Lượng người đi mua sắm tại các siêu thị Hà Nội và TP HCM đông ngay từ sáng thứ 7 (7/2). Khoảng 10h, khu thang máy dẫn lên tầng 2 Big C Thăng Long (Hà Nội) chật kín khách. Khu vực thanh toán có hơn 100 quầy song khách hàng đã bắt đầu phải đứng đợi thành hàng. Trong khi đó tại các kệ hàng khô, nước ngọt, bánh kẹo và hàng gia dụng…, người mua cũng đứng san sát để lựa đồ.
Lượng người đổ đến các trung tâm thương mại tăng cao ngay trong ngày đầu của kỳ nghỉ cuối tuần. Ảnh: T.Q |
Vừa chọn xong ít hạt điều, hạt dẻ cười, ô mai cho vào túi, Linh – sinh viên Đại học Thương mại cho biết cô đã đến mua từ 9h để tránh lượng cao điểm 11-12h tại siêu thị này. “Sang tuần trường bắt đầu nghỉ Tết. Mình muốn mua một ít quà và đồ dùng mà ở quê không bán nên muốn đi thật sớm để không phải chờ đợi khi thanh toán”, cô cho hay.
Theo khảo sát của VnExpress, một số mặt hàng được người dân lựa chọn nhiều tại siêu thị như giỏ quà có mức giá 200.000-350.000 đồng, bia 250.000-300.000 đồng một thùng hay hộp bánh quy 80.000-150.000 đồng, hạt khô các loại 30.000-60.000 đồng một kg…
Chen chân sắm Tết dịp cuối tuần |
Ông Hồ Quốc Nguyên – Giám đốc quan hệ công chúng siêu thị Big C cho biết, thời điểm này, lượng khách đến với siêu thị đã tăng gấp đôi so với ngày thường. Khách hàng mua sắm chủ yếu là hàng khô và giỏ quà tặng. “Đối với hàng thực phẩm tươi sống thì tuần cuối cùng giáp Tết mức tiêu thụ mới tăng đột biến”, đại diện này cho hay. Do nguồn hàng đã được huy động tăng 15% so với trong năm, siêu thị đã tăng thêm khoảng 1.000 nhân viên thời vụ trên toàn hệ thống.
Để giúp người dân rút ngắn thời gian thanh toán, siêu thị này cùng nhiều đơn vị khác còn cất cử nhân viên điều phối tại quầy. Nếu trống khách hoặc thanh toán xong nhân viên này sẽ dùng loa thông báo để khách hàng biết di chuyển đến. Tuy nhiên, đến cuối buổi sáng, một số khách cho biết vẫn phải chờ đợi gần một tiếng đồng hồ mới tới hoàn thành được khâu thanh toán để ra về.
Cùng thời gian này tại Citimart Indochina Plaza Hà Nội, tuy không có tình trạng xếp hàng tại quầy nhưng lượng khách hàng vẫn khá đông so với diện tích hiện có. Kinh nghiệm từ nhiều năm đi chợ Tết, chị Lan (Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy) cho biết chị chọn thời điểm cuối giờ trưa để mua sắm nhằm tránh cao điểm buổi sáng. “Lúc 10h mình có gọi cho tổng đài của siêu thị để cập nhật tình hình, nhân viên cho biết khách hàng phải đợi để thanh toán nên mình tranh thủ lúc này ra mua ít đồ, còn thời gian thì làm việc khác”, chị nói.
Thanh toán vẫn là khâu gây phiền toái với nhiều khách hàng đi sắm Tết. Ảnh: T.Q |
Ghi nhận từ hệ thống 28 siêu thị trên cả nước, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Tổng giám đốc Citimart cho biết trong tuần qua, nhu cầu mua sắm tại hệ thống vẫn khá chậm. Một phần do còn cả một tuần làm việc cuối cùng, mặt khác còn rất nhiều người vẫn chưa được nhận thưởng Tết nên chưa thể thoải mái sắm sửa.
Ngoài thực phẩm, hàng điện tử gia dụng cũng đang là những mặt hàng bán chạy tại thời điểm này. Khoảng 11h30 tại siêu thị điện máy Mediamart trên đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội), tuy không còn cao điểm buổi sáng, song lượng người đứng đợi thanh toán vẫn chật kín quầy.
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh – Quản lý tại siêu thị ghi nhận trong sáng 7/2 các mặt hàng như tivi cỡ lớn, giàn âm thanh, hàng tiêu dùng thời vụ như máy sưởi, mấy sấy… và các thiết bị liên quan đến nội thất gia đình là những sản phẩm được mọi người lựa chọn.
Tương tự, tại TP HCM, không khí mua sắm tết sớm cũng khá tấp nập tại nhiều chợ và trung tâm thương mại. Tại Co.opmart Đinh Tiên Hoàng (quận Bình Thạnh), mặc dù khá mệt mỏi vì chen chúc nhưng chị Hoa (Quận I) cho biết chị sẽ còn phải đi siêu thị thêm vài lần nữa mới đủ các mặt hàng thiết yếu.
Trong khi đó tại Aeon Mall Tân Phú, lượng khách cũng tăng đột ngột so với tuần trước đó. Nhân viên tại quầy hàng khô cho biết, nếu ngày thường chỉ vài chục khách ghé xem thì nay lên tới cả trăm người mua hàng với số lượng lớn. Do vậy, đội ngũ tại đây phải hoạt động hết công suất.
Cũng sôi động không kém siêu thị, tại các chợ Bà Chiểu (Bình Thạnh), Phạm Văn Hai (Tân Bình), Thái Bình (quận I)… lượng khách không còn èo uột như ngày thường. Tuy nhiên, nhiều chủ sạp cho biết, khách hàng chủ yếu chú trọng mua các thực phẩm, tươi sống, trái cây, còn các mặt hàng Tết khác, sức mua vẫn chưa mấy cải thiện.
Hiện các mặt hàng như thịt heo, giò chả, tôm khô, cái loại trái cây cũng vẫn mới chỉ nhích giá nhẹ. Nhiều loại rau xanh vẫn đang đứng giá vì lượng hàng cung ứng dồi dào. Thịt heo vẫn dao động 85.000-130.000 đồng một kg, gà ta 120.000-130.000 đồng một kg, tôm khô dao động 350.000-700.000 đồng một kg.
Trịnh Nguyên – Thi Hà
Video: Trần Quang