Tiêu dùng – thách thức lớn nhất của Abenomics

“Với tôi, mua sắm trước và sau tăng thuế chẳng có gì khác biệt, vì đằng nào lương của tôi cũng thấp rồi, đâu có mua được nhiều”, Uehara – nhân viên thời vụ của một công ty xây dựng cho biết.

Cũng như những người tiêu dùng Nhật Bản khác, Uehara vẫn đang chật vật sau gần 2 năm nước này thực hiện Abenomics – nhóm chính sách nhằm hồi sinh nền kinh tế của Thủ tướng Shinzo Abe. Tuy nhiên, nếu muốn đảo ngược tình trạng 2 quý liên tiếp tăng trưởng âm, thách thức lớn nhất của Chính phủ là phải phục hồi niềm tin tiêu dùng và tăng lương cho những người như anh Uehara. Tiêu dùng đóng góp gần hai phần ba GDP Nhật Bản, nhưng rất nhiều người đang cảm thấy khó sống.

japan-9875-1416543662.jpg

Tiêu dùng Nhật Bản là mấu chốt giúp nước này hồi sinh kinh tế. Ảnh: WSJ

Bộ trưởng Kinh tế – Akira Amari đã thừa nhận thách thức này hồi đầu tuần, sau khi Chính phủ công bố báo cáo tăng trưởng quý trước. “Người tiêu dùng càng co cụm, nền kinh tế càng yếu. Đó là cái vòng luẩn quẩn. Điều chúng ta phải làm bây giờ là cho họ niềm tin rằng cuộc sống của họ sẽ luôn được cải thiện”, ông cho biết.

Tuy nhiên, theo Wall Street Journal, đây có vẻ là một công việc rất khó khăn. Văn phòng Nội các Nhật Bản tuần trước hạ đánh giá niềm tin tiêu dùng trong tháng 10, từ “đang chững lại” xuống “đang yếu đi”. Đây là tháng thứ 3 liên tiếp hạng mục này bị hạ bậc. Một khảo sát của Ngân hàng trung ương Nhật Bản hồi tháng 10 cũng cho thấy chỉ 4,4% hộ gia đình cảm thấy tài chính trong nhà khá hơn năm ngoái.

Tỷ lệ thất nghiệp hồi tháng 9 là 3,6%, gần đáy 16 năm. Trong khi đó, số người có việc làm đã chạm kỷ lục. Tuy nhiên, rất nhiều công việc lại không trả lương cao. Và những người có việc làm ổn định, lâu năm cũng không nhận thấy lương tăng lên tương xứng với lạm phát.

Việc tăng thuế tiêu dùng hồi tháng 4 đã ảnh hưởng ngoài dự kiến lên niềm tin của người tiêu dùng. Đồng yen yếu càng góp phẩn đẩy lạm phát lên mạnh nhất nhiều thập kỷ. Dù việc tăng lương có được thực hiện, lương nhân công thực (đã điều chỉnh lạm phát) lại giảm 15 tháng liên tục.

Vì vậy, cũng chẳng có gì ngạc nhiên khi Hiromi Sakai – một bà nội trợ tại Tokyo cho biết hoàn toàn ủng hộ kế hoạch hoãn tăng thuế của ông Abe hồi đầu tuần. “Thuế tăng từ tháng 4 đã khiến túi tiền của chúng tôi bị ảnh hưởng nặng. Kể cả nếu sau này tăng thuế tiêu dùng, tôi hy vọng Chính phủ sẽ cân nhắc hạ một số thuế khác trên các mặt hàng cơ bản”, cô cho biết

Một số nhà kinh tế học cho rằng chính các yếu tố của Abenomics đã khiến nhiều người tiêu dùng như cô Sakai gặp khó. Do nới lỏng tiền tệ khiến đồng yen yếu đi và thuế nhập khẩu tăng lên.

“Với Nhật Bản nói chung, đồng yen yếu có hại nhiều hơn lợi. Nó khiến thu nhập thực của người lao động giảm xuống, kéo theo sức mua của họ”, Richard Katz – biên tập viên tạp chí Oriental Economist Alert cho biết. Theo ông, đồng yen yếu đã khiến thu nhập của các hộ gia đình và doanh nghiệp nhỏ chảy vào túi các công ty đa quốc gia lớn và cổ đông của họ.

Bên cạnh đó, hơn một phần ba lực lượng lao động của Nhật Bản hiện tại là nhân công tạm thời hoặc bán thời gian. Vì vậy, mức lương của họ cũng thấp hơn bình thường. Những năm gần đây, các công ty đã cố giảm chi phí bằng cách dùng lao động thời vụ, nhiều phụ nữ cũng bắt đầu làm việc bán thời gian để hỗ trợ gia đình.

“Có quá nhiều người làm việc bán thời gian. Trong khi các công ty không đủ tự tin rằng nền kinh tế sẽ tăng trưởng vững chắc nhờ Abenomics, để thuê nhân công toàn thời gian”, Katz cho biết.

Ông Abe vẫn thường xuyên thúc giục các doanh nghiệp tăng lương. Ông cũng cảm kết sẽ thay đổi luật lao động, trong đó tăng độ linh hoạt khi tăng lương cho nhân viên trẻ và khuyến khích thuê nhân công chính thức. Tuy nhiên, công đoàn cho rằng những sự thay đổi này sẽ chỉ khiến các công ty cắt giảm lương nhiều hơn.

Hôm thứ Ba, ông Abe cho biết sẽ tìm cách để các chính sách của ông được thông qua trong kỳ bầu cử tháng tới. Ông cũng tuyên bố Chính phủ sẽ chuẩn bị một gói kích thích, và một trong các cố vấn của ông tiết lộ sẽ bao gồm giảm thuế và tăng bơm tiền mặt.

Chịu ảnh hưởng nặng nhất từ tăng thuế là những người ở tuổi 30. Tiêu dùng của họ trong 2 quý gần đây với các mặt hàng như nội thất hay gia dụng đã giảm tới 32%. Naoko Kuga – nhà kinh tế học tại NLI Research cho biết cảm giác bất an đã ăn sâu vào suy nghĩ của giới trẻ độ tuổi 30, do họ đã trải qua bong bóng tài sản cuối thập niên 80. Từ đó đến nay, tăng trưởng Nhật Bản vẫn liên tục ì ạch và cơ hội việc làm cũng vẫn ít.

“Kể cả nếu có việc làm ổn định, lao động ở lứa tuổi này cũng chẳng ôm hy vọng có mức lương khá đâu”, cô cho biết.

Hà Thu

Để lại một bình luận

0913.756.339