Theo tài liệu Hiệp hội Phóng viên Điều tra quốc tế (ICIJ) công bố hôm 8/2, HSBC đã sử dụng hệ thống ngân hàng bí mật của Thụy Sĩ để che giấu danh tính các chủ tài khoản, và trong nhiều trường hợp, là giúp người gửi tiền trốn thuế. Hoạt động này đã giúp họ thu khoản lời khổng lồ trong nhiều năm. Số khách hàng liên quan lên tới 106.000 tại 203 quốc gia.
Website của ICIJ chỉ công bố danh tính 63 cá nhân. Trong đó có nhiều người nổi tiếng, như tài phiệt Nigeria – Aliko Dangote, cầu thủ bóng đá Diego Forlan, tay đua Fernando Alonso, quốc vương Jordan – Abdullah II hay quốc vương Morroco – Mohammed VI.
HSBC bị cáo buộc giúp khách hàng rửa tiền và trốn thuế. Ảnh: Reuters |
Tại Anh, Ủy ban Kế toán Công (PAC) đang lên kế hoạch điều tra scandal này và sẽ cho gọi cựu lãnh đạo HSBC. Một thành viên Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ cũng đã đề nghị Chính phủ công bố tất cả những gì họ biết về số tài liệu này.
Bỉ đang cân nhắc phát lệnh truy nã quốc tế với các giám đốc chi nhánh Thụy Sĩ của HSBC. Trong khi đó, Pháp vừa mở cuộc điều tra và Thủ tướng nước này cũng cam kết sẽ hành động nhiều hơn cả ở cấp độ quốc gia và châu lục. Các chính trị gia Thụy Sĩ cũng đang được kêu gọi có động thái tương tự. Đáp lại, HSBC cho biết sẽ “hợp tác với cơ quan chức năng”.
Trên BBC, Chủ tịch PAC – Margaret Hodge cho biết: “Chúng tôi sẽ có phiên thẩm vấn khẩn cấp và yêu cầu HSBC đưa ra chứng cứ”. Một trong các lãnh đạo nổi tiếng nhất của HSBC là Stephen Green. Ông từng làm CEO năm 2003, trước khi lên nắm quyền chủ tịch năm 2006. Trả lời trên BBC, ông cho biết: “Vì quy tắc, tôi sẽ không bình luận gì về việc kinh doanh của HSBC trong quá khứ và hiện tại”.
Nhưng bà Hodge cho rằng: “Ông ấy có thể không biết thật, nhưng cũng có khả năng biết và tham gia vào chính hoạt động đó. Nhưng dù sao, ông ta là người chịu trách nhiệm và sẽ phải trả lời nhiều câu hỏi quan trọng”.
Trong văn bản trả lời ICIJ, HSBC thừa nhận “phải chịu trách nhiệm về các sai sót trong quá khứ”, nhưng nhấn mạnh mọi việc “đã thay đổi căn bản”. “Chúng tôi thừa nhận việc tuân thủ quy định tại HSBC Thụy Sĩ, cũng như trong toàn ngành nói chung, trước đây không cao như bây giờ”, thông báo cho biết.
Theo công bố trên website của ICIJ, hàng nghìn trang tài liệu về khách hàng của HSBC đã được cựu nhân viên HSBC – Hervé Falciani nộp lên giới chức Pháp năm 2008. Chúng chứa thông tin về 3 thời điểm khác nhau. Một là về khách hàng và tài khoản cá nhân tại HSBC Thụy Sĩ giai đoạn 1998-2007. Hai là khi giá trị tài khoản lên đỉnh điểm vào giai đoạn 2006-2007. Và thứ ba là ghi chú về khách hàng và các trao đổi giữa nhân viên nhà băng với khách năm 2005.
Những tài liệu này sau đó đã được tờ Le Monde tiếp cận và chia sẻ với ICIJ với điều kiện tổ chức này tập hợp một đội phóng viên từ nhiều quốc gia để nghiên cứu vấn đề này trên mọi khía cạnh. Chúng hiện đã được gửi đến hơn 50 cơ quan truyền thông trên thế giới.
Gửi tiền ở nước ngoài không phạm pháp. Nhưng rất nhiều người đã dùng cách này để trốn thuế. Sau khi nghiên cứu số tài liệu trên, năm 2013, giới chức Pháp kết luận 99,8% công dân nước họ trong danh sách có thể có mục đích trốn thuế.
Cơ quan Thuế và Hải quan Anh (HMRC) nhận số tài liệu này năm 2010 và đến nay đã xác định được danh tính 1.100 người trong 7.000 công dân trốn thuế của nước này. Bà Hodge cho biết: “Tôi không nghĩ rằng cơ quan thuế đủ mạnh và kiên quyết để thu đủ thuế của người dân”.
Theo ICIJ, trong một số trường hợp, HSBC đã phạm pháp khi giúp khách hàng trốn thuế. Họ đưa một gia đình giàu có thẻ tín dụng nước ngoài. Vì vậy, gia đình này có thể rút tiền từ tài khoản đã bị giấu danh tính tại nước ngoài.
Họ thậm chí giúp khách hàng đón đầu các quy định. Thỏa ước Tiết kiệm (European Savings Directive) công bố năm 2005 yêu cầu các ngân hàng Thụy Sĩ đánh thuế các các tài khoản bị giấu danh tính và chuyển cho cơ quan thuế. Luật này được đưa ra nhằm ngăn nạn trốn thuế. Tuy nhiên, thay vì chỉ đơn giản là thu tiền, HSBC lại viết thư gửi khách hàng và chào mời họ các biện pháp lách luật.
Dù vậy, HSBC cho biết đã cải tổ toàn hiện mảng ngân hàng bán lẻ và giảm gần 70% số tài khoản tại Thụy Sĩ kể từ năm 2007. Trong thông báo gửi ICIJ, nhà băng này cho biết: “HSBC đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm hạn chế việc sử dụng dịch vụ ngân hàng để trốn thuế và rửa tiền”. Họ cũng khẳng định tuân thủ đúng luật và minh bạch thuế là ưu tiên hàng đầu, trên cả lợi nhuận.
Hà Thu