Ông Ngô Xuân Tuân trước căn nhà thuộc dự án kênh Tẻ – Ảnh: D.N.Hà
Ðến năm 2013, ban bồi thường giải phóng mặt bằng Q.7 giao cho tôi bản chiết tính bồi thường nháp với tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ của căn nhà là 1,040 tỉ đồng. Sau lần làm việc đó, tôi không thấy ban bồi thường mời đến nhận tiền, tôi cũng chưa nhận được bản chiết tính và quyết định bồi thường chính thức.
Ðến cuối năm 2014, cũng chuyên viên ban bồi thường giải phóng mặt bằng Q.7 mời tôi đến lần nữa và đưa cho tôi bản chiết tính mới với tổng số tiền bồi thường giải phóng mặt bằng của căn nhà tôi còn hơn 328 triệu đồng. Tôi thắc mắc thì được chuyên viên này giải thích rằng bản chiết tính năm 2013 chưa có hiệu lực, chưa được ký…
Tôi đọc kỹ hai bản chiết tính cách nhau một năm thì phát hiện cách xác định thời điểm sử dụng đất và xác nhận của UBND Q.7 cho diện tích nhà tôi khác nhau rất nhiều. Cụ thể, bản chiết tính năm 2013 xác nhận nhà tôi có 13,5m² đất ở được bồi thường 100% giá đất, 40m² là đất kênh rạch sử dụng từ trước ngày 15-10-1993.
Nhưng trong bản chiết tính năm 2014 không có 13,5m² đất ở, 40m² đất thì được hỗ trợ theo mức đất lấn chiếm kênh rạch từ ngày 15-10-1993 đến trước ngày 22-4-2002. Chính vì sai lệch trong cách xác định này mà tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ việc di dời căn nhà của tôi giảm đáng kể.
Tôi thấy cách xác định thời điểm sử dụng nhà theo bản chiết tính năm 2013 mới đúng vì nhà tôi mua bằng giấy tay của chủ cũ trước ngày 15-10-1993. Ðến năm 1994, căn nhà bị cháy nên toàn bộ giấy tờ mua bán không còn nữa. Bên cạnh đó số tiền bồi thường, hỗ trợ 328 triệu đồng quá ít, gia đình tôi không thể mua lại một chỗ ở khác.
Ngô Xuân Tuân (P.Tân Kiểng, Q.7, TP.HCM)
* Ông Phạm Duy Khoa (trưởng ban bồi thường giải phóng mặt bằng Q.7):
Bản chiết tính sơ bộ xác định sai pháp lý nhà đất
Năm 2013, ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận có chiết tính sơ bộ tổng giá trị bồi thường giải phóng mặt bằng căn nhà thuộc dự án kênh Tẻ của ông Ngô Xuân Tuân theo văn bản xác định loại đất của Phòng Tài nguyên – môi trường Q.7. Bản chiết tính sơ bộ này là để ban bồi thường báo cáo với UBND quận.
Các chuyên viên trong tổ công tác có thông báo với ông Tuân về nội dung bản chiết tính nhằm mục đích nhờ chủ nhà kiểm tra những hạng mục công trình, bảng kê tài sản trong bản chiết tính để tránh sai sót khi ban hành bản chiết tính chính thức. Bản chiết tính năm 2013 chưa có giá trị pháp lý.
Sau đó, UBND Q.7 xác định lại trên nền bản đồ địa chính (được lập năm 1993) thấy khác so với kết quả xác định trước đó và đã tiến hành xác định lại cho đúng. Theo tài liệu do các cơ quan chức năng Q.7 cung cấp thì năm 1993, khu vực nhà của ông Tuân vẫn còn là rạch.
Như vậy, căn nhà trên không thể có trước ngày 15-10-1993 như ông Tuân cung cấp được. Áp trên bản đồ được lập thì toàn bộ nhà ông Tuân nằm trên rạch. Như vậy, chỉ có khả năng người dân cải tạo rạch thành đất sau năm 1993. Theo quy định, đất do san lấp rạch chỉ được hỗ trợ 30% trên diện tích không quá 40m².
Trong dự án di dời nhà ở ven kênh Tẻ, có khoảng 10 hộ dân được thông báo bản chiết tính bồi thường giải phóng mặt bằng sơ bộ vào năm 2013 như ông Tuân và sau đó có thay đổi về giá trị bồi thường giải phóng mặt bằng.
Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận đã giải thích với những hộ dân này và người dân đã hiểu rõ. Trường hợp ông Tuân thì ban bồi thường chưa nhận được phản ảnh. Ban bồi thường sẽ mời ông Tuân đến tiếp xúc, có văn bản giải thích và xin lỗi ông Tuân về việc này.
Tại khu vực nhà ông Tuân có bảy trường hợp phải xác định lại nguồn gốc và thời điểm sử dụng đất, hiện đã có bốn hộ đồng ý nhận tiền hỗ trợ nhà trên kênh.
D.Ngọc Hà (Tuổi trẻ)
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: banbientap@cafeland.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.