Để hưởng mức lương tới hàng trăm triệu đồng mỗi tháng, phi công phải làm việc với cường độ cao và áp lực lớn, và đặc biệt phải trải qua quá trình đào tạo công phu, tốn kém mà mỗi cá nhân không thể tự trang trải chi phí. Đối với hầu hết các phi công Việt Nam hiện nay, chi phí này thường do hãng bay chi trả, sau khi các ứng viên đã vượt qua vòng sơ tuyển đầu tiên.
Theo bản hợp đồng đào tạo bay cơ bản được công bố cách đây ít lâu, Vietnam Airlines đã liệt kê chi tiết các khoản chi phí đào tạo mà hãng hỗ trợ khi đưa học viên sang Học viện Hàng không ESMA (Pháp), khoảng 1,7 tỷ đồng mỗi người.
Nội dung chi phí | Thành tiền |
Chi phí đào tao (học, ăn, ở, tiêu vặt, bảo hiểm) | 72.000 euro |
Chi phí vé máy bay (tạm tính) | 297 USD |
Lệ phí Visa (tạm tính) | 90 euro |
Chi phí cấp trang phục | 4,21 triệu đồng |
Tổng số ở thời điểm ký hợp đồng | 1,7 tỷ đồng |
Theo ông Phạm Ngọc Minh, Tổng giám đốc Vietnam Airlines, 1,7 tỷ đồng chỉ giúp một người bình thường trở thành phi công cơ bản, chưa đủ để đảm nhiệm việc lái máy bay. Sau khóa học, hãng mất thêm nhiều chi phí cả vô hình lẫn hữu hình để giúp một phi công cơ bản thành phi công khai thác. Thời gian bay càng lâu, phi công càng được tích lũy kinh nghiệm cũng như số giờ bay và trải qua thêm nhiều đợt huấn luyện hằng năm.
Người đứng đầu Vietnam Airlines cho biết chưa thể tính toán được con số chính xác chi phí đào tạo cho một phi công dầy dạn kinh nghiệm nhưng “ước tính khoảng 2,5 tỷ đồng”.
Chi tiết. Đồ họa: Việt Chung |
3 năm gần đây, hình thức đào tạo phi công theo diện “xã hội hóa” dần phổ biến. Người học có thể tự bỏ tiền tham gia trường dạy lái máy bay trong và ngoài nước, sau đó tự xin việc. Chi phí dành cho các khóa học tự túc này đắt đỏ không kém.
Trong nước, hiện có một công ty cổ phần được Cục Hàng không cấp phép đào tạo phi công là Bay Việt, do Vietnam Airlines sở hữu hơn 51% vốn. Theo biểu giá đơn vị này cung cấp, chi phí để một học viên tham gia khóa đào tạo cơ bản vào khoảng 1,9 tỷ đồng. Đến nay, Vietnam Airlines đã tiếp nhận hai khóa phi công do cơ sở này đào tạo.
Khóa học | Thời gian | Chi phí |
Đăng ký học | 12 triệu đồng | |
Huấn luyện lý thuyết ATP | 6 tháng | 120 triệu đồng |
Huấn luyện bay đến bằng lái CPL/IRME/AE tại Mỹ | 10 đến 12 tháng | – chi phí quản lý 99,9 triệu đồng – học phí tại Mỹ dự kiến 1,5 tỷ đồng |
Huấn luyện MCC | 3 tháng | 110 triệu đồng |
Huấn luyện chuyển loại | 3 tháng | Vietnam Airlines đảm nhiệm |
Tổng cộng | 20 đến 24 tháng | khoảng 1,9 tỷ đồng |
Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu học phi công ngày càng tăng, nhiều trường đào tạo phi công quốc tế cũng dần xuất hiện ở Việt Nam để tuyển sinh rộng rãi. Gần đây nhất, thông qua một công ty tư vấn du học, trường dạy lái máy bay Epic Flight Academy tại Mỹ cũng công bố chương trình đào tạo.
Chi phí đào tạo phi công của trường Epic Flight Academy ở Mỹ, chưa bao gồm vé máy bay, chi phí ăn ở. Từ 57.937 USD (1,2 tỷ đồng). |
Khi đăng ký học tại trường này, học viên sẽ trải qua toàn bộ khóa đào tạo tại Mỹ. Chi phí học chưa bao gồm Visa, vé máy bay, ăn ở khoảng 1,2 tỷ đồng. Ngoài ra, học viên còn mất thêm vài nghìn USD nữa các chi phí như kiểm tra, sách vở, học liệu, dụng cụ, mũ bảo hiểm…
Không phải ai cũng có đủ tiền ngay để tham dự các khóa học đắt đỏ nói trên. Để theo đuổi giấc mơ buồng lái và kỳ vọng thu nhập cao trong tương lai, nhiều gia đình đã phải bán nhà, vay ngân hàng cho con em đi học. Chẳng hạn các học viên của trường Bay Việt hiện được 3 ngân hàng nhận cho vay 85-100% nhu cầu. Theo các cơ sở đào tạo, học viên khá dễ vay vốn ngân hàng vì mức lương sau khi tốt nghiệp có thể đảm bảo việc trả nợ.
Với hình thức tự túc, các phi công sau khi ra trường có thể xin vào làm ở bất cứ hãng nào. Còn với những ai do hãng cử đi đào tạo, phải ký hợp đồng với điều khoản ràng buộc làm việc trong một khoảng thời gian nhất định, nếu không sẽ phải bồi thường chi phí đào tạo.
Tuy nhiên, bồi thường bao nhiêu vẫn còn là vấn đề khiến các hãng đau đầu. Gần đây, khi mới có hiện tượng phi công nghỉ việc để chuyển sang hãng khác, Vietnam Airlines tỏ ra lúng túng trong việc tính toán chi phí bồi thường. Theo Tổng giám đốc Phạm Ngọc Minh, hãng sẽ phải tính toán lại.
“Cũng vì chưa tính được con số bồi thường, tất cả những phi công vừa nghỉ việc để chuyển sang hãng khác vừa qua đều chưa được Vietnam Airlines chấm dứt hợp đồng lao động”, ông Phạm Ngọc Minh cho biết.
Đồng tình với quan điểm này, người đứng đầu Cục Hàng không – ông Lại Xuân Thanh cũng cho biết từ sự việc tại Vietnam Airlines, Cục sẽ xây dựng các hành lang pháp lý để phi công có thể chuyển từ hãng này sang hãng khác, “tương tự như việc chuyển nhượng cầu thủ bóng đá”.
Thanh Bình