Tháo gỡ khó khăn cho những dự án để đất “hoang hóa” ở Hưng Yên

Khu đất hơn 3 ha ở thôn Ngọc Loan, xã Tân Quang của công ty cơ khí Văn Lâm bỏ “hoang” nhiều năm nay.

Anh Nguyễn Huy Tuyển đưa tôi đến thôn Ngọc Loan, xã Tân Quang, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên chỉ khu đất hoang, được quây một phần bằng tường gạch, bên trong cỏ mọc um tùm, bức xúc nói: Đây là cánh đồng bờ xôi, ruộng mật của thôn, chuyên trồng những cây có giá trị cao; năm 2008, nông dân đã bàn giao cho công ty cơ khí Văn Lâm hơn 3 ha ruộng để xây dựng nhà máy. Từ khi ruộng được bàn giao đến bây giờ, nhà máy chẳng thấy đâu, chỉ thấy cỏ mọc um tùm, là nơi trú ngụ của chuột, sâu bệnh, phá hoại mùa màng của nhà nông. Chủ tịch UBND xã Tân Quang, Nguyễn Huy Lập cho biết: xã Tân Quang đã tiếp nhận khoảng 100 dự án đầu tư, nông dân đã bàn giao 146 ha đất ruộng cho các dự án (tổng số đất canh tác của xã 368ha) nhiều dự án triển khai bảo đảm tiến độ, phát huy hiệu quả, tạo nhiều công ăn việc làm cho lao động trong xã, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và nâng cao thu nhập của nhân dân. Tuy nhiên cũng có một số dự án triển khai chậm, không hiệu quả, phải chuyển nhượng một phần, hoặc toàn bộ đất cho doanh nghiệp khác; đặc biệt có những dự án để đất “hoang hóa” nhiều năm nay, trong khi nông dân thiếu ruộng sản xuất dẫn đến những bức xúc ở nông thôn, nông dân đã kiến nghị lên tận HĐND tỉnh nhưng chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng.

Tại khu đô thị Thăng Long thuộc địa bàn huyện Yên Mỹ rộng hơn 100 ha, tiến độ triển khai dự án nhiều năm bị đình trệ, phần lớn diện tích đất để “hoang”; Chủ tịch HĐQT công ty CP đầu tư bất động sản và thương mại Thăng Long, Nguyễn Thế Phong phân trần: Năm 2006 công ty nhận bàn giao khoảng 200 ha đất để xây dựng khu đô thị; nhưng theo yêu cầu của tỉnh, công ty điều chỉnh dự án “nhượng” lại 100ha cho khu công nghiệp Thăng Long II. Sau đó, do ảnh hưởng khủng khoảng kinh tế, thị trường bất động sản tụt dốc, việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng khó khăn; việc xác định đầu tư xây dựng tuyến đường theo quy định đổi đất lấy cơ sở hạ tầng thay đổi nhiều lần, chưa xong…. đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án.

Trưởng phòng Tài Nguyên và môi trường huyện Kim Động, Nguyễn Viết Quý nhận định: Những dự án để đất “hoang hóa” đã ảnh hưởng đến môi trường đầu tư chung, việc giao đất phát triển công nghiệp, đô thị sẽ khó khăn hơn; khắc phục, hạn chế tình trạng này huyện Kim Động đã tăng cường kiểm tra, rà soát các dự án đầu tư trên địa bàn, đôn đốc, kiến nghị, cùng nhà đầu tư tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số dự án đất bỏ hoang, thậm chí có dự án chuyển nhượng cho chủ đầu tư mới nhưng kết cục đất vẫn “hoang hóa”.

Theo Sở tài nguyên và môi trường Hưng Yên, qua thanh, kiểm tra tình hình sử dụng đất các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh từ năm 2010- 2013; đã có 57 dự án không có nhu cầu sử dụng đất, xin rút trước thời hạn, hoặc chuyển nhượng tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất; có 33 dự án triển khai chậm tiến độ và có 5 dự án bị thu hồi do vi phạm luật đất đai. Việc nhiều dự án chậm triển khai, để đất “hoang hóa” do; chủ đầu tư tiềm lực tài chính có hạn, dự án không khả thi, nền kinh tế gặp khó khăn, lãi suất ngân hàng cao, doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn, chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng thay đổi liên tục về giá và cơ chế, chất lượng thẩm định dự án còn nhiều hạn chế; có hiện tượng nhà đầu tư lập dự án, thuê đất để “găm đất” trục lợi. Việc xử lý vi phạm về sử dụng đất có khó khăn do tiến độ thực hiện dự án và tiến độ sử dụng đất giữa Luật Đầu tư và Luật Đất đai chưa thống nhất; chưa có chế tài xử lý các doanh nghiệp hết thời gian ổn định giá thuê đất 5 năm mà không đến để xác định lại đơn giá thuê đất và ký hợp đồng thuê đất…

Hưng Yên là tỉnh có vị trí nằm ở trung tâm đồng bằng sông Hồng, có hệ thống giao thông phát triển đã thu hút được hơn 1130 dự án của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, với tổng vốn đầu tư khoảng 70 nghìn tỷ đồng và và 2,5 tỷ USD; trong đó, có 704 dự án đã đi vào hoạt động, tạo công ăn việc làm cho hơn 115 nghìn lao động ở tỉnh Hưng Yên. Để nâng cao chất lượng quản lý và hiệu quả sử dụng đất, tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, tỉnh Hưng Yên nên kiểm tra, rà soát, đôn đốc, phân loại, đánh giá những dự án triển khai chậm trên cơ sở đó đôn đốc, tạo điều kiện về thủ tục hành chính, cơ chế, chính sách để các chủ dự án đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án theo cam kết. Tổ chức đối thoại giữa các chủ đầu tư với các cơ quan quản lý, chính quyền các cấp, tổ chức tín dụng để tháo gỡ khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng, tiền thuê đất, vốn … Đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, tiếp tục cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho việc chuyển nhượng một phần, hoặc toàn bộ dự án không khả thi, không có nhu cầu sử dụng đất cho các chủ đầu tư mới. Đối với các dự án chưa được bàn giao đất, hoặc đã bàn giao đất chưa san lấp mặt bằng, chưa xây dựng nhà xưởng, chậm triển khai thực hiện dự án; những dự án đã hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng chưa sử dụng hết diện tích đất thuê, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp tục thông báo đôn đốc và có kế hoạch thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý những vi phạm về sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

Phạm Hà (Nhân dân)

Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: banbientap@cafeland.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.

Để lại một bình luận

0913.756.339