Bộ trưởng Công Thương: ‘Quản lý thị trường phải dùng miệng thử phân bón giả’

Là người đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhận được nhiều câu hỏi về các vấn đề liên quan đến chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ, quản lý thị trường ngăn chặn hiệu quả hàng giả, hàng lậu, hàng nhái, kém chất lượng, đặc biệt trong sản xuất nông nghiệp, hệ thống phân phối hàng bán lẻ… 

Về vấn đề hàng giả, kém chất lượng, đại biểu Nguyễn Thị Khá, đoàn Trà Vinh thể hiện sự bức xúc khi cho rằng tình trạng này không thuyên giảm. “Đến 2015, Bộ trưởng có dám cam kết sẽ truy quét hàng giả như thế nào và những chính sách cụ thể để đẩy lùi tình trạng này?”, bà Khá đặt câu hỏi.

Trả lời câu hỏi, ông Hoàng cho biết, trong báo cáo kiểm điểm cá nhân gửi các đại biểu trước khi bỏ phiếu tín nhiệm, Bộ trưởng đã nhận trách nhiệm về hạn chế này. Ông cho biết, mặc dù ngành, cũng như lực lượng quản lý thị trường đều có nhiều cố gắng nhưng hiệu quả chưa cao, tỷ lệ số vụ việc gian lận, hàng giả năm sau đều cao hơn năm trước.

Bộ trưởng Công Thương lý giải nguyên nhân là do dung lượng thị trường ngày càng phát triển mạnh, độ mở của nền kinh tế lớn nên việc giao thương hàng hóa có tỷ trọng ngày càng tăng. Đi liền với đó là những vấn đề phức tạp nảy sinh ngày một nhiều, thách thức với cơ quan quản lý. 

Một nguyên nhân nữa theo ông Hoàng là công tác đấu tranh của lực lượng quản lý thị trường còn thiếu công cụ, phương tiện nên hiệu quả không cao. “Thậm chí một số một số cán bộ quản lý thị trường phải dùng miệng để thử phân bón giả”, Bộ trưởng cho biết. 

Về cam kết để giảm tình trạng trên, ông Hoàng không đưa ra những số liệu cụ thể, tuy nhiên Bộ trưởng tỏ ra tin tưởng khi Ban chỉ đạo 389 về chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng hoạt động ngày một hiệu quả hơn, có sự tham gia của nhiều bộ, ngành.

“Tôi chỉ dám nói rằng sẽ hết sức cố gắng. Và chúng ta không có lý do gì để không tin rằng tình trạng trên sẽ không được cải thiện”, Bộ trưởng Công Thương nhấn mạnh. 

Trong phiên chất vấn chiều nay, Bộ trưởng Công Thương cũng nhận được nhiều câu hỏi liên quan đến việc phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Đồng tình về những khó khăn lĩnh vực công nghệ hỗ trợ, nhưng đại biểu Đồng Hữu Mạo – đoàn Thừa Thiên Huế muốn Bộ trưởng nêu rõ trách nhiệm của mình hơn. 

“Do còn thấy vướng mắc ở công nghệ hỗ trợ nên tôi đã ‘không tín nhiệm cao’ Bộ trưởng trong lần lấy phiếu tín nhiệm vừa qua”, đại biểu Mạo thẳng thắn cho biết.

Ông Hoàng thừa nhận có tham mưu cơ chế chính sách cho các cơ quan liên quan để trình Quốc hội. “Tuy nhiên, tôi thừa nhận vẫn còn hạn chế ở khâu thực hiện, trong đó có trách nhiệm của chúng tôi”, người đứng đầu ngành Công Thương nói. 

Bộ trưởng cũng cho biết, trong thời gian tới cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và một số nội dung liên quan như thuế thu nhập, thuế doanh nghiệp nếu được thông qua sẽ hỗ trợ phần nào cho ngành công nghiệp hỗ trợ.

Về định hướng cụ thể, Bộ trưởng cho biết, trước hết tăng cường hỗ trợ khởi nghiệp cho các doanh nghiệp phụ trợ. Theo đề xuất của Bộ Công Thương cần có quỹ công nghiệp hỗ trợ để doanh nghiệp có thể vay vốn trong thời gian đầu mở rộng sản xuất, mua công nghệ. Đặc biết, nếu doanh nghiệp không đủ tài sản thế chấp, quỹ này có thể đứng ra vay vốn cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, Bộ trưởng Công Thương đề xuất việc thành lập một số trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp phụ trợ, Chính phủ tạo điều kiện hơn trong tiếp cận thị trường, đào tạo quản lý, vận hành… Với những nguồn vốn ODA, trong điều kiện có thể sẽ dành tỷ lệ nhất định thúc đẩy một phần cho công nghệ phụ trợ.

“Nếu được, tôi mong kỳ họp Quốc hội lần này có thể ban hành được Nghị quyết cho phát triển ngành công nghiệp phụ trợ”, Bộ trưởng nói.

Ngọc Tuyên-Thành Tâm

Để lại một bình luận

0913.756.339