Trong khi kinh tế Brazil trì trệ, Nga bước vào suy thoái còn Ấn Độ phải vật lộn với cải cách kinh tế, tăng trưởng tại Mỹ lại bùng nổ nhờ giá dầu giảm và Thung lũng Silicon thống lĩnh thị trường công nghệ toàn cầu. Dù doanh số bán lẻ công bố đầu tuần không khả quan, quý III/2014, kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng nhanh nhất hơn một thập kỷ với 5%.
“Thời kỳ hoàng kim đã trở lại”, Jacob Frenkel – Chủ tịch chi nhánh quốc tế của JPMorgan Chase cho biết trên Bloomberg, “Nước Mỹ đang lấy lại vị thế của mình trên trường quốc tế. Mỹ cũng là nước có tốc độ phục hồi nhanh nhất”.
Nội dung các phiên họp tại Davos năm nay (21-24/1) sẽ vẫn tập trung vào các thị trường mới nổi, nhưng sẽ ít lạc quan hơn về triển vọng của các nước đang phát triển. Tuần tới, một phiên họp với chủ đề “Đạt mục tiêu tăng trưởng tại châu Phi” sẽ đưa ra đánh giá về ảnh hưởng của giá hàng hóa giảm. Một phiên họp khác với chủ đề “Bối cảnh thế giới Ảrập” sẽ đề cập đến tình trạng thất nghiệp trong giới trẻ và căng thẳng xã hội leo thang. Tại cuộc họp năm nay, Mỹ cử Ngoại trưởng John Kerry tới tham dự.
Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm nay sẽ khai mạc vào tuần tới. Ảnh: Bloomberg |
Không chỉ tại Davos, mà ở các hành lang, quán café, quán bar, sự phục hồi mạnh mẽ của kinh tế Mỹ đều được bàn tán sôi nổi. Martin Reitz – Giám đốc Rothschild chi nhánh tại Đức, cho biết: “Các công ty không hiện diện tại Mỹ hoặc mới có quy mô nhỏ tại đây đều đang bàn luận vấn đề này”.
Tại Davos, các CEO hàng đầu thế giới thường tận dụng cuộc họp để gặp gỡ nhau và các cuộc trò chuyện của họ cũng thường kết thúc bằng những thương vụ mua bán. Năm 2014, tổng giá trị các thương vụ nước ngoài mua lại công Mỹ tại Davos lên tới 259 tỷ USD, gấp đôi năm trước đó và cao nhất kể từ 2007.
Công ty Merck của Đức đứng đầu danh sách năm ngoái với thương vụ mua lại hãng sản xuất hóa chất cho phòng thí nghiệm Sigma-Aldrich với giá 17 tỷ USD. “Nếu muốn gia nhập làn sóng đột phá, bạn phải đến Mỹ. Không quốc gia nào trên trái đất đầu tư nhiều vào công nghệ đột phá như Mỹ”, CEO Karl-Ludwig Kley của Merck khẳng định.
Các công ty Mỹ đang thu hút được sự quan tâm trên toàn cầu. Hồi tháng 5/2014, công ty chưng cất Suntory (Nhật Bản) hoàn thành thương vụ mua lại hãng sản xuất rượu 219 tuổi – Jim Beam với giá 16 tỷ USD. Vài tháng sau đó, Encana chi 5,9 tỷ USD mua Athlon Energy. Đây là thương vụ mua lại hãng dầu khí Mỹ lớn nhất của một công ty Canada. Tháng 3/2014, Quỹ đầu tư quốc gia Qatar tham gia nhóm mua lại một nửa mảng kinh doanh du lịch của American Express với giá 900 triệu USD.
Tại Mỹ, lượng tiêu thụ hàng hóa của các công ty nước ngoài vẫn còn thấp. Franck Riboud – Chủ tịch hãng sữa Pháp – Danone thường gọi Mỹ là “thị trường mới nổi” của sản phẩm từ sữa. Chỉ 6% các hộ gia đình Mỹ mua sữa hàng tháng. “Đối với các công ty lớn, Mỹ là bến cảng tốt và an toàn nhất”, Manuel Falco – Giám đốc mảng đầu tư và doanh nghiệp của Citigroup tại châu Âu, Trung Đông và châu Phi cho biết.
Dù có sự thay đổi trong xu hướng thảo luận, hội nghị tại Davos năm nay vẫn sẽ đề cập tới châu Á, Mỹ Latinh và châu Phi. Năm 2014, tính theo phương pháp ngang giá sức mua (PPP), Trung Quốc đã vượt Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết. Còn tại Ấn Độ, Thủ tướng Narendra Modi cũng đang nỗ lực cải cách nhằm kích thích tăng trưởng.
“Đa số các công ty tôi gặp gỡ đều cho rằng trong dài hạn, đây sẽ là những thị trường quan trọng”, John Veihmeyer – Chủ tịch KPMG toàn cầu cho biết và nhận định: “Nếu không quyết định ngày hôm nay, 10 năm nữa bạn sẽ hối hận”.
Trong tháng này, Ngân hàng Thế giới đã hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu, nhưng đồng thời dự báo kinh tế Mỹ sẽ vượt xa các nước lớn khác. Theo đó, Mỹ sẽ tăng trưởng 3,2%, cao hơn so với trung bình toàn cầu là 3%. Trong khi đó, con số này tại Trung Quốc chỉ là 7,1%, hạ từ dự báo 7,5% giữa năm ngoái.
Năm nay, sức mạnh kinh tế Mỹ sẽ là chủ đề nóng tại Davos, Dominic Barton – Giám đốc điều hành McKinsey & Co toàn cầu nhận định. “Mỹ là nền kinh tế quyền lực và có sức mạnh chi phối lớn. Tôi cho rằng Mỹ sẽ còn tăng trưởng hơn nữa”, ông nói.
Thanh Tuyền