Nếu bạn tới một sân bay ở Nam Phi và nhìn thấy những nhân viên đánh giày, đó có thể là nhân viên của Lere Mgayiya. “Chúng tôi là công ty đánh giày lớn nhất châu Phi. Ở Johannesburg, chúng tôi có thể đánh 350 đôi mỗi ngày, ở Cape Town vào khoảng 120 đôi và Durban tầm 120 đôi nữa”, Mgayiya tự hào cho biết trên CNN.
Tổng cộng, công ty Lere’s Shoe Shine của Lere có 45 nhân viên tại ba sân bay lớn trên cả nước. Anh cũng đang nhắm tới thị trường Mỹ, Anh và mở rộng ra khắp châu Phi. Hiện doanh thu hàng năm của công ty vào khoảng 2,5 triệu rand (227.000 USD).
Lere Mgayiya (phải) được mệnh danh là vua đánh giày Nam Phi. Ảnh: BBC |
Nhưng dĩ nhiên, để được như ngày hôm nay, doanh nhân Nam Phi đã phải trải qua rất nhiều thất bại. Trước đây, Mgayiya làm nghề phát thẻ lên máy bay cho hãng hàng không quốc gia Nam Phi – South African Airways. Nhưng sau 5 năm, anh mất việc.
Rồi anh tham gia việc kinh doanh của gia đình – vận chuyển gia súc. “Tôi thích được ra ngoài, nói chuyện với những người nông dân, thích tự đặt mục tiêu và hoàn thành chúng”, anh cho biết. Nhưng công việc không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Khi Mgayiya gợi ý gia đình vay thêm vốn để mở rộng hoạt động, anh đã bị người chú đá ra ngoài. Và thế là một năm sau, Mgayiya lại thất nghiệp.
Tuy nhiên, anh vẫn giữ liên lạc với các khách hàng là nông dân trước đây để chuẩn bị cho kế hoạch mới – bán trứng cho nhà bếp Quốc hội. Nhưng với lợi nhuận chỉ 6 USD một thùng, rõ ràng đây chẳng phải việc kinh doanh béo bở. “Sau khi thanh toán cho nông dân, tôi chẳng còn lại mấy. Phải có vốn lớn mới làm được nghề cung ứng này”, anh nói.
Nhưng Mgayiya vẫn rất lạc quan. Anh tham gia Sandlam Money Game – một chương trình truyền hình thi giành vốn khởi nghiệp. Sau khi trình bày ý tưởng, anh giành chiến thắng và nhận được 3.100 USD. Anh lấy số tiền đó lập một công ty cây xanh. Nhưng 6 tháng sau, Mgayiya lại trắng tay.
“Tôi nhận ra mình cần có nguồn thu nhập ổn định, nên tôi quyết định mở công ty đánh giày ở sân bay Cape Town. Người đói thì chẳng thế nghĩ gì được, và tôi thì sắp chết đói rồi”, anh cho biết.
Cuối năm 2002, Mgayiya liên lạc với những người quen ở hãng bay trước đây và nộp đơn xin một chỗ trống ở sân bay để kinh doanh. Gần một năm sau, anh mới nhận được sự đồng ý của giới chức. “Năm đó, tôi đã phải bán ôtô và đi làm thêm để có vốn”, anh nói.
Ngày đầu tiên đi làm của Mgayiya và nhân viên duy nhất cũng chẳng được suôn sẻ. “Công ty cung cấp bục kê chân của chúng tôi đã không giao hàng đúng hẹn. Vì thế, tôi đã phải kê giày của khách lên đùi mình”, anh nói.
Thời gian đầu, cả anh và nhân viên đều phải làm việc từ 5h sáng đến 9h tối mỗi ngày, trừ Chủ Nhật. “Tôi rời nhà trước khi gia đình thức giấc và chỉ về đến nơi khi con gái đã ngủ say. Đó đúng là những ngày vất vả”, anh nhớ lại.
Nhưng bù lại, lượng khách hàng ngày một tăng lên, nhất là sau khi anh mang thương hiệu cá nhân vào tên công ty, đổi từ Airport Shoeshine thành Lere’s Shoe Shine. Mọi người tỏ ra khá thích thú, và sau 4 tháng, việc kinh doanh của anh bùng nổ. Số nhân viên cũng tăng lên 5 người.
Thành công ở Cape Town không khiến Mgayiya thỏa mãn. Một năm sau, anh được gặp người phụ trách tất cả sân bay ở Nam Phi. Người này rất thích ý tưởng đánh giày và hoạt động mở rộng tiến hành rất suôn sẻ. Có thời điểm, anh có 60 nhân viên tại 5 sân bay trên cả nước. Nhưng hiện nay, Mgayiya chỉ tập trung vào ba sân bay chính, là Cape Town, Durban và Johannesburg.
“Tôi đã có nhà riêng, lấy vợ và cho con gái đi học ở trường tư. Hàng ngày cũng không phải đi từ 5h sáng đến 9h tối nữa. Tôi chỉ làm đến 12h trưa thôi. Cả gia đình đều thích điều đó”, anh nói.
“Khi lập nghiệp, bạn cần phải tin vào bản thân. Không phải lúc nào bạn cũng gặp đủ thiên thời, địa lợi, nhân hòa đâu. Nếu không bắt đầu, bạn chắc chắn sẽ chẳng đi đến đâu cả”, Mgayiya cho biết.
Hà Thu