Chây ì bàn giao mặt bằng
Theo thông tin từ Ban quản lý dự án tuyến metro số 1, tổng cộng 800 hộ dân, doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM và Bình Dương phải di dời, giải tỏa bàn giao mặt bằng để phục vụ thi công dự án metro số 1. Trong đó, Bình Dương có gần 70 hộ, đơn vị kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dự án.
Đến thời điểm này còn 2 trường hợp chưa bàn giao mặt bằng là Công ty TNHH Đại Thành và Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Vĩnh Phát (phường Bình Thắng, thị xã Dĩ An). Sau một thời gian dài vận động, Công ty Đại Thành đã chấp thuận mức giá đền bù hơn 57 tỷ đồng; dự kiến mất 15 ngày di dời cơ sở vật chất, nhà xưởng để bàn giao đất cho dự án.
Mặt bằng Công ty Vĩnh Phát nằm trong dự án Metro số 1 vẫn chưa được giải tỏa.
Ảnh: M.Tuấn
Trong khi đó, Công ty Vĩnh Phát vẫn chưa đồng ý với mức giá đền bù 125 tỷ đồng cho diện tích 19.700m2 đất nằm trong dự án. Ghi nhận cho thấy mặt bằng của Vĩnh Phát đang trưng bán rất nhiều xe máy ủi, máy xúc và nhiều tài sản khác.
Việc Công ty Vĩnh Phát không bàn giao mặt bằng đã khiến hoạt động thi công của nhà thầu bị đình trệ, gián đoạn, thậm chí chưa thể tiếp cận khu đất để khoan thăm dò địa chất.
Trước tình hình này, một lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương cho biết tỉnh đã nỗ lực vận động giao đất, đồng thời đưa ra chính sách bồi thường thỏa đáng nhưng đơn vị này vẫn không chịu hợp tác. Trước yêu cầu cấp bách của dự án, UBND tỉnh sẽ thực hiện cưỡng chế theo quy định của pháp luật.
Trước đó, trong buổi làm việc liên quan đến dự án metro số 1, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu tỉnh Bình Dương nhanh chóng bàn giao mặt bằng cho tuyến metro số 1 trước tháng 10-2014. Theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, để 1 hộ dân làm ảnh hưởng đến cả tuyến metro, chậm bàn giao mặt bằng ngày nào nhà thầu sẽ tính tiền ngày đó.
È cổ nộp phạt
Theo Ban quản lý dự án tuyến metro số 1, toàn bộ mặt bằng phải bàn giao cho nhà thầu vào tháng 1-2013. Việc chậm trễ bàn giao mặt bằng đã khiến nhà thầu bị thiệt hại nặng do đã huy động máy móc, nhân lực vào dự án nhưng không thể thi công. Phía nhà thầu không chỉ kê khai tổn thất do chậm nhận mặt bằng, còn kê khai thêm nhiều tổn thất khác và yêu cầu chủ đầu tư dự án bồi thường 2,5 tỷ đồng/ngày chậm tiến độ.
Trao đổi với ĐTTC, ông Dương Hữu Hòa, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án tuyến metro số 1, cho biết các đơn vị liên quan đã tiến hành vận động Công ty Vĩnh Phát bàn giao mặt bằng từ 2 năm nay, nhưng phía chủ đất đưa ra nhiều khiếu nại bất hợp lý. Điều này đã ảnh hưởng đến tiến độ chung của toàn dự án. Cũng theo ông Hòa, phía nhà thầu đã có văn bản đề nghị chủ đầu tư bồi thường do chậm bàn giao mặt bằng.
Việc yêu cầu bồi thường là có cơ sở vì trong hợp đồng ký kết ghi rõ nếu chậm bàn giao mặt bằng, nhà thầu có quyền yêu cầu bồi thường. Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM đang đàm phán, thương lượng với nhà thầu về việc này. Dù số tiền bồi thường cụ thể chưa được đưa ra, nhưng căn cứ vào mức bồi thường 2,5 đồng/ngày trong vòng 2 năm qua, ước tính số tiền lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Xét trong bối cảnh phải đi vay ODA để phát triển hạ tầng, việc để mất số tiền kể trên là quá lớn.
Theo quy hoạch, TPHCM có 8 tuyến metro. Đây đều là những dự án rất lớn, có số vốn hơn 1 tỷ USD. Vì vậy, những yếu kém trong khâu giải phóng mặt bằng cần phải được cải thiện để đẩy nhanh tiến độ và đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn trong các dự án đầu tư công.
Thống kê cho thấy, tất cả dự án đường sắt đô thị (metro) đang triển khai tại Hà Nội và TPHCM đều đội vốn, ít 60% và nhiều đến gần 200%; chậm tiến độ từ 3-5 năm. Trong số các tuyến metro đang triển khai tại TPHCM, tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) dài 19,7km, tổng mức đầu tư ban đầu 17.387 tỷ đồng nay đã tăng lên 47.325 tỷ đồng (tăng 172%).
Trung bình suất đầu tư khoảng 2.400 tỷ đồng/km, tương ứng 120 triệu USD/km. Việc chưa giải quyết nút thắt giải phóng mặt bằng đã khiến dự án phải lùi tiến độ dự kiến 2 năm, từ 2018 lên 2020. Tuyến metro số 2 (giai đoạn 1) đoạn Bến Thành – Tham Lương dài 11,3km, tổng mức đầu tư 1,37 tỷ USD nay đã tăng lên 2,15 tỷ USD (tăng 784 triệu USD); trung bình suất đầu tư 190 triệu USD/km; dự kiến cũng chậm tiến độ khoảng 2 năm.
Minh Tuấn (Sài Gòn Đầu tư Tài chính)
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: banbientap@cafeland.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.