Tại hội thảo “Kinh tế Việt Nam đến năm 2025: Cơ hội và thách thức”, do Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia (NCIF) tổ chức cuối tuần qua, ông Dũng cho biết tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam bắt đầu xu thế giảm từ năm 2007. Tới 2012, con số này đã ở mức thấp nhất 15 năm. Từ 2013, tăng trưởng cao hơn trước, nhưng vẫn chưa như kỳ vọng.
Nguyên nhân là các tác động tăng trưởng truyền thống đã tới hạn, nền kinh tế mất cân đối và kém hiệu quả. Tăng trưởng dựa nhiều vào vốn và lao động, hiệu quả đầu tư thấp. Thứ trưởng Dũng nêu ra hàng loạt câu hỏi, như Việt Nam đang nằm ở đâu, đi tới đâu, đi bằng cách nào trong 10 năm tới. Tại sao trong bối cảnh như nhau, các nước vẫn phát triển tốt, còn ta vẫn chậm và mong manh…?
Thu nhập bình quân của người Việt hiện vào khoảng 1.910 USD một năm. Ảnh: Tiền Phong |
“Trong khu vực ASEAN, GDP bình quân đầu người của Việt Nam chỉ hơn Lào, Campuchia, Đông Timor, Myanmar. Nếu vẫn phát triển như hiện nay, các nước này chỉ mất 3-5 năm tới là vượt, đó là điều đáng buồn. Đã tới lúc kinh tế nước ta cần thay đổi để phù hợp với yêu cầu phát triển”, ông Dũng nói.
GS-TS Nguyễn Mại (nguyên Thứ trưởng KH&ĐT) cho biết GDP chỉ tăng 5-6% mỗi năm là quá tụt hậu. Theo ông, trong các dự án đầu tư công, lãng phí và tham nhũng đã chiếm tới 30-40% tổng vốn đầu tư một dự án. Chỉ cần giảm một nửa số đó có thể tăng thêm 1-2% GDP, hay bớt đi một tập đoàn, tổng công ty bê bối cũng đủ.
TS Phạm Chi Lan cho rằng, lâu nay chúng ta quá coi trọng các doanh nghiệp nộp nhiều thuế mà quên các doanh nghiệp nhỏ trong nước, “quên” so sánh số thuế thu được với những nguồn lực, ưu đãi doanh nghiệp đó nhận được. Bà cho biết các tập đoàn nhà nước, hay FDI lớn… có thể đóng góp cho ngân sách hàng nghìn tỷ đồng, nhưng những ưu đãi miễn thuế, ưu tiên nguồn lực cho họ cũng trị giá tương đương.
Thực tế, các chính sách không phân biệt loại hình doanh nghiệp, nhưng khi triển khai thường ưu tiên khối nhà nước hơn tư nhân. Ngoài ra, vai trò doanh nghiệp tư nhân rất quan trọng trong nền kinh tế, nhưng kinh tế nhà nước mới là chủ đạo. Kết quả, doanh nghiệp tư nhân bị “tận thu thuế”, mà không được nuôi dưỡng nguồn thu (bằng các chính sách ưu đãi).
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2013, GDP bình quân đầu người của Việt Nam là 1.910 USD một năm. Con số này tại Lào là 1.645 USD, Campuchia là 1.007 USD và Myanmar 900 USD.
(theo Tiền Phong)