Hơn 2 năm trước, để tăng thu nhập, ông Đỗ Trọng Phước ở Châu Thành – Long An đã chuyển đổi 1,2ha đất lúa sang trồng thanh long. Đến khi cây trưởng thành và đi vào thu hoạch, ông đã đăng ký với UBND xã và ngành điện lực để lắp đặt bình hạ thế xông thanh long (chong đèn). Thế nhưng, cả năm nay cơ quan chức năng không giải quyết với lý do thiếu điện. Trong khi trước đó, nhà chức trách thông tin sẽ lắp đặt trạm biến áp 110KV tại huyện Châu Thành, nhưng đến nay vẫn chưa triển khai.
Không chỉ hộ nhà ông Phước, mấy năm gần đây do thanh long có giá, nên diện tích trồng tăng liên tục. Đến năm 2014, diện tích của toàn tỉnh Long An đã lên đến 4.000 ha và dự kiến sẽ tăng trong thời gian tới. Tuy nhiên, lượng điện cung cấp phục vụ chong đèn chỉ đáp ứng 1/10 diện tích, mặc dù ngành điện lực đã chủ trương chuyển đổi từ bóng sợi đốt sang compact nhưng không cải thiện nhiều.
Nhiều hộ nông dân ở Long An trồng thanh long gặp khó vì thiếu điện. Ảnh: LA. |
Để giải quyết nhu cầu trước mắt, gia đình ông Phước phải thuê bình và kéo điện nhờ từ những hộ nông dân khác, tuy nhiên, chi phí sản xuất đội lên 20%, trong khi dòng điện yếu chiếu sáng không đủ nhiệt nên năng suất ra hoa của cây giảm hơn 50%.
“Thông thường, cây được chong điện đầy đủ trung bình đậu 40 trái nhưng nay chỉ ra được hơn 15 trái, giá trị kinh tế đạt được giảm 2-3 lần. Cụ thể, một hecta thanh long không được chong đèn chỉ thu được 200 triệu đồng, nhưng khi được kích điện đầy đủ, số vụ ra hoa kết trái tăng lên khiến năng suất đạt 600 triệu đồng”, ông Phước bộc bạch.
Theo tính toán của người dân ở đây, một đợt chong đèn kéo dài 15-20 ngày, mỗi hecta thanh long tốn cả chục triệu đồng tiền điện. Ngoài ra, hạ thế bình điện mất khoảng 150 triệu đồng nhưng điện vẫn không đủ cung cấp.
Tại Bình Thuận – vựa thanh long lớn nhất nước cũng đang chịu cảnh thiếu điện. Do vậy, điện lực ở đây đã quyết định giảm công suất điện cung cấp cho nông dân.
Ông Thanh, chủ vườn thanh long ở Hàm Thuận Nam cho biết, thiếu điện cơ quan chức năng đã tiết giảm một nửa công suất, vì vậy ông buộc phải thu hẹp diện tích chong điện và chia làm nhiều đợt vào những thời gian khác nhau. Do vậy, năng suất thu hoạch mỗi năm cũng giảm sút.
“Ngoài ra, hiện nay cơ quan chức năng cho hạ thế bình điện với công suất giảm một nửa nhưng vẫn thu 150 triệu đồng là bất hợp lý. Bởi lẽ, sau này nếu có điện đầy đủ chúng tôi vẫn chỉ được dùng bình điện công suất thấp”, ông Thanh nói.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Trần Ngọc Hiệp, nguyên Phó chủ tịch Hiệp hội thanh long Bình Thuận cho biết, thực trạng thiếu điện trong trồng thanh long đã diễn ra vài năm gần đây, tuy nhiên, vấn đề này cũng chưa thể giải quyết triệt để.
Hiện, diện tích trồng thanh long phát triển mạnh, nhanh hơn cả ngành điện nên tình trạng thiếu điện vẫn khó cải thiện. Tại Bình Thuận có 23.000 ha trồng thanh long, tăng đều đặn 20-30% mỗi năm, thậm chí có năm tăng tới 50%. Để giải quyết tình thế, nông dân cũng đã chuyển đầu tư đèn chiếu sáng sang compact rẻ tiền, nhưng để đủ nguồn điện cung ứng họ vẫn phải luân canh. Thay vì kích điện một hecta thanh long thì giờ chỉ kích ½ diện tích, sau 15 ngày mới bắt đầu kích nửa còn lại.
Thừa nhận khó khăn của ngành điện, ông Trần Ngọc Linh, Giám đốc Công ty điện lực Bình Thuận cho biết, trong những năm qua ngành điện cũng đã chi vài trăm tỷ đồng để nâng công suất các trạm biến áp, nhưng vẫn chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu cho phụ tải thanh long bởi lưới điện liên tục bị quá tải.
“Cho nên để đảm bảo hệ thống điện vận hành, UBND Tỉnh đã chấp nhận cho ngành điện tiết giảm 50% công suất phụ tải chong đèn thanh long trong thời gian chờ ngành điện tiếp tục đầu tư nâng cấp hệ thống lưới điện”, ông Linh giải thích.
Ông cũng cho biết thêm, mới đây để điều tiết điện an toàn, điện lực Bình Thuận đang vận động người dân chuyển sang sử dụng bóng đèn compact thay cho sợi đốt, đồng thời chia nhỏ diện tích vườn thanh long để chong luân phiên nhiều đợt nhằm giảm áp lực công suất hệ thống. Đã có 52% hộ nông dân hưởng ứng, số còn lại ngành điện đang cố gắng vận động.
Theo đó, ngành điện hỗ trợ giá mua đèn cho nông dân. Cụ thể, Tập đoàn điện lực EVN cũng hỗ trợ một triệu bóng đèn compact bằng cách trợ giá và cho người dân đổi đèn sợi đốt lấy compact. “Do vậy, việc khắc phục thiếu điện không chỉ cần sự nỗ lực của ngành mà còn cần sự phối hợp tích cực từ nông dân”, ông Linh nói thêm.
Thi Hà