Đây là một trong những lo lắng được giới chuyên môn đưa ra tại hội thảo “Chỉ số nộp thuế và đề xuất cải cách cho Việt Nam” tổ chức sáng 15/1. Bà Joanna Nasr, đồng tác giả báo cáo Môi trường Kinh doanh, Ngân hàng Thế giới đánh giá những nỗ lực của Việt Nam trong thời gian qua trong việc giảm số giờ nộp thuế đang đi đúng hướng. Trong đó, những cải cách về bỏ chỉ tiêu bảng kê hóa đơn, số lần nộp thuế được đại diện WB nhận định chắc chắn sẽ giúp người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ của mình dễ dàng hơn.
WB sẽ mở rộng các chỉ số đo lường số giờ nộp thuế trong thời gian tới. Ảnh: NT |
Trước đó, một Báo cáo công bố giữa tháng 6 của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy việc doanh nghiệp Việt mất tới 872 giờ mỗi năm để nộp thuế, bảo hiểm… đã đặt các cơ quan quản lý trước nhiều thách thức trong suốt thời gian qua. Kết quả này cao hơn nhiều mức trung bình khu vực và thế giới, đồng thời ảnh hưởng trực tiếp tới năng lực cạnh tranh chung của kinh tế Việt Nam.
Bà Joanna Nasr cho biết, báo cáo môi trường kinh doanh được WB thực hiện 10 năm nay, trong đó chỉ số giờ nộp thuế đã được chuẩn hoá phương thức tính toán và áp dụng tại 189 quốc gia. Tuy nhiên, cũng theo chuyên gia này, trong thời gian tới, phía WB sẽ có thay đổi về cách tính theo hướng mở rộng các chỉ số đo lường.
“Cách tính hiện nay mới đo lường gánh nặng thủ tục hành chính trong khâu chuẩn bị kê khai và nộp thuế. Trong báo cáo môi trường kinh doanh năm 2016, chỉ số này sẽ đo lường thêm các quy trình sau kê khai như thanh tra, khiếu nại và hoàn thuế, vốn cũng là một gánh nặng thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp,” đại diện Ngân hàng Thế giới nói.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam lại tỏ ra lo lắng khi cho rằng, cách tính mới đó có thể khiến Việt Nam tụt hạng trong báo cáo.
“Thủ tục hoàn thuế một mặt cần phải được đảm bảo chặt chẽ nhưng điều này đồng nghĩa với việc có thể khiến thời gian thực hiện công đoạn này tăng lên. Như vậy, nếu tính chỉ số này trong báo cáo thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới vị trí của Việt Nam trong bảng xếp hạng. Với các tiêu chí mới đó của World Bank, chúng ta phải chuẩn bị từ bây giờ để thấy không bị bị tụt hậu,” bà Cúc nói.
Về các giải pháp trong thời gian tới, bà Joanna Nasr, đại diện WB nhận định Việt Nam có thể xem xét việc lập trung tâm hỗ trợ người nộp thuế. Hình thức này theo bà có thể thực hiện hỗ trợ trực tuyến, qua điện thoại hoặc thư điện tử. Công tác này nhằm giúp người nộp thuế hiểu rõ và được sự hướng dẫn cụ thể hơn sau khi triển khai các thủ tục hành chính mới.
Tại hội thảo, Phó tổng Cục trưởng Tổng cục thuế Cao Anh Tuấn khẳng định, báo cáo môi trường kinh doanh của WB tuy không phản ánh toàn diện năng lực của cơ quan thuế nhưng là kênh cung cấp thông tin hữu ích với cái nhìn từ phía người nộp thuế. Ông cũng cho rằng, việc làm này đã giúp ngành thuế tự nhìn nhận lại và đề ra chương trình cải cách mạnh mẽ hơn.
Về thời gian tới, ông Cao Anh Tuấn cho biết, ngành thuế sẽ tiếp tục cùng các đơn vị liên quan đề xuất các giải pháp cải cách thủ tục hành chính đạt mục tiêu 171 giờ vào cuối năm 2015, mức tương đương với các quốc gia trong khu vực đã được Thủ tướng giao nhiệm vụ hồi giữa năm.
Ngọc Tuyên