Vingroup và nước cờ phân khúc cao cấp

Trên thị trường chứng khoán, Vingroup luôn nằm trong top 5 các công ty niêm yết có vốn hóa lớn nhất với giá trị ước tính hơn 3 tỷ USD. Không chỉ có vậy, Tập đoàn này còn được xem là biểu tượng của sự thành công khi không ngừng mở rộng và phát triển với những dự án tầm cỡ mang lợi nhuận cao. Tuy vậy, thương hiệu Vingroup và phân khúc bất động sản cao cấp ngự trị khắp nơi khiến nhiều người quên bẵng đi những bí ẩn về sự thành công của Vingroup và triển vọng của Tập đoàn này từng tạo nên một thời.

Phối cảnh Vinhomes Central Park một trong những dự án bất động sản tiêu biểu của Vingroup

Liên tục chinh phục đỉnh cao

Cách đây hơn 10 năm, đúng vào giai đoạn trầm lắng của thị trường bất động sản, người dân Hà Nội không khỏi ngạc nhiên khi thấy một tòa tháp đôi mọc sừng sững giữa mảnh đất “vàng” của Thủ đô tại 191 Bà Triệu. Tòa tháp đôi có tên Vincom Bà Triệu là tòa cao ốc lớn nhất Hà Nội vào thời điểm đó. Đến nay, nơi đây đã có 3 tòa nhà cao ốc liên thông là tổ hợp trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê và căn hộ cao cấp. Chính công trình bất động sản này đánh dấu cái tên Vincom “chạm ngõ” trong suy nghĩ của nhiều người, một doanh nghiệp còn khá non trẻ và xa lạ với công chúng.

Tuy nhiên, thời điểm được coi là bước ngoặt về sự lớn mạnh vượt bậc của Vingroup là khi niêm yết trên sàn chứng khoán Việt nam vào tháng 9/2007. Đây là thời kỳ thịnh vượng nhất của thị trường chứng khoán Việt Nam với việc VN-Index vượt mức 1.000 điểm. Chỉ 2 tuần sau niêm yết, từ mức giá khởi điểm 125.000 đồng/CP, mã cổ phiếu VIC của Tập đoàn đạt mức gần 200.000 đồng/CP.

Đáng nói là lúc đó VIC mới chỉ có vốn điều lệ khiêm tốn 800 tỷ đồng, tổng tài sản hơn 3.000 tỷ đồng, còn doanh thu chỉ khoảng 200 tỷ đồng. Mức này chỉ bằng một doanh nghiệp tầm trung hiện nay.

Không thoát khỏi thảm cảnh chung, cơn bão khủng hoảng 2008 tràn qua đã khiến VIC rơi vào khó khăn cùng nhiều doanh nghiệp tên tuổi khác. Giá cổ phiếu của VIC rơi từ mức gần 200.000 đồng/CP xuống còn 71.000 đồng/CP vào tháng 3/2008 và 35.000 đồng/CP vào tháng 3/2009 (sau điều chỉnh chia tách và cổ tức) bất chấp công ty đã mua vào một lượng rất lớn cổ phiếu quỹ.

Một điểm đáng ghi nhận trong thời kỳ này là vốn điều lệ của VIC không ngừng tăng lên kể từ sau khi niêm yết thông qua các đợt phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và phát hành riêng lẻ đến đối tác chiến lược.

Năm 2008 và 2009, VIC đã hai lần bán cổ phiếu ưu đãi cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ từ mức ban đầu lên gần 2.000 tỷ đồng. Đặc biệt, năm 2012 và 2013, công ty đã 3 lần phát hành cổ phiếu riêng lẻ, chia cổ phiếu thưởng và phát hành thêm để hoán đổi cổ phiếu công ty Vinpearl. Vốn điều lệ của VIC từ mức chưa được 4.000 tỷ đồng đầu năm 2012 đã tăng lên hơn 9.000 tỷ vào cuối năm 2013.

Cũng trong giai đoạn này vốn chủ sở hữu tăng 2,5 lần lên gần 15.000 tỷ đồng, còn tài sản tăng từ 35.000 tỷ đồng lên 75.000 tỷ đồng. Trong năm 2014, VIC tiếp tục có 2 lần tăng vốn thông qua việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ, chia thưởng cổ tức bằng cổ phiếu để nâng vốn điều lệ lên 14.299 tỷ đồng.

Song song với quá trình tăng vốn rất nhanh thì Vingroup cũng rất thành công trong việc xây dựng các dự án bất động sản đẳng cấp. Sau hai năm hoàn tất dự án đầu tiên là Vincom Bà Triệu, Vingroup tiếp tục khai trương khu vui chơi giải trí Vinpearl Land tại Hòn Tre (Nha Trang). Đây là khu vui chơi giải trí nối với đất liền bằng cáp treo hiện đại.

Trước đó năm 2003, cũng tại khu vực này, Công ty Vinpearl đã hoàn thành khách sạn 5 sao Vinpearl Resort Nha Trang. Tổ hợp khu vui chơi giải trí và khách sạn 5 sao này trở thành một địa điểm du lịch không thể thiếu khi đến Nha Trang và cũng là nơi tổ chức các sự kiện tầm cỡ.

Từ năm 2010 đến nay, dù kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn khiến không ít doanh nghiệp bất động sản phải hoạt động cầm chừng, nhưng với Vingroup lại là những năm đánh dấu những bước phát triển vượt bậc. Những dự án có số vốn đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng liên tục mọc lên tại các tỉnh, thành với chuỗi trung tâm thương mại lớn, văn phòng đẳng cấp nhất Việt Nam mang thương hiệu Vincom như Vincom B, Vincom A (TP.HCM), Vincom Hạ Long (Quảng Ninh) và Vincom Long Biên (Hà Nội).

Tiếp đó, một loạt các dự án lớn và đẳng cấp cũng được Vingroup công bố như Vinhomes Riverside, khu đô thị sinh thái đẳng cấp cao; Khu tổ hợp trung tâm thương mại, giải trí căn hộ mang tên Royal City và Times City tại Hà Nội. Đây là những trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí lớn nhất và độc đáo nhất cả nước và nơi sinh sống của những người giàu có.

Không chỉ đẩy mạnh việc xây dựng các dự án cao cấp, Vingroup còn vươn tới các lĩnh vực phục vụ cuộc sống khác như thành lập hệ thống bệnh viện đa khoa, phòng khám đẳng cấp quốc tế với thương hiệu Vinmec, thành lập trường học liên cấp với thương hiệu Vinschool. Ngoài ra, Tập đoàn còn đang tiến sâu vào lĩnh vực thương mại qua các chuỗi cửa hàng, siêu thị và trung tâm thương mại, thương mại điện tử.

Công thức thành công

Có thể xem Vingroup là một Tập đoàn rất thành công và điển hình ở Việt Nam. Tập đoàn này không những giúp Việt Nam có nhiều dự án mang tầm cỡ quốc tế mà còn góp phần tạo dựng những thương hiệu hàng đầu trong nước ở lĩnh vực giáo dục, y tế, du lịch… và mới đây nhất là phát triển thị thường bán lẻ. Và để có được những thành công khiến người ta “choáng váng” như vậy quả không dễ chút nào.

Người chèo lái Tập đoàn này là ông Phạm Nhật Vượng, một doanh nhân thế hệ cuối thập niên 60. Ông Vượng được biết tới là người vươn lên trở thành tỷ phú USD với bước đầu khởi nghiệp từ kinh doanh mỳ ăn liền ở Ukraina, thành lập nên công ty thực phẩm LLC Technocom và sau đó đã sáng lập nên công ty bất động sản lớn nhất ở Việt Nam. Hiện tại, ông cùng các thành viên gia đình đang sở hữu gần 50% cổ phiếu VIC. Ông cũng là tỷ phú USD đầu tiên và duy nhất cho đến nay của Việt Nam được các tạp chí danh tiếng nước ngoài xếp hạng.

Đối với Vingroup, sự thành công đầu tiên phải nói đến vấn đề huy động tài chính. Tập đoàn này dành được sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư quốc tế và là người đi tiên phong trong việc thu hút vốn đầu tư quốc tế. Trong năm 2012, Vingroup phát hành thành công 300 triệu USD trái phiếu quốc tế chuyển đổi.

Trước đó năm 2009, Tập đoàn cũng đã phát hành thành công 100 triệu USD trái phiếu chuyển đổi. Hiện tổng số trái phiếu chuyển đổi quốc tế của Vingroup còn khoảng 3.400 tỷ đồng. Ngoài trái phiếu chuyển đổi, Vingroup cũng khá tích cực trong việc vay vốn của các định chế tài chính quốc tế. Tổng cộng khoản vay của Vingroup hiện khoảng 30.000 tỷ đồng, trong đó 69% là bằng trái phiếu. Về cơ cấu nợ thì nợ bằng USD chiếm gần 38%. Không ngẫu nhiên mà nhiều nhà đầu tư sẵn sàng mua cổ phiếu VIC với giá rất cao trong các đợt phát hành thêm hay cho Công ty vay với một khoản tiền lớn như vậy. Hiện hầu hết các dự án mà Vingroup đang thực hiện đều là những dự án bất động sản mang đẳng cấp quốc tế và khá hiệu quả về kinh doanh.

Doanh nghiệp này đã thu được một khoản lợi nhuận lớn khi chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ các dự án cho đối tác. Chẳng hạn, Công ty đã chuyển nhượng một phần diện tích cho thuê tại Vincom Bà Triệu cho BIDV và Techcombank. Hay mới đây nhất Vingroup cũng chuyển nhượng dự án Vincom A tại TP.HCM, thu được lợi nhuận lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Như vậy, công thức thành công của Vingroup ở đây là thực hiện những dự án “khủng” tại những vị trí đắc địa ở Hà Nội hoặc TP.HCM sau đó chuyển nhượng lại với giá cao.

Khu nghỉ dưỡng 5 sao Vinpearl Resort Phú Quốc mới hoàn thành cuối năm 2014

Bên cạnh đó, dù thị trường bất động sản khó khăn nhưng các dự án lớn của Vingroup như Royal City, Time City, Vinhomes Riverside ở phân khúc cao cấp vẫn bán rất chạy. Theo số liệu của công ty thì những dự án này đã bán hết 80-100% số căn hộ hay biệt thự. Hiện tại, Vingroup cũng rất thành công trong việc tiêu thụ tại các dự án Vinhomes Central Park và Vinhomes Nguyễn Chí Thanh dù những dự án này mới được khởi công gần đây.

Về mảng bất động sản văn phòng cho thuê và sàn thương mại, Vingroup cũng có những thành công vượt trội khi những diện tích khổng lồ tại Vincom Mega Mall Royal City, Vincom Mega Mall Times City hay diện tích trung tâm thương mại tại các tòa nhà Vincom đã gần như lấp đầy.

Mặt khác, sự thành công của Tập đoàn này còn đến từ công thức chung là những dự án bất động sản của Vingroup đã tạo được lòng tin từ phía khách hàng bằng việc thiết kế, xây dựng những công trình đẳng cấp, tiện ích cao, chất lượng và đảm bảo đúng tiến độ. Ngoài ra, Công ty cũng lựa chọn phân khúc khách hàng và thời điểm bán hàng phù hợp.

Còn một điều không thể không nói đến là Vingroup đã có giải pháp truyền thông hiệu quả. Vingroup thường xuất hiện khá hoàn hảo trước công chúng và hạn chế để lại một tỳ vết nào trong chiến lược phát triển. Điều này giúp các dự án, thương hiệu của Vingroup càng trở nên “đẹp” hơn trong mắt nhiều người. Do đó, khi khách hàng đến với Vingroup, họ không chỉ mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ mà còn thể hiện đẳng cấp của mình.

Thế cờ mới

Nhìn bề ngoài Vingroup như một con tàu đang lao với tốc độ nhanh. Tập đoàn này dường như không gặp một bước cản nào trên con đường chinh phục những đỉnh cao. Về mặt tài chính vốn và tài sản không ngừng tăng lên rất nhanh. Liên tục trong những năm qua doanh thu và lợi nhuận của Vingroup tăng rất mạnh. Năm 2013, Tập đoàn này có doanh thu hợp nhất lên đến 18.378 tỷ đồng, tăng hơn 123% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận trước thuế đạt lên đến 9.740 tỷ đồng, tăng 2,7 lần. Báo cáo trong 9 tháng đầu năm 2014, doanh thu Công ty đạt 21.524 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 3.427 tỷ đồng.

Vingroup cũng công bố hoàn thành và khởi công thêm hàng loạt dự án lớn tại các thành phố lớn trong cả nước. Điều đáng nói là không chật vật như nhiều dự án bất động sản khác, hầu hết các dự án Tập đoàn triển khai đều hoàn thành đúng tiến độ, luôn thu hút được một lượng khách hàng lớn và việc bán hàng đều diễn ra suôn sẻ.

Bên cạnh thành công trong việc xây dựng và phát triển một loạt các dự án du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp như Vinpearl Resort, Vinpearl Luxury và Vinpearl Premium tại Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc, Quảng Nam, Bình Định, Quảng Ninh… Trong giai đoạn này, Vingroup cũng bắt đầu mở rộng mạnh mẽ sang các lĩnh vực khác như y tế, giáo dục, thương mại bán lẻ và thương mại điện tử… Những lĩnh vực này tuy chưa có những thành công về mặt tài chính nhưng nó đã tạo ra một hình ảnh tốt cho Tập đoàn này.

Hiện Vingroup đã tạo ra được vị thế vững chắc của một hình mẫu thành công dẫn đầu trong nhiều lĩnh vực ở Việt Nam. Đối tượng khách hàng cao cấp mà Tập đoàn hướng đến là tầng lớp giàu có chiếm tỷ lệ không nhỏ ở Việt Nam và khách quốc tế. Nhờ đó mà uy tín và các thương hiệu của Vingroup không ngừng lớn mạnh. Hoạt động kinh doanh của công ty dường như luôn trong thế chủ động khi họ thường vượt qua khâu khó khăn nhất như tạo quỹ đất sạch nên có thể nhanh chóng nắm bắt được cơ hội. Theo Vingroup, hiện công ty đang có quỹ đất lên tới hơn 70 triệu mét vuông với các vị trí trung tâm.

Tuy rất thành công nhưng cũng có không ít quan ngại xung quanh câu chuyện của Vingroup. Về tài chính công ty đang sử dụng tỷ lệ đòn bẩy tài chính khá cao. Bên cạnh đó, việc phát triển quá nhanh của Tập đoàn với quy mô lớn cũng tạo ra rất nhiều thách thức về mặt quản trị. Tập đoàn cũng đang đứng trước áp lực cạnh tranh tại các lĩnh vực khác như bán lẻ (mua lại OceanMart), hay việc thâm nhập vào lĩnh vực thương mại điện tử. Ngoài ra, danh mục đầu tư khá dàn trải vào nhiều doanh nghiệp, lĩnh vực và địa bàn cũng như những dự án “khủng” đòi hỏi công ty phải có nguồn vốn lớn và trình độ quản trị giỏi. Do đó, rủi ro về đòn bẩy tài chính khó tránh khỏi nếu Vingroup không cân đối dòng tiền hợp lý.

Hồ Bá Tình

Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: banbientap@cafeland.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.

Để lại một bình luận

0913.756.339