Ông Lê Đức Thọ chia sẻ, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều thông tư, quy định liên quan đến giám sát, kiểm soát hoạt động của các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng. Thông tư 36 được ban hành giúp tiếp tục hoàn thiện và tăng cường khuôn khổ pháp lý để kiểm soát tốt hơn hoạt động ngân hàng, nâng cao hiệu quả quản trị điều hành, hạn chế rủi ro, giúp hệ thống ngân hàng phát triển bền vững.
Ông Lê Đức Thọ, Tổng giám đốc VietinBank. |
Đối với quy định cấp tín dụng đầu tư kinh doanh cổ phiếu, trước đây Ngân hàng Nhà nước quy định tổng dư nợ cho vay chiết khấu giấy tờ có giá, đầu tư chứng khoán không vượt quá 20% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng, nay quy định tổng đầu tư vào kinh doanh cổ phiếu không quá 5% vốn điều lệ. Tổng giám đốc VietinBank cho biết: “Theo tôi, điều khoản này là cần thiết, giúp kiểm soát tốt hơn sở hữu, nhất là sở hữu chéo giữa các ngân hàng, giữa ngân hàng và doanh nghiệp, hơn cả là giúp hệ thống ngân hàng tiệm cận gần hơn với thông lệ của thế giới”. Quy định này thể hiện được yêu cầu của nhà quản lý và cần thiết với thị trường hiện nay. Tại VietinBank, dư nợ cho vay đầu tư kinh doanh cổ phiếu chỉ chiếm 1% vốn điều lệ, so với giới hạn 5%.
Thông tư 36 cũng quy định ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao trên 3% sẽ không được cho vay chứng khoán. Ông Lê Đức Thọ cho biết, điều này là cần thiết, những ngân hàng có chất lượng hoạt động tốt mới được cho vay chứng khoán. Nếu thực hiện đúng quy định này, vốn của hệ thống ngân hàng sẽ được đảm bảo và không ảnh hưởng tới tăng trưởng tín dụng.
Đối với VietinBank, bên cạnh đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, ngân hàng đã kiểm soát chặt chẽ trong tất cả các khâu kinh doanh để đảm bảo tăng tín dụng phải đi liền với hiệu quả và an toàn vốn. Ngân hàng áp dụng nhiều biện pháp để thu hồi tối đa nợ hoặc tái cơ cấu khoản nợ, giúp doanh nghiệp có điều kiện tồn tại và cơ thể mở rộng phát triển. Nhà băng đồng thời kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng, phân loại nợ theo đúng quy định, tăng cường khả năng trích lập dự phòng rủi ro. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng đến hết tháng 10 là 1,35% trên tổng dư nợ; nợ nhóm 2 là 0,31% trong tổng dư nợ, chất lượng tín dụng được kiểm soát.
Thị trường tài chính phát triển chưa cân xứng, đặc biệt là thị trường trái phiếu, cổ phiếu còn hạn chế nên các doanh nghiệp tiếp cận qua các thị trường này để khai thác các nguồn vốn vẫn còn giới hạn. Trên thực tế, nguồn vốn mà các doanh nghiệp phục vụ sản xuất kinh doanh vẫn phụ thuộc nhiều vào hệ thống ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước đã quyết định nới tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn lên 60%, cao gấp đôi so với mức 30% hiện hành. Nhận định về quyết định này, ông Thọ cho rằng: “Sự điều chỉnh này phù hợp với điều kiện thực tế của thị trường hiện nay, giúp ngân hàng thương mại có thể hỗ trợ tích cực hơn nữa cho quá trình phát triển của doanh nghiệp”.
Tuy nhiên, so với trước, quy định lần này đưa giới hạn lên 60% nguồn vốn ngắn hạn được cho vay trung và dài hạn là tính trên cơ sở thời hạn còn lại của nguồn vốn và của tài sản. “Cách tính này sẽ đầy đủ hơn cũng như đáp ứng được yêu cầu về mặt quản trị giữa tài sản nợ và tài sản có của ngân hàng phù hợp hơn với thông lệ quốc tế. Ngân hàng Nhà nước sẽ giám sát chặt chẽ tỷ lệ này và sẽ được điều chỉnh vào những thời điểm thích hợp, khi thị trường thay đổi thì có thể chính sách này sẽ thay đổi để phù hợp với yêu cầu thực tế”, Tổng giám đốc VietinBank cho hay.
VietinBank đã đưa ra các chương trình, các sản phẩm huy động mới để khai thác tốt hơn các nguồn vốn trung và dài hạn bằng VND vào hệ thống. Cùng với những quy định của Ngân hàng Nhà nước và phát triển của thị trường tài chính, hệ thống ngân hàng sẽ phát triển bền vững hơn. VietinBank có các biện pháp quản trị chặt chẽ sự cân đối giữa tài sản nợ và tài sản có của ngân hàng, trên cơ sở nhu cầu sử dụng về quy mô, cơ cấu, tốc độ tăng trưởng để thiết kế các tài sản nợ một cách phù hợp. Ngoài ra, VietinBank tuân thủ nghiêm túc các quy định của Ngân hàng Nhà nước cũng như hướng tới các thông lệ quốc tế.
(Nguồn: VietinBank)