Là một người tham gia mạng xã hội thường xuyên và không lạ gì với những chiêu trò lừa đảo của một số kẻ xấu, song anh Nam lại bị lừa bằng một chiêu thức tinh vi hơn.
Kể lại với VnExpress, anh Nam cho biết kẻ lừa đảo cũng dùng cách đơn giản là cướp nick facebook của người bạn là một nhà sư. Sau đó, đối tượng chát tin nhắn đề nghị anh nạp card giúp cho các tăng ni phật tử vì đang bận ở nước ngoài nên không nạp kịp.
Mã xác thực số tiền cập nhật vào tài khoản sau 24 giờ khiến anh Nam hoàn toàn yên tâm. |
Biết là chiêu này khó khiến người khác tin tưởng, kẻ lừa đảo đã có thêm phương thức khác là xin số tài khoản của “nạn nhân” để gửi tiền qua trước, sau đó mới nhờ mua giúp thẻ cào.
Vì nhìn vào điện thoại thấy tin nhắn có nội dung thông báo chuyển khoản theo dịch vụ Western Union đến số tài khoản 0101….. đã nhận được 13 triệu đồng, phí VAT 30 USD, mã xác thực 4D5F, số tiền cập nhật vào tài khoản sau 24 giờ. Anh Nam cảm thấy yên tâm và chạy ra ngoài mua 30 card mệnh giá 500.000 đồng với tổng trị giá 15 triệu đồng. Sau đó, anh còn phải hì hục lấy từng mã số gửi cho kẻ lừa đảo và cảm thấy rất vui vì vừa giúp được bạn làm việc tốt.
Ngày hôm sau anh Nam ra ngân hàng kiểm tra tài khoản nhưng không thấy số tiền 13 triệu đồng đâu cả. Anh hỏi nhân viên ngân hàng thì được thông báo là không có giao dịch nào chuyển vào. Tá hỏa nhìn kỹ vào điện thoại, anh mới nhận ra đầu số nhắn tin chuyển khoản là đầu số giả.
Anh Nam mua 30 thẻ cào để nhắn mã số qua cho kẻ lừa đảo. |
Anh Nam lý giải, trước giờ chưa từng nhận chuyển tiền từ nước ngoài về nên mất cảnh giác và dễ dàng bị sập bẫy. “Nếu lúc đó tôi bình tĩnh hơn và đi kiểm tra lại thì đã nhận ra sơ hở của kẻ lừa đảo, bởi đầu số chuyển tiền mang mã 467 không phải là ở Mỹ, trong khi đối tượng bảo đang ở Mỹ. Hơn nữa, bọn lừa đảo lại cướp nick của một người bạn trong danh sách vốn là một nhà sư nên càng làm tôi mất cảnh giác”, anh cho biết.
Lãnh đạo một công ty an ninh mạng cho biết, hiện nay đang có một lỗ hổng nằm trong ứng dụng bên thứ ba của mạng xã hội facebook bị tin tặc khai thác để đưa người sử dụng vào các trang web lừa đảo, có chứa mã độc. Nếu người dùng truy cập vào trang web đó, trình duyệt sẽ tự động chuyển hướng đến các trang lừa đảo hay các trang chứa mã độc.
Các thông tin về tài khoản cá nhân của người dùng ngay lập tức sẽ được gửi về cho tin tặc và tài khoản của người dùng sẽ bị mất. Sau đó, kẻ xấu có thể lấy tài khoản này đi lừa đảo những người khác trên facebook. “Người dùng mạng xã hội cần thận trọng, không nên nhấp chuột vào bất cứ những đường link lạ nào để tránh việc bị đánh cắp tài khoản”, ông khuyến cáo.
Một chuyên gia mạng cho rằng, những kiểu lừa đảo như thế này sẽ còn diễn ra trong thời gian tới, đặc biệt là dịp sát Tết Nguyên đán. Vì thế, người dùng cần phải cẩn trọng đề phòng và tự bảo vệ mình. Ngoài ra, vị này cũng kiến nghị các cơ quan chức năng cần vào cuộc để ngăn chặn và dập tắt nạn lừa đảo đang bùng phát trên mạng xã hội như hiện nay.
Hoài Thu