Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: ‘Luật không cấm thì người dân được kinh doanh’

Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý Luật Đầu tư sửa đổi được ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội sáng nay (10/11) cho biết cơ quan này đã chỉ đạo thu hẹp số ngành cấm kinh doanh từ 51 còn lại 6, trong khi số ngành đầu tư kinh doanh có điều kiện cũng giảm từ 386 xuống 272.

Cụ thể, các bộ ngành đã bãi bỏ 36 ngành, nghề, sản phẩm hoặc dịch vụ cấm kinh doanh trùng lặp; bỏ 9 trường hợp và chuyển sang quy định các điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật để được cấp phép.

Với danh mục 386 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, các bộ ngành thống nhất bãi bỏ 37 trường hợp không cần thiết hoặc không rõ mục tiêu quản lý; bỏ 13 ngành, nghề trùng lặp điều kiện và hợp nhất một số trường hợp khác. Tuy nhiên các bộ ngành cũng đề nghị bổ sung, chuẩn hóa 32 ngành, hệ thống hóa các ngành, nghề theo nhóm lĩnh vực thay vì theo chức năng quản lý của bộ, ngành…

san-xuat-9ae3e-7059-1415592153.jpg

Luật Đầu tư sửa đổi được kỳ vọng tạo động lực cải cách mạnh mẽ. Ảnh: AP

Thảo luận về dự luật này sáng 10/11, nhiều đại biểu Quốc hội coi danh mục này là điểm sáng nhất trong quá trình sửa đổi, với hy vọng tạo điều kiện tối đa cho nhà đầu tư được tự do kinh doanh và tạo ra động lực mới cho nền kinh tế.

Đánh giá danh mục rút gọn này là “nỗ lực vượt bậc” của cơ quan làm luật, tuy nhiên đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) đề nghị Chính phủ cần sớm ban hành các điều kiện trước ngày 1/7/2015 (cùng thời điểm luật này có hiệu lực) để các nhà đầu tư không còn phải chờ đợi.

Phó đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM – Trần Du Lịch lo ngại, việc ban soạn thảo không lập được điều kiện kinh doanh để đưa ngay vào luật mà còn chờ Chính phủ quy định thì kỳ vọng cải thiện triệt để môi trường đầu tư khó đạt được như mong muốn.

Ông Lịch cho rằng, thực chất không có ngành nghề kinh doanh nào lại không có điều kiện. Vì vậy khái niệm này trong luật cần được hiểu theo hai cấp độ cứng và mềm. Theo đó, “điều kiện cứng” là doanh nhà đầu tư phải đảm bảo điều kiện trước khi có giấy phép trước khi ra kinh doanh. Còn điều kiện mềm sẽ do Nhà nước hạn chế với các ngành liên quan đạo đức, an ninh quốc phòng… “Ví dụ như hệ thống xả thải đảm bảo môi trường, doanh nghiệp phải cam kết rằng trước khi hoạt động tôi đã đủ điều kiện. Nhà nước cho phép anh kinh doanh nhưng sẽ hậu kiểm, nếu anh vị phạm sẽ bị phạt nặng”, ông Lịch nói.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc thì cho rằng cần quy định một danh mục tương tự với các nhà đầu tư nước ngoài.

Đánh giá cao những cải cách của dự luật, nhất là trong thủ tục đầu tư đã được cởi với đa số loại hình đầu tư. Dù vậy, ông Lộc cũng kiến nghị cần có một “lưới lọc” đối với dự án sử dụng nhiều tài nguyên, năng lượng khan hiếm. “Danh mục kinh doanh các ngành này cần phải có thêm thủ tục xin chấp thuận chủ trương đầu tư”, ông Lộc đề xuất.

Theo ông, bên cạnh đó cần quy định những tiêu chí cụ thể để cơ quan thẩm định chấp thuận hay bác bỏ chủ trương đầu tư, cũng như để doanh nghiệp khiếu nại trong trường hợp bị khước từ mà không rõ lý do.

“Nếu không, tôi e sự không minh bạch trong tiêu chí có thể vô hiệu hóa minh bạch thủ tục”, đại biểu đại diện cộng đồng doanh nghiệp cảnh báo.

Đánh giá cao việc minh bạch điều kiện kinh doanh nhưng Phó Chủ nhiệm ủy ban các vấn đề xã hội Nguyễn Văn Tiên lưu ý, dù dự thảo quy định điều kiện kinh doanh chỉ được quy định ở Nghị định, nghĩa là thông tư không được phép ban hành, song một thực tế là hiện còn nhiều ràng buộc được bộ ban hành trong các thông tư. “Do vậy phải quy định cần có một thời gian cụ thể, ví dụ từ 6-12 tháng là phải chuyển hết các điều kiện từ thông tư hiện hữu vào các nghị định mới”, ông Tiên nói

Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Kế hoạch đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng điểm đột phá nhất của dự luật được giới doanh nghiệp đánh giá là thay đổi cách tiếp cận từ “chọn cho” sang “chọn bỏ”. “Trước đây cái gì cho thì ghi trong luật nên không đủ vì phát sinh rất nhiều. Nay chọn bỏ nghĩa là cấm thì ghi vào, một khi không ghi vào luật thì doanh nghiệp được quyền làm”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh.

Thêm vào đó, ông Vinh cho biết, dự luật còn có quy định nếu thấy trong danh mục này vẫn còn nội dung, ngành nghề bất hợp lý thì có thể đề nghị Quốc hội xem xét theo thủ tục rút ngọn ngay trong năm chứ không phải chờ sửa luật như trước đây.

“Tôi rất vui khi thấy các ý kiến phát biểu có nhiều doanh nhân, đại diện cộng đồng doanh nghiệp đánh giá dự luật là động lực cải cách môi trườn đầu tư. Mong rằng sửa luật lần này sẽ thật sự đem lại lợi ích cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp mới khởi nghiệp, doanh nghiệp tư nhân”, Bộ trưởng bày tỏ

Chí Hiếu

Để lại một bình luận

0913.756.339