcing) hoàn chỉnh. Các thế mạnh khác là công ty Việt Nam thân thiện, trung thực và làm việc chăm chỉ hơn.
Tuy nhiên, số lượng nhân lực công nghệ tại Việt Nam vẫn chưa bằng hai quốc gia trên. Bên cạnh đó, các công ty Việt nam cũng chưa đáp ứng được nhiều dịch vụ bằng đối thủ. Doanh nghiệp Trung Quốc và Ấn Độ cũng đều vượt trội về công nghệ, trong đó có kỹ năng quản lý dự án.
Dù vậy, điều quan trọng hơn cả là Chính phủ và các công ty Nhật Bản đang tìm kiếm đối tác bên ngoài gần gũi và giúp họ tiết kiệm chi phí nhiều hơn. Về căn bản, để giảm thiểu rủi ro chính trị, họ cũng đang hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc và tìm kiếm các quốc gia khác. Vì thế, ông Hatakeyama cho rằng các công ty Việt Nam có rất nhiều cơ hội trở thành đối tác kinh doanh chủ chốt của Nhật Bản.
Hà Thu