Ất Mùi – 2015 được đánh giá là một năm đầy thách thức cho các mục tiêu chiến lược của nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là hệ thống các tổ chức tín dụng. Xung quanh vấn đề này, phóng viên ANTT.VN đã có cuộc trao đổi với TS. Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia.
TS. Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia
Sở hữu chéo vẫn đang là một “nút thắt” lớn trong quá trình tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam, TS đánh giá sao về công tác xử lý sở hữu chéo ngành ngân hàng đến thời điểm này, đặc biệt khi 2015 lại chính là hạn chót để thực hiện Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 – 2015” theo Quyết định số 254/QĐ-TTg ngày 01/03/2012 của Thủ tướng Chính phủ mà theo đó đến hết năm 2015, vấn đề sở hữu chéo, sở hữu chồng chéo trong hệ thống ngân hàng sẽ cơ bản được xử lý?
Phải nói rằng “sở hữu chéo” là một hiện tượng tồn tại tương đối lâu và không chỉ tồn tại trong hệ thống ngân hàng mà còn tồn tại trong toàn bộ nền kinh tế của chúng ta. Đây cũng là một điều dễ hiểu khi Việt Nam đang thực hiện các bước chuyển đổi nền kinh tế. Do đó, công tác xử lý vấn đề sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng phải được tiến hành ở nhiều góc cạnh khác nhau.
Hiện tại, chúng ta đang tích cực điều chỉnh lại hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật để chuẩn hóa, hoàn thiện hành lang pháp lý và định hướng thị trường. Có thể kể đến như những “luật chơi” được quy định tại Thông tư 36 mới được NHNN ban hành vào cuối năm 2014 và chính thức có hiệu lực từ đầu tháng Hai này. Theo văn bản này, từ ngày 1/2/2015, chỉ những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% mới được quyền mua và nắm giữ cổ phiếu tại các tổ chức tín dụng (TCTD) khác. Thêm vào đó, mỗi ngân hàng thương mại (NHTM) chỉ được nắm giữ cổ phiếu của tối đa không quá 2 TCTD khác, trừ trường hợp TCTD khác là công ty con của ngân hàng đó. Đồng thời, tỷ lệ nắm giữ tại TCTD khác phải dưới 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết của TCTD khác đó và không được cử người tham gia HĐQT của TCTD mà ngân hàng mua cổ phần, trừ trường hợp TCTD đó là công ty con của ngân hàng hoặc NHTM tham gia tái cơ cấu, xử lý TCTD yếu kém theo chỉ thị của NHNN. Hay như quy định tại Điều 14 của văn bản này, tổng dư nợ cấp tín dụng đầu tư, kinh doanh cổ phiếu sẽ không được vượt quá 5% vốn điều lệ, vốn được cấp của các nhà băng thay vì giới hạn cấp tín dụng để cho vay chiết khấu giấy tờ có giá, đầu tư chứng khoán lên tới 20% vốn điều lệ như trước đây. Những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu trên 3% cũng không được cho vay đầu tư cổ phiếu. Điều này thể hiện mong muốn, quyết tâm và ý chí của Nhà nước trong việc hạn chế nguồn tín dụng phục vụ cho việc mua cổ phiếu, đặc biệt trong hệ thống ngân hàng.
Quá trình xử lý sở hữu chéo đi liền với quá trình tái cơ cấu, cụ thể là quá trình xử lý nợ xấu – xử lý các khoản vay không có khả năng trả gốc và lãi, yêu cầu các TCTD phải xử lý Tài sản đảm bảo (TSĐB) mà phần lớn các TSĐB đó lại là cổ phần, cổ phiếu.
Như vậy, khi anh phải xử lý các cổ phần, cổ phiếu đó nghĩa là tôi không cho anh nắm giữ cổ phiếu ngân hàng, như vậy sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng đồng hành với quá trình xử lý nợ xấu, đồng hành với quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.
Lại nói về nợ xấu, thưa TS, trong Chỉ thị đầu năm,Thống đốc NHNN đã đặt mục tiêu cuối năm 2015 sẽ đưa tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống về dưới 3% . Theo TS, điều này có khả thi và con số 3% liệu có là thực chất hay chỉ mang tính sổ sách?
Trước hết, phải nhìn nhận rằng Việt Nam xử lý nợ xấu khác với cách thức của các quốc gia khác, bởi chúng ta không sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Câu chuyện này cũng đã được nhắc đi nhắc lại rất nhiều trong 2 năm trở lại đây, thậm chí đã luật hóa.
Căn cứ điều kiện thực tế của đất nước, hệ thống ngân hàng Việt Nam đã lựa chọn một con đường phù hợp riêng, đó là NHNN cùng các TCTD sẽ tự thân vận động để xử lý nợ xấu.
Cụ thể, rủi ro trong tín dụng là việc cho vay bằng TSĐB được tính toán theo cách khi phát mại đi có thu hồi được khoản cho vay hay không? Cho nên những thiết chế, quy định trong quản trị rủi ro tín dụng luôn quan tâm đến khả năng xem xét trích lập dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu. Và trên thực tế, trong thời gian vừa rồi, các ngân hàng cũng đã thực hiện trích lập dự phòng để xử lý một phần nợ xấu.
Nợ xấu vẫn là một thách thức lớn của hệ thống ngân hàng
Bên cạnh đó, NHNN cũng thành lập một cơ quan chuyển trách là VAMC để đảm nhiệm việc mua lại các khoản nợ xấu thông qua trái phiếu đặc biệt và sau khi bán nợ cho VAMC, các TCTD phải trích lập dự phòng trong vòng 5 năm. Bằng cách đó, Nhà nước sẽ quản lý các khoản nợ xấu cũng như các TSĐB trên.
Phải khẳng định rằng đây là cách làm riêng có của Việt Nam và VAMC phải nắm giữ toàn bộ hồ sơ của khoản nợ xấu mà họ mua vào!
Đương nhiên, đó mới chỉ là bước đầu, trong giai đoạn 2, VAMC sẽ phải bán TSĐB để thu hồi lượng tiền về. Tuy nhiên, quá trình đó sẽ phải mất một thời gian.
Trước mắt, bằng cơ chế bán nợ cho VAMC, TCTD đã thực hiện trích lập dự phòng trên giá trị trái phiếu, tức là chính họ đã dùng lợi nhuận của họ để bù đắp từng phần trong giá trị khoản vay. Nếu như sau 5 năm mà VAMC chưa bán được, coi như toàn bộ giá trị khoản vay đã được xử lý bằng chi phí của TCTD, còn nếu bán được TSĐB thì TCTD sẽ lấy đó làm nguồn thu bất thường.
Chúng ta đã tính toán rất nhiều góc độ khác nhau để thấy rằng cách thức xử lý nợ xấu như thế là hợp lý và phù hợp với đặc thù của Việt Nam, còn tất nhiên xử lý nợ xấu phải qua nhiều công đoạn. Công đoạn hiện nay là công đoạn đầu tiên, ta làm cho nợ xấu của các NHTM thấp xuống, chuyển sang cho VAMC, sau đó bán tài sản đi để thu lại tiền mặt, đồng thời các TCTD phải trích lập dần chi phí.
Điều quan trọng là chúng ta đang mong chờ sự phục hồi của nền kinh tế, chúng ta đang mong chờ hệ thống ngân hàng Việt Nam phát triển tốt hơn. Nhờ đó, nâng cao khả năng trích lập dự phòng để bù đắp cho khoản nợ xấu.
Như vậy, nợ xấu sẽ không tăng lên mà sẽ rút dần bằng cách các TCTD trích từ nguồn tài chính do lợi nhuận của tổ chức và tiến trình này đang diễn ra tương đối thuận lợi. Còn việc yêu cầu phải bán ngay lập tức TSĐB thì không thể nào làm được như thế, điều đó đòi hỏi sửa đổi rất nhiều hệ thống quy phạm pháp luật như Luật sở hữu nhà đất của người nước ngoài, cho vay gói kích cầu bất động sản để làm thị trường nhà đất ấm lên, làm cho thị trường của TSĐB có khả năng thanh khoản cao hơn.
Vừa qua, hàng loạt các Ngân hàng Trung ương như Singapore, New Zealand, khu vực đồng Eurozone, Canada, Ấn Độ, Đan Mạch, Thụy Sĩ hay gần đây nhất là Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA) đã quyết định tung ra các gói nới lỏng định lượng làm dấy lên những nghi ngại về một cuộc chiến tiền tệ toàn cầu. Theo TS, điều này sẽ tác động thế nào tới Việt Nam?
Không phải đến bây giờ mà từ năm 2007, khi kinh tế thế giới rơi vào khó khăn, chúng ta đều biết Mỹ đã tung ra rất nhiều những gói nới lỏng định lượng. Nhưng những gói QE đó có gây quá nhiều bất trắc hay khó khăn cho nền kinh tế của chúng ta hay không?
Vấn đề bất ổn kinh tế vĩ mô nằm ở chuyện khác, chứ không phải do các gói định lượng đó!
Sau một thời gian, nền kinh tế Hoa Kỳ đã có dấu hiệu bắt đầu phục hồi trở lại, các quốc gia EU đương nhiên cũng phải cân đối rất nhiều các nhân tố, yếu tố để xử lý vấn đề nội tại của họ.
Tôi cho rằng dù các quốc gia Châu Âu, Úc hay một số nước khác có đưa ra các gói kích cầu nền kinh tế thì với những kinh nghiệm chúng ta đã có, đặc biệt những kinh nghiệm đã giúp chúng ta đã vượt qua khó khăn thì ta có đầy đủ giải pháp để vận hành nền kinh tế vĩ mô phát triển. Tất nhiên, nền kinh tế thế giới luôn luôn tiềm ẩn những diễn biến khó lường nhưng chúng ta cũng luôn chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản và phương án ứng phó phù hợp, kịp thời để hóa giải các khó khăn từ bên ngoài ấy.
Mới đây, IMF đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới xuống chỉ còn 3,5% thay vì 3,7% như trước đó; mặt bằng giá cũng đang thấp xuống đặc biệt là giá xăng dầu. Đây chính là một nhân tố rất quan trọng trên phạm vi toàn cầu, tác động đến toàn bộ nền kinh tế vĩ mô.
Xin cảm ơn TS!
N.G – Hoa Liên (An ninh Tiền tệ)