Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2014 của Tổng công ty Công nghiệp ôtô Việt Nam (Vinamotor) cho hay, các chỉ tiêu đề ra tại đại hội cổ đông gần một năm trước đều vượt kế hoạch.
Khoản lợi nhuận thu về 65 tỷ đồng, tăng đến 590% so với chỉ tiêu mà đại hội cổ đông đề ra, so với thực hiện năm ngoái thì mức tăng lợi nhuận là 591%.
Trước khi cổ phần hóa, chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, hai năm liên tiếp, đơn vị này đạt lợi nhuận trên dưới 10 tỷ đồng mỗi năm.
Còn về doanh thu, hồi đầu năm, Vinamotor dự định thu về chưa tới 400 tỷ đồng, song con số này đã tăng 216% khi kết thúc năm tài chính 2014.
Xe khách là sản phẩm có sức cạnh tranh tốt của Vinamotor trên thị trường nội địa. Ảnh:Vinamotor |
Lãnh đạo doanh nghiệp cho biết, nguồn lợi thu được phần lớn đến từ “thị trường ngách” là mảng ôtô từ 29 chỗ ngồi trở lên và xe tải liên doanh với Huyndai. Đây là hai lĩnh vực mà Vinamotor vẫn chiếm khoảng hơn 50% thị phần của cả nước. Ngoài ra doanh số từ sản xuất, lắp ráp xe buýt cũng đóng góp tỷ lệ đáng kể.
Con số này có thể khiến các nhà đầu tư chú ý khi mà Chính phủ vừa chào bán toàn bộ phần vốn Nhà nước tại đây hơn một tháng trước. Hiện đã có ít nhất 3 doanh nghiệp bày tỏ ý định thay thế Bộ Giao thông vận tải trở thành cổ đông chi phối tại “ông lớn” của ngành ôtô khối quốc doanh. Trong số này, sốt sắng hơn cả là Công ty cổ phần đầu tư Sacom – một doanh nghiệp chuyên về sản xuất dây cáp điện.
Tại báo cáo gửi tới Bộ Giao thông vận tải hơn 10 ngày trước, Sacom cho biết, sẵn sàng chi ra hơn 855 tỷ đồng để mua một lần trên 85 triệu cổ phần tại Vinamotor. Tỷ lệ này tương đương với 97,7% vốn điều lệ mà Nhà nước còn sở hữu sau khi doanh nghiệp chuyển sang hoạt động theo mô hình cổ phần từ giữa năm ngoái.
Với kết quả kinh doanh khả quan trên, Chủ tịch Vinamotor Nguyễn Hải Trung cho rằng sẽ là tiền đề tốt để đối tác mới, dù đến từ ngành nghề sản xuất nào cũng sẽ giữ lại lĩnh vực chính là sản xuất – lắp ráp ôtô thay vì chỉ nhắm đến lợi thế “đất vàng” như có nhiều thông tin đồn đoán.
Chí Hiếu