Đề nghị của Tổng công ty Hàng không Việt Nam được gửi tới Bộ Giao thông vận tải cuối tuần trước, chỉ một ngày sau cuộc họp triển khai đề án huy động vốn xã hội hóa đầu tư, kết nối hạ tầng hàng không của ngành này.
Theo văn bản được Chủ tịch Vietnam Airlines – Phạm Viết Thanh ký, hãng mong muốn được nhượng quyền khai thác nhà ga T1 của Sân bay Nội Bài (Hà Nội), khu vực hiện chỉ phục vụ các chuyến bay nội địa, sau khi nhà ga T2 đi vào hoạt động. Trao đổi với VnExpress, nguồn tin từ hãng này cho biết phần xin chuyển nhượng không bao gồm sảnh E – khu vực mới được xây dựng thêm khi chờ nhà ga T2 hoàn tất và không có hệ thống ống lồng, đưa khách ra máy bay.
Sảnh E Nhà ga T1 được đưa vào hoạt động năm 2013, được thiết kế phục vụ 3 triệu lượt khách mỗi năm. Ảnh: ACV |
Giải thích với Bộ Giao thông, Vietnam Airlines muốn xin nhượng quyền khai thác nhà ga T1 để phục vụ cho các chuyến bay quốc nội của hãng. Nếu được mua theo hình thức chỉ định, Tổng công ty sẽ huy động phần vốn tự có cũng như các doanh nghiệp khác và không loại trừ nguồn từ những công ty, cá nhân bên ngoài…, qua đó nâng cao chất lượng hoạt động hàng không và phi hàng không.
Đề xuất của Vietnam Airlines được đưa ra trong bối cảnh trước đó 3 tuần, hãng hàng không tư nhân Vietjet cũng đưa ra đề xuất tương tự về việc nhượng quyền khai thác toàn bộ nhà ga T1 trong vòng 20 năm. Hãng này hiện khai thác chủ yếu tại sảnh E, trong khi tại khu vực còn lại (sảnh A, B), Vietnam Airlines đang có số quầy làm thủ tục áp đảo.
Theo đại diện Vietjet, đề xuất mua lại toàn bộ T1, song trong trường hợp chỉ được quyền khai thác sảnh E, hãng sẽ phải làm nhiều việc để cải tạo lại như bổ sung ống lồng, điều hòa, ghế ngồi… “Những hành khách đến sảnh E sau 10h thường không có nước uống vì hàng quán đóng cửa hết. Do đó, chúng tôi cũng sẽ phải bổ sung thêm trụ nước cho khách”, đại diện hãng nói.
Hiện tại sảnh E, Vietjet Air chiếm đa số trong 38 quầy làm dịch vụ được thuê từ Công ty Phục vụ mặt đất Hà Nội (HGS) trực thuộc Tổng Công ty Cảng (ACV). Các dịch vụ soi chiếu hành lý, hành khách, băng chuyền cũng thuê từ đây. Nếu được nhượng quyền kinh doanh, hãng có thể tự chủ toàn bộ các dịch vụ trên. “Do đó, chúng tôi có thể làm dịch vụ tốt hơn trong khi giá vé có thể giảm đi vì đỡ tiền thuê”, đại diện hãng cho biết.
Tương tự theo đại diện của Vietnam Airlines, nếu được chấp thuận nhưỡng quyền, hãng có chủ động trong khai thác, nâng cao dịch vụ và giảm chi phí hoạt động, từ đó nâng cao hiệu quả kinh doanh. Cũng theo vị này, mong muốn có một sân bay căn cứ đã có từ lâu, vốn được Vietnam Airlines cụ thể hóa bằng đề xuất xây sân bay Long Thành. Nay trước việc Bộ Giao thông cho phép nhượng quyền Nhà ga T1, hãng quyết định tham gia.
Theo chuyên gia trong ngành hàng không cho rằng kiến nghị rốt ráo của 2 hãng hàng không chiếm trên 85% thị phần nội địa cho thấy sức hấp dẫn của đề xuất xã hội hóa sân bay mà Bộ trưởng Giao thông đưa ra trước đó. Tuy vậy, khi phát động chủ trương này vào cuối tháng 2, câu chuyện thí điểm nhượng quyền cũng mới chỉ được lãnh đạo ngành giao thông dừng ở mức “đầu bài” với các đơn vị chức năng.
“Đây mới là chủ trương thí điểm, còn cụ thể thế nào, nhượng quyền sân bay nào thì sau khi Bộ hoàn thiện đề án, sẽ có báo cáo xin ý kiến Chính phủ”, Bộ trưởng Thăng khẳng định.
Việc quy hoạch một hoặc một số hãng vào cùng một nhà ga hiện khá phổ biến trên thế giới. Ảnh: Reuters |
Trao đổi với VnExpress, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nhìn nhận, việc các doanh nghiệp hàng không liên tiếp có đề nghị được nhượng quyền khai thác có thể xuất phát từ mong muốn chủ động hơn khi thị trường tăng trưởng nhanh. “Việc đề xuất cách thức, thời hạn chuyển nhượng như thế nào là quyền của doanh nghiệp. Còn để quyết định cụ thể thì còn cả một chặng đường phía trước, vì đến nay tất cả mới chỉ là chủ trương”, ông Đông lưu ý.
Theo Thứ trưởng, đề án thí điểm bán chương nhượng một số sân bay mới được giao cho Tổng công ty Cảng Hàng không (ACV) chủ trì xây dựng, lấy ý kiến nên chưa thể có hình hài ngay được. Dù vậy, ông Đông tiết lộ điều mà Bộ đặc biệt lưu ý ACV là cần làm rõ vấn đề quyền và nghĩa vụ của nhà khai thác.
“Vì khi thực hiện nhượng quyền thì ACV không còn là đơn vị duy nhất, cho nên cần làm rõ vấn đề pháp lý đối với các nhà khai thác mới”, ông Đông nói. Ngoài ra, nhiệm vụ của ACV là cần phân loại và đề xuất danh mục sân bay nào cần nhượng quyền, tỷ lệ bao nhiêu phần trăm hay nhượng toàn bộ…
“Sau khi làm rõ được những cơ sở này, lên được danh mục các cảng thì sẽ công khai để các doanh nghiệp lựa chọn. Từ đó căn cứ xem có bao nhiêu nhà đầu tư tham gia thì mới quyết định được cái nào chỉ định, cái nào phải đấu thầu theo quy định của Luật Đấu thầu chứ không phải nói bán là bán ngay và cứ theo đề xuất của doanh nghiệp”, Thứ trưởng nói.
Nhà ga T1, gồm 2 sảnh A và B được khánh thành từ năm 2001, với công suất thiết kể để phục vụ 6 triệu khách. Trên thực tế, lượng khách đã nhanh chóng đạt con số 12 triệu lượt người trong năm 2013. Do đó, đơn vị điều hành Cảng đã cho xây thêm phần bổ sung là sảnh E vào năm 2013 để giảm tải cho T1. Sảnh E được thiết kế với công suất phục vụ 3 triệu khách mỗi năm. Giới chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá cả hai khu vực này đều có nhiều vấn đề bất cập. Ví dụ, Nhà ga T1 đã xuống cấp, nhiều khu vực thiết kế không hợp lý. Trong khi đó, sảnh E không có ống lồng, khiến khách muốn ra sân bay phải di chuyển bằng xe bus. |
Chí Hiếu – Thanh Bình