Xáo trộn dường như đang lan ra cả thế giới, khi nhiều nước mới nổi khác cũng cảm nhận được sức nóng. Financial Times đã phân tích tình hình hiện tại của Nga và dự báo diễn biến sắp tới.
1. Lãi suất tăng mà không chặn được đà giảm của đồng rouble
Rouble Nga liên tục xuống đáy ngày hôm qua. Ảnh: Bloomberg |
Sáng sớm qua, Ngân hàng trung ương Nga nâng lãi suất cơ bản từ 10,5% lên 17%, mạnh nhất trong 16 năm, nhằm ngăn đồng rouble lao dốc thêm. Tuy nhiên, nhà đầu tư lại coi đây là dấu hiệu của sự hoảng loạn và càng bán tháo tiền tệ Nga. Tối thứ Hai, mỗi đôla Mỹ đổi được 59 rouble Nga. Nhưng đến tối qua, con số này đã xuống 80, trước khi hồi phục lên 68 sau đó.
2. Giá dầu tiếp tục bóp nghẹt kinh tế Nga
Những người muốn tìm lời giải thích cho sự bán tháo của đồng rouble nên nhìn vào giá dầu. Dầu thô Brent giao tháng 1 trên sàn ICE London đã xuống dưới 60 USD một thùng hôm qua, lập đáy 5,5 năm mới và chỉ bằng nửa giá 6 tháng trước. Dầu khí đóng góp tới ba phần tư xuất khẩu của Nga và hơn nửa ngân sách nước này.
Vì thế, trừ phi giá dầu hồi phục nhanh, nếu không, rouble sẽ còn xuống thấp trong thời gian dài. Mà theo FT, có vẻ việc này sẽ chẳng xảy ra sớm.
3. Chứng khoán và trái phiếu lao dốc
Chứng khoán Nga hôm qua giảm mạnh nhất thế giới khi nhà đầu tư lo ngại biến động kinh tế sẽ khiến người gửi đổ xô đến các ngân hàng rút tiền, và đồng rouble lao dốc làm tăng chi phí của các hãng nhập khẩu. Chỉ số RTS đã mất 12% trong phiên hôm qua, mạnh nhất từ cuối năm 2008. Còn Micex giảm 8,1% trước khi phục hồi về cuối phiên. Vốn hóa nhà băng lớn nhất nước – Sberbank bốc hơi 2,1 tỷ USD sau nhiều bằng chứng cho thấy người Nga đổ xô mua USD khi đồng rouble xuống giá kỷ lục.
Lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Nga cũng tăng hơn 2% lên 15,4% hôm qua. Đây là mốc cao nhất từ đầu năm 2007. Còn lãi suất trái phiếu quốc tế niêm yết bằng USD kỳ hạn tương đương cũng tăng 0,4% lên 7,55%.
4. Lạm phát khó kiểm soát
Lạm phát (tính theo năm) Nga đã lên 9,1% trong tháng 11. Nhưng với đà giảm của đồng rouble hiện tại, giá nhập khẩu sẽ còn cao nữa, khiến nhiều nhà kinh tế học nhận định lạm phát Nga sẽ ở mức 2 chữ số đầu năm tới. Việc này sẽ khiến túi tiền của người dân co lại, đặt gánh nặng lên tiêu dùng. Nó cũng sẽ khiến công việc của Ngân hàng trung ương Nga khó khăn hơn. Cơ quan này đặt mục tiêu 4% trong dài hạn. Nhưng việc này sẽ rất khó đạt được, trừ phi nội tệ bình ổn.
5. Tăng trưởng giảm sút
Kinh tế Nga đã tăng trưởng chậm lại trong năm nay, dưới sức ép của đồng rouble và các lệnh trừng phạt của phương Tây do cuộc khủng hoảng Ukraine. Nhưng kể cả mục tiêu tăng trưởng 0% năm tới cũng còn khó, nếu dầu thô vẫn duy trì mức giá hiện tại. Trong một thông báo tuần này, Ngân hàng trung ương Nga dự đoán nền kinh tế sẽ co lại 4,5% năm tới và 0,9% năm 2016. Chỉ đến năm 2017, tình hình mới đảo chiều khi Nga tăng trưởng 5,6%.
Ngân hàng trung ương Nga đã chi khá mạnh tay năm nay để cứu đồng rouble, khi dự trữ ngoại hối của họ giảm gần 100 tỷ USD so với hồi đầu năm, xuống 400 tỷ USD. Tháng trước, Thống đốc Nga – Elvira Nabiullina đã tuyên bố sẽ thả nổi đồng rouble và chỉ can thiệp khi cần thiết để ngăn chặn khủng hoảng. Tuy nhiên, gần đây, cơ quan này đã can thiệp trở lại với quy mô hạn chế. Lãi suất được dùng làm công cụ chính. Tuy nhiên, sự thất bại hôm qua có lẽ sẽ khiến họ phải nghĩ lại. Mà theo nhiều nhà kinh tế học, có thể Nga sẽ tìm đến kiểm soát vốn.
Trước tình hình này, nhiều người Nga đã bắt đầu liên tưởng đến cuộc khủng hoảng tài chính 1998. Khi ấy, đồng rouble cũng phá đáy, lãi suất tăng lên trên 100% và đẩy Nga vào cảnh vỡ nợ. Cuối cùng, IMF đã phải vào cuộc cứu trợ và hoạt động kiểm soát vốn được thiết lập.
“Tôi nhớ rất rõ tình hình năm 1998 và chúng ta thực sự đang quay lại thời kỳ đó”, Egor Fedorov – nhà phân tích tín dụng tại ING Bank cho biết trên BBC.
Hiện nay, dự trữ ngoại hối và tài chính Nga tốt hơn nhiều so với 16 năm trước. Nhưng khi đồng rouble rơi tự do và Ngân hàng trung ương rõ ràng không thể phản ứng lại được thị trường, vấn đề đang ngày một rõ ràng.
Nhà kinh tế học Sergei Guriev cho biết: “Thị trường không còn tin tưởng Ngân hàng trung ương nữa rồi. Tình hình đang thay đổi theo từng giờ”. Còn cựu Phó thống đốc Sergey Aleksashenko nhận định diễn biến hiện tại còn trầm trọng hơn xưa, do quá phức tạp. “Thời đó thực sự quá kinh khủng, nhưng ít ra các sai lầm khi ấy còn dễ phát hiện và Chính phủ biết mình cần làm gì”, ông nói.
Hà Thu