Tổng cục Thống kê long đong chuyện tách nhập

Thành lập năm 1946, thống kê là một trong số những cơ quan Nhà nước nhiều lần thay đổi địa vị pháp lý nhất, bởi trong gần 70 năm khi thì trực thuộc Chính phủ, lúc lại trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (tiền thân là Ủy ban Kế hoạch). Ngay Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khi còn lãnh đạo tại địa phương hay sau này ra trung ương cũng không khỏi cảm thán trước những lần tách nhập của cơ quan này.

Nhớ lại khi còn là người phụ trách Sở Kế hoạch Hoàng Liên Sơn cũ, từ năm 1987, ông Vinh cho biết đã có chủ trương giao cơ quan thống kê cho Sở quản lý. “Lúc đó anh em thống kê rất buồn, nhưng sau một thời gian họ lại ổn định”, ông Vinh nói. Tuy nhiên, chỉ sau 10 năm, ngành thống kê lại tách ra, trực tiếp chịu trách nhiệm trước Chính phủ. Đến năm 2007, một lần nữa cơ quan thống kê trở về với ngành Kế hoạch & Đầu tư. Chỉ trong 20 năm, những nhân viên Thống kê đã 3 lần phải thay đổi chỗ ngồi và đơn vị chủ quản.

bui-quang-vinh-JPG-2733-1426094838.jpg

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết Tổng cục Thống kê trực thuộc Bộ vẫn là hợp lý nhất.

Đến nay cơ quan thống kê, mà cao nhất là Tổng cục Thống kê nằm tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thực hiện chức năng tham mưu, tổ chức các hoạt động thống kê và cung cấp thông tin cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, trong điều kiện tình hình kinh tế diễn biến ngày càng phức tạp, số liệu thống kê ngày càng trở nên quan trọng cho công tác hoạch định chính sách thì nhiều ý kiến lại lo ngại về tính chính xác của những con số này, nguyên nhân một phần do cơ quan thực hiện chưa đứng “độc lập”.

“Có ý kiến cho rằng Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa xây dựng, vừa thực hiện lại vừa tổng kết thực hiện kế hoạch (do quản lý Tổng cục Thống kê) thì liệu có trung thực hay không. Địa vị pháp lý sẽ ảnh hưởng thế nào đến số liệu thống kê?”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý chất vấn. Hay đại biểu Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách thẳng thắn tiết lộ về câu chuyện làm đẹp số liệu. “Tôi được biết có câu chuyện điều tra viên đưa số liệu thì trên văn phòng cắt gọt, cuối cùng con số không còn là gốc nữa”, ông cho hay.

Trên hội trường Quốc hội, đại biểu cũng nhiều lần “chê” số liệu thống kê, thậm chí ví đây như những con số được cài đặt trước. Đại biểu Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa – Vũng Tàu) từng nói: “Có ý kiến phản ánh sự hoài nghi về tính xác thực trong đánh giá của Chính phủ về thị trường tài chính, tiền tệ. Thông tin do các báo cáo của Chính phủ cung cấp cho đại biểu không sát với tình hình thực tế, số liệu không có tính thuyết phục”.

Chia sẻ với VnExpress, đại biểu Phùng Văn Hùng – Ủy viên Ủy ban Kinh tế nếu Tổng cục Thống kê vẫn trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan này sẽ khó đi thu thập, kiểm tra số liệu của các bộ, ngành khác bởi cấp bậc không tương đương.

Do vậy, khi Luật Thống kê được bàn luận sửa đổi, nhiều ý kiến đề xuất cơ quan thống kê phải tách ra khỏi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để không bị chi phối, nâng cao chất lượng hoạt động. “Có nhiều ý kiến đề nghị cơ quan thống kê trực thuộc Chính phủ, một số cho rằng nên thuộc Quốc hội hay cũng có đề xuất nên có thêm các chuyên gia để giám sát quá trình thu thập, xử lý và công bố số liệu”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu báo cáo.

Bên cạnh lý do chuyên môn, người trong cuộc cho biết Tổng cục Thống kê trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng gây ảnh hưởng không nhỏ tới nhân sự. “Hiện biên chế của Bộ Kế hoạch và Đầu tư khoảng 7.000 người, nhưng bộ máy riêng chỉ 670 người, hơn 6.000 còn lại thuộc Tổng cục Thống kê. Tuy nhiên, xin thêm biên chế thì không được vì Bộ Nội vụ cho rằng đã có 7.000 người rồi. Thực tế, lực lượng quá đông nhưng vẫn thiếu người”, Bộ trưởng Vinh chia sẻ.

Tuy vậy, số phận của ngành thống kê nhiều khả năng sẽ chưa thay đổi nhiều trong thời gian tới, bởi chính những người trong cuộc cũng không muốn tách ra. Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm bày tỏ trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn là tốt nhất. “Từ khi thành lập đến nay, đã có thời gian cơ quan tách ra nhưng xét lại vị thế hiện giờ vẫn giúp phát huy tốt nhất năng lực”, ông Lâm nói.

Còn theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, dù đã nhiều lần khuyến khích Tổng cục Thống kê tách riêng, nhưng sau khi bàn luận thì thấy chưa thích hợp. Bởi, Tổng cục Thống kê trực thuộc Chính phủ thì chưa chắc tính khách quan đã được cải thiện vì đây mới là cơ quan quyết định các chỉ tiêu chính sách, Bộ chỉ là cơ quan tham mưu. “Nếu cơ quan thống kê nằm ở Chính phủ thì cũng không có gì khác so với Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Tôi cũng không nghĩ là nằm ở Chính phủ thì thống kê sẽ khách quan”, vị này nhấn mạnh. Ngoài ra, ông cho rằng số liệu thống kê được thu nhập từ 63 tỉnh, thành, do đó cơ quan cấp trên cũng khó mà “chọc” vào.

Lãnh đạo cơ quan này cũng dẫn chứng nhiều nước tiên tiến, cơ quan thống kê trung ương cũng trực thuộc Bộ, như ở Pháp thì trực thuộc Bộ Kinh tế tài chính, Thụy điển thuộc Bộ Tài chính, Hà Lan thuộc Bộ Kinh tế, Nhật Bản là Bộ Nội vụ và Thông tin, Hàn Quốc thuộc Bộ Chiến lược tài chính.

Lịch sử 10 năm “đổi chỗ” một lần của cơ quan thống kê vẫn chưa đến, tuy nhiên, cải cách để số liệu thống kê minh bạch, chính xác, khách quan là điều cấp bách nhằm phục vụ hoạch định chính sách và giám sát. “Tôi hy vọng sau khi có Luật Thống kê sửa đổi thì trong nước không còn nhiều ý kiến đánh nhau nữa, ra Quốc hội các đại biểu cũng không nghi ngờ, chỉ dùng số liệu thống kê. Thống kê phải như là thần linh của con số”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.

Phương Linh

Để lại một bình luận

0913.756.339