Vụ chợ Tân Bình: Tạm ngưng phương án xây mới tiểu thương vẫn “vừa bán vừa lo”

Phương án xây mới chợ Tân Bình đã tạm ngưng triển khai

Tiểu thương bức xúc trước phương án xây mới

Theo quan sát của phóng viên vào ngày 2/10, các hoạt động kinh doanh buôn bán ở đây đã trở lại với sự bình thương vốn có. Tuy nhiên, điểm chung của các tiểu thương khi được hỏi tới phương án xây dựng chợ mới đều trong tâm trạng lo lắng.

Dễ nhận thấy tại đây, câu chuyện xung quanh tới việc xây dựng chợ mới với đề án mà Q.Tân Bình đưa ra là sôi nổi nhất. Lân la trò chuyện cùng các tiểu thương chúng tôi nhận ra rằng, đa số tiểu thương đều rất bức xúc trước phương án xây dựng chợ Tân Bình thành “Trung tâm thương mại dịch vụ đa năng và chợ truyền thống Tân Bình”.

“Chợ đang buôn bán nhộn nhịp, hoạt động rất tốt, đùng một cái các ông nói dẹp là dẹp thì bà con tiểu thương sống sao. Ở đây, tôi cũng như các tiểu thương không hề chống lại những phương án mà Đảng, Nhà nước đưa ra. Nhưng, làm sao cho hợp lý, trong khi tầng 1 của chợ thì bỏ hoang không ai thuê. Các vị lại lên phương án xây chợ lên 6 tầng thì bán cho ai”, một tiểu thương kinh doanh tầng lửng bức xúc.

Theo tìm hiểu của phóng viên, chợ Tân Bình (số 172 – 274 Lý Thường Kiệt) sẽ được xây dựng mới với tổng kinh phí đầu tư 1.992 tỷ đồng. Cụ thể, theo “thông tin tóm tắt về dự án đầu tư xây dựng trung tâm thương mại dịch vụ đa năng và chợ truyền thống” mà UBND Q.Tân Bình thông báo cho các hộ dân thì tại công văn số 559/UBND-TM ngày 8/2/2014, UBND TP.HCM đã chấp thuận chủ trương để UBND Q.Tân Bình tiếp tục quản lý để đầu tư chợ truyền thống Tân Bình với mục tiêu kêu gọi doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư, không sử dụng tiền ngân sách Nhà nước…

Sau khi có ý kiến chấp thuận của thành phố, thì Q.Tân Bình đã chỉ đạo Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích của quận sử dụng quyền khai thác dự án để tham gia góp vốn liên doanh với Công ty TNHH Tân Quang hình thành pháp nhân mới là Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Bất động sản Tân Bình Phú để thực hiện dự án “Trung tâm thương mại đa năng Tân Bình” ngay trên diện tích đất chợ truyền thống.

Còn chợ truyền thống Tân Bình được xây dựng trên phần đất còn lại của chợ hiện hữu có diện tích gần 15.000 m2, quy mô gồm 6 tầng lầu, một tầng lửng và một tầng hầm với hơn 5.000 sạp. Chợ được thiết kế theo hướng vừa hiện đại vừa mang dáng dấp truyền thống, có đầy đủ tiện nghi như thang máy, thang cuốn, máy điều hòa nhiệt độ… Tổng kinh phí dự kiến là 2.879 tỷ đồng bao gồm chi phí bồi thường hỗ trợ, chi phí đầu tư xây dựng chợ tạm, chợ truyền thống… Riêng số vốn xây dựng chợ mới gần 2.000 tỷ đồng.

Khó hài hòa lợi ích hai bên

Hiện tại, chợ Tân Bình có một khu vực rộng lớn của tầng 1 bị bỏ hoang, không có hoạt động kinh doanh buôn bán. “Tầng 1 bỏ hoang bây giờ xây lên tầng 6(!)?, ở đây là chợ sỉ, khách hàng mua số lượng lớn, xây xong mà đưa chúng tôi lên trên tầng 6 thì khách nào lên đó mà mua?” cô Nguyễn Thị Mộng Linh tiểu thương kinh doanh tầng lửng nói trong ngán ngẩm.

Tầng 1 bị bỏ hoang, không có hoạt động kinh doanh buôn bán

Trong khi đó, phía UBND Q. Tân Bình lại muốn xây dựng mới theo mô hình phía trước là Trung tâm thương mại và phía sau là công trình chợ truyền thống.Trung tâm thương mại được xây dựng trên diện tích 7.000 m2, gồm 17 tầng lầu và 3 tầng hầm. Rõ ràng, quan điểm của UBND quận hoàn toàn khác xa với các tiểu thương khi phần lớn họ ủng hộ phương án chỉ cải tạo, nâng cấp để chợ cũ được sạch đẹp, an toàn hơn. “Chúng tôi sẵn sàng góp tiền của để cải tạo chợ mà không cần phải kêu gọi chủ đầu tư nào đập bỏ xây lại” cô Nguyễn Thị Hồng Yến, tiểu thương kinh doanh ở tầng lửng khẳng định chắc nịch.

Cô Yến cho biết thêm, ngày 29/9 các tiểu thương đồng loạt đóng cửa hàng để phản đối việc xây dựng mới chợ, khách hàng bắt đầu có dấu hiệu giảm. Các tiểu thương không khỏi lo lắng và luôn trong trạng thái không biết sẽ ra sao nếu Q.Tân Bình vẫn tiếp tục phương án xây dựng mới chợ Tân Bình.

Cũng phải nói thêm, đa số các tiểu thương ở đây, cho tới ngày 25/9, đều không hề hay biết việc sẽ đập bỏ chợ Tân Bình để xây dựng thành Trung tâm thương mại 17 tầng và chợ 6 tầng. Ngoài ra, các tiểu thương cũng lắc đầu khi được hỏi tới tên chủ đầu tư là Công ty TNHH thương mại dịch vụ Bất động sản Tân Bình Phú.

Còn đối với Q.Tân Bình, sau buổi tiếp xúc với 300 tiểu thương (đợt 1) vào ngày 25.9. Đại diện của UBND Q.Tân Bình cho biết sẽ tạm ngưng chưa triển khai các bước tiếp theo của dự án xây trung tâm thương mại và chợ truyền thống Tân Bình. Tuy nhiên, UBND Q.Tân Bình cũng cho biết thêm, việc tạm ngưng này là để quận có thêm thời gian nghiên cứu những ý kiến đóng góp của tiểu thương nhằm tìm biện pháp đảm bảo hài hòa lợi ích giữa tiểu thương, nhà nước và nhà đầu tư. Và chừng nào vẫn chưa có kết luận chính thức thì các tiểu thương buôn bán tại chợ vẫn trong tâm trạng thấp thỏm “vừa bán vừa lo”.

Thu Thủy – Nguyễn Trần

Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: banbientap@cafeland.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.

Để lại một bình luận

0913.756.339