Ủy ban Kinh tế: ‘Tái cơ cấu ngân hàng phức tạp hơn’

Sau hơn 3 năm triển khai tái cơ cấu nền kinh tế theo Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2011 – 2015, hôm nay (1/11), Quốc hội dành cả ngày tại hội trường để thảo luận về kết quả giám sát quá trình này, với trọng tâm là 3 lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng.

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội công bố báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu đánh giá ngân hàng là lĩnh vực nhạy cảm với thị trường, xã hội, song trong 15 năm trở lại đây Việt Nam đã 3 lần tái cấu trúc khu vực này: Đầu tiên là giai đoạn sau khủng hoảng tài chính châu Á từ năm 1998 đến 2003; giai đoạn bắt đầu gia nhập Tổ chức thương mại thế giới 2005-2008 và giai đoạn cơ cấu lại nền kinh tế 2011-2015.

nguyen-van-giau-5163-1414814086.jpg

Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Nguyễn Văn Giàu nhận định tái cơ cấu ngân hàng lần này có quy mô tài sản lớn và phức tạp hơn.

Qua mỗi giai đoạn, hệ thống ngân hàng đều có sự chuyển biến rõ rệt. Kết thúc lần một, cả nước đã sắp xếp, chấn chỉnh 14 ngân hàng thương mại, tỷ lệ nợ xấu giảm từ 13% giai đoạn 1996-1998 xuống 5% năm 2003. Giai đoạn 2 lại đánh dấu sự chuyển đổi từ ngân hàng thương mại cổ phần nông thôn lên đô thị, với 12 đơn vị được mang diện mạo mới, quy mô tài sản toàn hệ thống năm 2010 tăng 10 lần so với 2001, lợi nhuận chung tăng hơn 20 lần trong 10 năm, tỷ lệ nợ xấu giảm về 2,16%.

Tuy nhiên, quá trình tái cơ cấu lần 3 từ năm 2012 đến nay được đánh giá là “phức tạp hơn”. “Hầu hết các ngân hàng được sắp xếp, chấn chỉnh lần này cũng là các ngân hàng đã từng tái cơ cấu hai lần trước. Từ thực tiễn, tái cơ cấu lần này tương tự lần thứ nhất nhưng quy mô tài sản lớn hơn và có tính phức tạp hơn”, báo cáo cho biết.

Song, đến nay quá trình tái cơ cấu cũng đã thu được một số kết quả. Theo đại biểu Cao Sĩ Kiêm (Thái Bình), đã có 8/9 ngân hàng yếu kém được xử lý, hệ thống tránh được đổ vỡ, bắt đầu hoạt động an toàn hơn. Chính phủ cũng tỏ thái độ rõ hơn với các định chế tài chính phi ngân hàng, xóa sổ các đơn vị gây rủi ro cho nền kinh tế.

Từ năm 2012 đến hết tháng 8/2014, toàn hệ thống đã xử lý được 214.000 tỷ đồng nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng giảm từ 4,08% tổng dư nợ cuối năm 2012 xuống 3,9% vào cuối tháng 9/2014.

Tuy nhiên, theo các đại biểu, quá trình tái cơ cấu ngân hàng vẫn tồn tại nhiều hạn chế, như năng lực cạnh tranh và quản trị, điều hành của nhiều tổ chức tín dụng chưa cải thiện đáng kể, nhất là áp dụng chuẩn mực và thông lệ quốc tế; một số giải pháp còn mang tính tình thế, đặc biệt là xử lý nợ xấu chậm do vướng mắc cả về thể chế và mô hình.

“Cơ sở pháp lý cho mua bán nợ xấu chưa rõ ràng, thiếu cơ chế, nguồn lực cho việc xử lý nợ xấu. Trong khi các bên liên quan thiếu động cơ để đẩy mạnh tiến trình xử lý nợ xấu thì bản thân Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) không đủ nguồn lực để thực hiện theo phương thức mua đứt bán đoạn”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay. Đại biểu Cao Sĩ Kiêm cũng tán đồng khi nhận định nợ xấu sẽ vẫn “đeo đẳng” khi hệ thống pháp lý chậm cải thiện, thiếu vốn, thiếu sự hỗ trợ của các lĩnh vực.

Bên cạnh đó, dù đã xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, song đầu tư chéo trong hệ thống vẫn thiếu minh bạch, vốn điều lệ ở một số ngân hàng cổ phần không phản ánh đúng thực chất, dẫn đến nguy cơ chi phối, thao túng hoạt động ngân hàng.

Đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) cũng nhấn mạnh việc hình sự hóa nhiều vấn đề trong lĩnh vực ngân hàng cũng có thể tạo ra mặt trái, gây ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư. “Hình sự hóa làm giảm khả năng thu hồi tài sản, tăng chi phí tái cơ cấu, tăng chi của Ngân hàng Nhà nước để hỗ trợ thanh khoản”, ông nói.

Từ đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị cần tiếp tục xử lý dứt điểm các tổ chức tín dụng yếu kém, tiếp tục thực hiện các giải pháp giảm nợ xấu để đến cuối năm 2015 còn dưới 3% tổng dư nợ. Nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế hoạt động cho VAMC, thị trường mua bán nợ, tăng cường thanh tra, kiểm tra các tổ chức tín dụng; giám sát chặt chẽ, thực chất sở hữu chéo, đầu tư chéo để xử lý kịp thời các vi phạm và ngăn chặn rủi ro…

Trong báo cáo giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định tỷ trọng đóng góp của nông nghiệp không thay đổi nhiều. Đến năm 2012 và 2013, nông nghiệp không thể tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng như các năm trước. Tăng trưởng lĩnh vực này bắt đầu chững lại trong thời gian gần đây, hiệu quả sản xuất nông nghiệp ngày càng sút kém. Mức tăng trưởng từ 4,5% năm 1995-2000 liên tục giảm xuống còn 2,64% năm 2013.

Đối với tái cơ cấu ngành công nghiệp, cơ quan này nhận định công nghiệp phụ trợ cho ngành điện tử-tin học mới tập trung ở những doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với 90% tổng vốn đầu tư. Doanh nghiệp trong nước chiếm hai phần ba số cơ sở sản xuất, sử dụng 60% lực lượng lao động song chỉ chiếm chưa đầy 10% số vốn đầu tư.

Liên quan đến đầu tư công, báo cáo đánh giá tỷ trọng vốn đầu tư khu vực Nhà nước trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2011-2013 có xu hướng tăng cả về tỷ trọng lẫn số tuyệt đối. Việc phân bổ nguồn vốn ngân sách nhà nước cho các dự án quan trọng, cấp bách cũng được tập trung hơn. Cụ thể, trong giai đoạn 2011-2013, tỷ trọng chi đầu tư phát triển trong tổng chi Ngân sách đã giảm mạnh so với các năm trước; bình quân giai đoạn 2011-2013 là 19,57% một năm (nếu tính cả dự kiến năm 2014 là 18,73%) trong khi giai đoạn 2006-2010 là 28%.

Phương Linh – Ngọc Tuyên

Để lại một bình luận

0913.756.339