Đằng sau chiến lược dầu mỏ của Ảrập Xêút

Trong một cuộc hội thảo được tổ chức hôm qua bởi Câu lạc bộ Báo chí nước ngoài (OPC) và hãng tư vấn rủi ro toàn cầu Control Risks, những người tham gia đã bày tỏ sự ngờ vực về ý kiến cho rằng Ảrập Xêút từ chối can thiệp vào thị trường dầu vì muốn đá các hãng sản xuất Mỹ ra khỏi thị trường. Những năm gần đây, ngành công nghiệp dầu đá phiến tại Mỹ phát triển rất mạnh và đang cạnh tranh thị phần với Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC).

Những người tham gia sự kiện cho rằng có thể có yếu tố chính trị đằng sau động thái này. Còn việc buộc Mỹ giảm sản lượng chỉ là nhân tiện.

Putin-4980-1418891985.jpg

Tổng thống Nga Vladimir Putin và hoàng tử Ảrập – Salman bin Abdulaziz Al Saud. Ảnh: Reuters

Những bên sẽ chịu thiệt hại rõ ràng nhất trong tình hình dầu mỏ hiện nay là Iran và Nga. Iran là đối thủ chính của Ảrập Xêút trong khu vực. Còn Nga cũng chẳng được họ coi là bạn bè.

Cú giáng vào dầu đá phiến chỉ là “một tác dụng phụ tuyệt vời của động thái đánh Iran và Nga”, Michael Moran – Giám đốc phân tích rủi ro toàn cầu của Control Risk nhận xét. Hơn nữa, ông cho rằng, không hành động thực ra là động thái rất thông minh của người Ảrập Xêút. Giá dầu càng xuống thấp, các bước đi của họ càng được chú ý, và vai trò siêu cường dầu mỏ lại càng được củng cố.

Tuy nhiên, việc này có thể tác động tiêu cực đến Iran và Nga, chứ không làm tê liệt được họ, nếu xét về mặt ngân sách. Michael Levi của Hội đồng Quan hệ đối ngoại (CFR) – một tổ chức phi từ thiện của Mỹ cho biết rất nhiều quốc gia phụ thuộc vào dầu mỏ để cân bằng ngân sách. Tuy nhiên, họ cũng có lượng dự trữ lớn để cầm cự qua giai đoạn giá thấp. Còn những nước không đủ tiềm lực thì thường lại thả nổi tiền tệ. Trong những ngày qua, cái chúng ta thấy là Nga bị khủng hoảng tiền tệ, chứ không phải khủng hoảng ngân sách.

Còn với ảnh hưởng lên dầu đá phiến của Mỹ, Levi cho rằng kể cả nếu thị trường tìm ra mức giá hòa vốn với các hãng sản xuất nước này (mà việc này là rất khó, vì chi phí dao động tùy từng giếng), con số này cũng sẽ thay đổi trong vài năm nữa, vì công nghệ sẽ liên tục phát triển.

Ông kết luận thế giới không nên coi Ảrập Xêút là người đứng sau kịch bản năng lượng toàn cầu. Vì thực sự chúng ta còn chẳng rõ họ đã chuẩn bị trước đến đâu. “Nói chung là đừng đánh giá quá cao các chiến lược của OPEC”, ông cho biết.

Hà Thu

Để lại một bình luận

0913.756.339