‘Vua tôm Việt Nam’ muốn bán nửa cổ phần cho đối tác ngoại

Trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg, CEO Minh Phú – ông Lê Văn Quang cũng cho biết, lợi nhuận dự đoán của tập đoàn năm nay sẽ tăng 55% lên 1.416 tỷ đồng (66 triệu USD). Trong khi đó, doanh số cũng sẽ cán mốc một tỷ USD, chủ yếu nhờ xuất khẩu. “Chúng tôi đang tìm đối tác chiến lược ngoại để tối đa hóa lợi thế khi mục tiêu là trở thành hãng tôm toàn cầu cho đến năm 2020”, ông cho biết.

Việt Nam đang cân nhắc đề xuất nâng giới hạn sở hữu nước ngoài tại các công ty niêm yết, trong bối cảnh doanh nghiệp ngày càng cần sự tham gia của nhà đầu tư ngoại để có thêm vốn và kinh nghiệm, nhằm mở rộng ra quốc tế.

Theo quy định hiện tại, nhà đầu tư nước ngoài chỉ có thể nắm tối đa 49% cổ phần công ty niêm yết. Dự thảo trên đề xuất cho nhóm này đầu tư “không hạn chế” vào cổ phiếu không có quyền biểu quyết của công ty.

“Nếu còn ở trên sàn TP HCM, chúng tôi không thể có đủ số vốn cần thiết”, ông Quang cho biết. Minh Phú dự định nâng vốn điều lệ thêm 20% lên 840 tỷ đồng. Theo số liệu của Bloomberg, cổ phiếu Minh Phú đã tăng giá gấp 4 trong năm ngoái, giúp nâng vốn hóa hiện tại lên 7.500 tỷ đồng.

Ông Quang cho biết hàng chục nhà đầu tư tại Mỹ, Nhật và Canada đã bày tỏ sự quan tâm đến cổ phần của Minh Phú. Họ sẽ chọn một hoặc hai đối tác năm nay. Bên cạnh đó, gia đình ông Quang cũng dự kiến giảm tỷ lệ sở hữu xuống thấp nhất là 35%, từ 79% hiện tại.

Mitsui & Co hiện nắm 31% cổ phần trong Công ty Thủy sản Minh Phú Hậu Giang – công ty con của tập đoàn. Quỹ đầu tư Red River Holding và Vietnam Investment Fund cũng sở hữu lần lượt 9,47% và 7,38% cổ phần Minh Phú. Trong khi đó, năm 2012, thương vụ hợp tác với CP Group của Thái Lan đã thất bại.

Ông Quang cho biết doanh thu và lợi nhuận công ty sẽ tăng 15-20% mỗi năm trong 5 năm tới. Hãng đã giúp Việt Nam trở thành một trong những nước xuất khẩu thủy sản tăng trưởng nhanh nhất thế giới, với kim ngạch xuất khẩu năm ngoái tăng 18% lên 7,9 tỷ USD. Nếu chỉ tính riêng tôm, số liệu này tăng 25% lên 4,1 tỷ USD.

Minh Phú hiện xuất khẩu sang hơn 60 nước với tổng kim ngạch tăng 41% lên 730 triệu USD năm ngoái. Mỹ là thị trường lớn nhất khi đóng góp hơn một phần ba số này, theo sau là Nhật Bản và châu Âu.

Ông Quang muốn tìm đối tác chiến lược để giúp công ty mở rộng sản xuất và xuất khẩu. Hãng đang làm việc với Edmond de Rothschild Suisse để tìm nhà đầu tư.

Minh Phú cũng có kế hoạch xây nhà máy chế biến và phân phối tôm tại Ấn Độ, Indonesia và Philippines trong 5 năm tới. Họ đã có một cơ sở phân phối tại California (Mỹ), cung cấp tôm sú cho các chuỗi siêu thị lớn như Costco Wholesale và Wal-Mart.

Hãng cũng sẽ xây nhà máy chế biến tôm công suất 40.000 tấn tại Cà Mau năm nay, và một nhà máy khác công suất tương tự tại Hậu Giang trong 3 năm tới. “Mục tiêu của tôi là mang tôm vào bữa ăn mọi nhà. Đây không còn là thức ăn chỉ dành cho người giàu nữa”, ông Quang cho biết..

Hà Thu

Trả lời

0913.756.339