Một góc sông Đồng Nai, nơi dự án đang được triển khai lấn sông
Ngày 17/9, dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai được khởi công. Theo đó, quy mô dự án gồm xây dựng một tuyến kè xa bờ lấn sông Đồng Nai dài khoảng 1.250 m, nơi tuyến công trình xa bờ nhất là 100 m. Đây là một trong bốn dự án trọng điểm được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt nhằm cải tạo cảnh quan môi trường và chỉnh trang đô thị, biến thành phố Biên Hòa trở thành thành phố ven sông. Dự án triển khai xây dựng trong 9 năm, kinh phí đầu tư 2.200 tỷ đồng.
Theo ông Huỳnh Phú Kiệt, Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty Toàn Thịnh Phát để thực hiện dự án, Công ty đã được UBND tỉnh Đồng Nai duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, đã được phê duyệt đánh giá tác động môi trường (TĐMT). Theo đó, dự án phân bố hơn 1,3 km chạy dài từ công viên Nguyễn Văn Trị đến cầu Rạch Cát, phường Quyết Thắng (TP Biên Hòa) có diện tích 8,4 ha nằm dọc sông Đồng Nai sau khi hoàn thành sẽ cải tạo cảnh quan khu vực sông Đồng Nai đoạn qua TP Biên Hòa. Chủ đầu tư cũng cam kết trong quá trình thi công tuân thủ các quy định về an toàn vệ sinh lao động, môi trường, không làm ảnh hưởng đến ATGT đường thủy, không bơm hút cát từ sông Đồng Nai, giữ nguyên vẹn các giá trị văn hóa lịch sử bị ảnh hưởng bởi dự án…
Tuy nhiên, nhiều ý kiến người dân, nhà khoa học cũng tỏ ra lo ngại về những tác động từ dự án có thể làm thay đổi dòng chảy sông Đồng Nai, cũng như nguy cơ ô nhiễm môi trường trong quá trình thi công và vận hành dự án sau này. Trong báo cáo đánh giá TĐMT của dự án cũng thừa nhận khi triển khai việc lấn sông sẽ làm thay đổi chế độ thủy lực dòng chảy sông Đồng Nai.
Trao đổi với PV, Tiến sĩ Vũ Ngọc Long – Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam cho rằng khi triển khai việc san lấp kè lấn sông đến 100 m thì việc ảnh hưởng đến dòng chảy khả năng tạo nút thắt trên sông Đồng Nai đoạn qua TP Biên Hòa là đương nhiên. Vì vậy, dưới việc tác động dòng chảy tạo nút “thắt cổ chai”, dòng chảy bị thay đổi khả năng sẽ gây tác động xói lở phía bờ đối diện gây thiệt hại diện tích đất nông nghiệp là hoàn toàn có khả năng xảy ra. Khi thay đổi hiện trạng bên bờ này thì bờ sông bên kia sẽ bị ảnh hưởng. Lòng sông bị hẹp sẽ làm thay đổi mực nước ảnh hưởng đến khả năng thoát nước ở hạ lưu.
Tiến sĩ Long cũng lo ngại khi “bê tông hóa” trên dòng sông, dòng chảy và hệ sinh vật thủy sinh ở khu vực thủy sinh nơi có dự án cũng bị ảnh hưởng, nguy cơ dẫn đến việc nước sông Đồng Nai có khả năng bị ô nhiễm, làm mất đi cơ chế tự làm sạch của dòng nước. Trong khi đó, trên sông Đồng Nai đang có nhiều nhà máy nước, trạm bơm đang hoạt động phục vụ cung cấp nước cho hàng triệu người dân Đồng Nai và TP HCM. Ngoài ra, vấn đề xã hội cộng đồng của những người nghèo sống ven sông, sống nhờ nguồn tài nguyên nước cũng đáng quan ngại.
Vĩnh Phú – Đỗ Loan (GTVT)
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: banbientap@cafeland.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.