Hoàn thiện hệ thống thể chế quản lý nhà nước
Thưa Bộ trưởng, năm 2014, công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế quản lý nhà nước ngành xây dựng được tập trung thực hiện với những quan điểm, tư tưởng đổi mới căn bản, mang tính đột phá, từng bước đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng, góp phần tích cực nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Xin Bộ trưởng nói cụ thể hơn về vấn đề này?
– Đúng vậy! Năm 2014 là năm mà Bộ đã tập trung cao độ cho công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống thể chế quản lý nhà nước. Trong đó, đặc biệt đã hoàn thiện để trình Quốc hội thông qua 3 dự án Luật quan trọng, bao gồm: Luật Xây dựng (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi), với những quan điểm, tư tưởng đổi mới căn bản, mang tính đột phá. Điểm mới nhất của các luật này là cách tiếp cận khoa học, căn cứ trên tình hình thực tiễn của đất nước, có tham khảo, vận dụng chọn lọc kinh nghiệm của các nước trong khu vực và trên thế giới. Các luật này đã khắc phục được tư tưởng “thị trường hóa” cũng như tư tưởng “hành chính hóa” trong quản lý nhà nước ngành xây dựng.
Luật Xây dựng (sửa đổi) có nội dung đổi mới căn bản là phân biệt rõ các dự án đầu tư xây dựng sử dụng các nguồn vốn khác thì có phương thức quản lý khác nhau. Đối với các dự án có sử dụng vốn nhà nước thì cơ quan quản lý nhà nước phải quản lý chặt chẽ theo nguyên tắc “tiền kiểm” nhằm nâng cao chất lượng công trình, chống thất thoát lãng phí và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư; đối với các dự án sử dụng vốn ngoài nhà nước thì Nhà nước tập trung kiểm soát về quy hoạch, quy chuẩn tiêu chuẩn, chất lượng, an toàn, bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ, còn các nội dung khác thì giao quyền chủ động cho người quyết định đầu tư và chủ đầu tư, nhằm tạo sự chủ động, thu hút tối đa các nguồn lực thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng. Đồng thời tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, đặc biệt là việc kiểm soát, quản lý chất lượng và chi phí xây dựng ở tất cả các khâu của quá trình đầu tư xây dựng thông qua việc thẩm định dự án, thẩm định thiết kế và dự toán, cấp phép xây dựng, quản lý năng lực hành nghề xây dựng, kiểm tra việc nghiệm thu công trình trước khi đưa vào khai thác sử dụng
Đối với Luật Nhà ở (sửa đổi) đã điều chỉnh, bổ sung các quy định để phát triển đa dạng và hài hòa các loại hình nhà ở phù hợp với nhu cầu và khả năng thanh toán của từng nhóm đối tượng người dân trong xã hội, đặc biệt là chính sách phát triển nhà ở xã hội cho người nghèo, người thu nhập thấp. Đây chính là cụ thể hóa quan điểm của Đảng, Nhà nước về phát triển nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa. Trong đó, vừa phát triển thị trường tạo động lực, vừa phải thực hiện mục tiêu vì con người, phải phân phối điều tiết lại để những người khó khăn có cuộc sống chất lượng tốt hơn, để thể hiện sự ưu việt của chế độ nhưng đồng thời đây cũng là bước để cụ thể hóa Hiến pháp là quyền có chỗ ở của con người và Nhà nước phải có chính sách để cải thiện nhà ở cho người dân. Luật Nhà ở 2014 cũng mở rộng đối tượng và nới lỏng điều kiện cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam để nhằm thu hút nhân tài, nguồn lực, kinh nghiệm cho đầu tư, phát triển đất nước. Quy định cụ thể về thời hạn sử dụng nhà chung cư. Bổ sung thêm một số quy định để quản lý chặt chẽ nhà ở công vụ…
Luật Kinh doanh BĐS 2014 đã bổ sung các quy định vừa mở rộng phạm vi, vừa tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh BĐS để kiểm soát thị trường phát triển ổn định và lành mạnh như: Bãi bỏ quy định bắt buộc DN kinh doanh BĐS phải giao dịch qua sàn giao dịch BĐS. Mở rộng phạm vi kinh doanh BĐS cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam nhằm huy động các nguồn lực về vốn, công nghệ, kinh nghiệm, phục vụ cho phát triển thị trường trong nước. Quy định kinh doanh BĐS phải thành lập DN, tăng vốn pháp định tối thiểu của DN kinh doanh BĐS. Quy định chủ đầu tư dự án phải được tổ chức tài chính, tổ chức tín dụng bảo lãnh khi bán, cho thuê BĐS hình thành trong tương lai, nhằm bảo vệ quyền lợi của khách hàng là người mua, thuê BĐS…
Bên cạnh đó Bộ cũng đã tập trung rà soát, sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn tiêu chuẩn, định mức kinh tế – kỹ thuật trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Ngành.
Có thể nói, các cơ chế chính sách mới ban hành với những quan điểm, tư tưởng đổi mới, được các cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng DN, người dân và xã hội đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao, từng bước đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng, góp phần tích cực nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư xây dựng
Những nỗ lực của ngành trong công tác chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng và nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng công trình xây dựng đã được thực hiện như thế nào và đạt kết quả cụ thể gì, thưa Bộ trưởng?
– Trong năm qua ngành xây dựng cũng đã tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng. Thông qua thẩm tra thiết kế, dự toán của các cơ quan chuyên môn theo quy định tại Nghị định số 15/2013/NĐ-CP đã khắc phục được các khiếm khuyết về chất lượng trước khi đưa công trình vào khai thác, sử dụng. Tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước…
Theo báo cáo của 61 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong năm 2014 đã thực hiện thẩm tra 15.341 công trình, tỷ lệ hồ sơ thiết kế phải sửa đổi, bổ sung chiếm khoảng 43,8% tổng số hồ sơ được thẩm tra, tổng giá trị dự toán trước thẩm tra khoảng 108.240 tỷ đồng, giá trị cắt giảm sau khi thẩm tra là 5.833 tỷ đồng (tương đương 5,39%).
Sang năm 2015, Luật Xây dựng (sửa đổi) có hiệu lực với hàng loạt các quy định mới như: Phân biệt rõ các dự án đầu tư xây dựng sử dụng các nguồn vốn khác thì có phương thức quản lý khác nhau; tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, đặc biệt là việc kiểm soát, quản lý chất lượng và chi phí xây dựng ở tất cả các khâu của quá trình đầu tư xây dựng thông qua việc thẩm định dự án, thẩm định thiết kế và dự toán, cấp phép xây dựng, quản lý năng lực hành nghề xây dựng, kiểm tra việc nghiệm thu công trình trước khi đưa vào khai thác sử dụng; đổi mới mô hình quản lý dự án theo hướng chuyên nghiệp hóa, áp dụng các mô hình ban quản lý dự án chuyên ngành, ban quản lý dự án khu vực để quản lý các dự án có sử dụng vốn nhà nước. Với các quyết định mới này chắc chắn sẽ góp phần tích cực chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng, nâng cao chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.
Để người nghèo phải có nhà để ở
Năm qua, Chương trình phát triển nhà ở xã hội cho các đối tượng có khó khăn về nhà ở và thu nhập được dư luận đánh giá cao. Bộ trưởng chia sẻ gì về những kết quả này? Để tiếp tục thực hiện hiệu quả các chương trình này, Bộ Xây dựng có những giải pháp gì, thưa Bộ trưởng?
– Thời gian vừa qua, công tác phát triển nhà ở theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia tiếp tục được đẩy mạnh, ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu nhà ở người dân, đặc biệt các đối tượng người có công, người nghèo ở khu vực thường xuyên bị bão, lũ, ngập lụt, người thu nhập thấp đô thị có khó khăn về nhà ở. Điển hình như: Chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, đến tháng 12/2014 đã thực hiện hỗ trợ cải thiện nhà ở cho 40.809 hộ gia đình; chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ ĐBSCL (giai đoạn 2) đã bố trí cho 42.792/56.520 hộ dân vào bờ; chương trình hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh lũ, lụt khu vực miền Trung sẽ hỗ trợ cho 40.500 hộ gia đình…
Riêng đối với các dự án phát triển nhà ở xã hội khu vực đô thị: Đến nay, cả nước đã hoàn thành đầu tư xây dựng 102 dự án nhà ở xã hội, trong đó có 38 dự án nhà ở cho người thu nhập thấp, quy mô xây dựng 19.686 căn hộ; 64 dự án nhà ở cho công nhân, với quy mô xây dựng 20.277 căn hộ. Hiện đang tiếp tục triển khai 150 dự án, trong đó có 91 dự án nhà ở cho người thu nhập thấp, quy mô xây dựng khoảng 55.830 căn hộ; 59 dự án nhà ở cho công nhân, quy mô xây dựng khoảng 66.753 căn hộ. Chương trình phát triển nhà ở sinh viên đã có 75 dự án hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng, giải quyết chỗ ở cho khoảng 145.000 sinh viên.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình nhà ở xã hội, trong thời gian tới Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục chủ trì phối hợp cùng các bộ ngành, địa phương thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia và các quy định được cụ thể hóa trong Luật Nhà ở sửa đổi mới được Quốc hội thông qua, ví dụ như: Có chế tài bắt buộc các DN khi tham gia phát triển nhà ở thương mại phải có trách nhiệm phát triển một tỷ lệ là 20% nhà ở xã hội, giao Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện huy động và cho vay vốn để người có thu nhập thấp vay vốn mua nhà với lãi suất hợp lý và thời gian dài. Mở rộng thêm đối tượng được vay vốn hỗ trợ nhà ở và kéo dài thời hạn vay từ 10 năm lên thành 15 năm đối với các đối tượng vay vốn để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; tiếp tục trình Chính phủ phê duyệt các chương trình hỗ trợ nhà ở cho các nhóm đối tượng chính sách như nhà ở cho người có công, nhà ở nhân dân vùng bão lũ miền Trung, nhà ở theo Chương trình 167…
Nhà ở xã hội là sự cố gắng rất lớn của Chính phủ và các bộ, ngành, các địa phương. Tuy nhiên, nhu cầu nhà ở xã hội là rất lớn. Việc phát triển nhà ở xã hội không chỉ trong một vài năm, không chỉ trong ngắn hạn mà là lâu dài, đòi hỏi chúng ta phải tập trung, quyết liệt, đưa các chương trình nhà ở xã hội trở thành mục tiêu, tiêu chí, một nhiệm vụ chính trị của mỗi ngành, mỗi địa phương, có như vậy việc phát triển nhà ở xã hội mới thực sự đi vào thực chất và mang lợi ích đến với người dân.
Cũng là vấn đề về nhà ở, nhưng là mảng BĐS. Dư luận xã hội đã nhìn nhận, việc thực hiện những giải pháp mà Bộ Xây dựng cùng các bộ, ngành đưa ra để tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS đã phát huy tác dụng, hiệu quả. Thị trường BĐS đang trên đà phục hồi tích cực. Bộ trưởng bình luận gì về nhận định này?
– Việc thực hiện kiên định, đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS gắn với thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia theo tinh thần Nghị quyết số 02/NQ-CP đã đạt được những kết quả tích cực. Thị trường đã bắt đầu có dấu hiệu hồi phục từ những tháng cuối năm 2013. Trong năm 2014, thị trường BĐS tiếp tục đà phục hồi tích cực, thể hiện qua lượng giao dịch tăng; giá cả tương đối ổn định; lượng tồn kho BĐS tiếp tục giảm; cơ cấu hàng hóa BĐS chuyển dịch theo hướng hợp lý, phù hợp hơn với nhu cầu của thị trường; tăng trưởng tín dụng BĐS cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung, BĐS vẫn là kênh hấp dẫn vốn. Cụ thể trong cả năm, tại Hà Nội có khoảng 11.450 giao dịch thành công (tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2013), tại TP.HCM có khoảng 10.350 giao dịch thành công (tăng khoảng 30% so với năm 2013). Mặt bằng giá cả nhà ở nhìn chung là ổn định, nhiều dự án trong giai đoạn 2011-2013 giá đã giảm sâu (trên 30%), trong 12 tháng qua giá đã ổn định và không giảm tiếp. Tại Hà Nội, một số dự án có vị trí tốt, đã hoàn thành hoặc sắp đưa vào sử dụng giá có tăng nhẹ (khoảng 1 – 2%) so với năm 2013. Đặc biệt tồn kho BĐS tiếp tục giảm. Tính đến ngày 15/12/2014, tổng giá trị tồn kho BĐS còn khoảng 73.889 tỷ đồng, giảm 20.569 tỷ đồng (giảm 21,8%) so với tháng 12/2013 và giảm 54.659 tỷ đồng (giảm 42,52%) so với đầu kỳ báo cáo vào quý I/2013.
Dư nợ tín dụng BĐS tính đến 31/10/2014 đạt 299.020 tỷ đồng, tăng 14,08% so với thời điểm 31/12/2013, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế (13,13%). Lĩnh vực kinh doanh BĐS đứng thứ 2 về thu hút vốn FDI.
Tốc độ giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở xã hội 6 tháng cuối năm 2014 cũng tăng gấp hơn 2 lần so với giai đoạn từ tháng 6/2014 trở về trước, nhất là sau khi Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 61/NQ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 02/NQ-CP, trong đó đã mở rộng đối tượng cho vay, kéo dài thời hạn cho vay, đồng thời có nhiều dự án nhà ở xã hội được triển khai tạo thêm nguồn cung cho thị trường.
Thực tế qua 2 năm triển khai đã khẳng định các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS gắn với thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia theo tinh thần Nghị quyết 02/NQ-CP là hoàn toàn đúng đắn; vừa giúp cho thị trường hồi phục tích cực, vừa đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, giải quyết một cách căn bản nhu cầu nhà ở cho các nhóm đối tượng có khó khăn về nhà ở, được đánh giá là việc làm có ý nghĩa chính trị, kinh tế, xã hội, nhân văn sâu sắc.
Bộ trưởng đánh giá như thế nào về thị trường BĐS năm 2015?
– Năm 2015, dự báo nền kinh tế sẽ tiếp tục có sự phục hồi, cùng với việc nhiều chính sách mới đi vào cuốc sống như Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 vừa qua sẽ có hiệu lực thi hành với nhiều nội dung đổi mới quan trọng liên quan đến thị trường BĐS nói chung và thị trường nhà ở nói riêng. Trong đó có những chính sách, những quy định cụ thể liên quan đến việc đầu tư phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội, cũng như việc mở rộng phạm vi kinh doanh, mở rộng đối tượng được mua và sở hữu nhà ở, công trình xây dựng tại Việt Nam cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài sẽ tiếp tục tác động tích cực đến thị trường BĐS, vì vậy có thể dự báo tình hình thị trường BĐS năm 2015 tiếp tục có sự chuyển biến tích cực.
Thị trường BĐS tiếp tục tăng trưởng, lượng hàng tồn kho tiếp tục giảm đối với những dự án có tiến độ thi công tốt, hạ tầng tương đối và không quá xa trung tâm, đi lại thuận tiện sẽ tiếp tục tiêu thụ tốt. Tuy nhiên, tốc độ giải quyết hàng tồn kho sẽ chậm hơn trước vì tồn kho hiện nay chủ yếu là các dự án xa trung tâm, hạ tầng chưa có, các căn hộ diện tích lớn.
Xu hướng mua bán, sáp nhập các dự án tiếp tục tăng: Các DN gặp khó khăn sẽ tiếp tục quá trình mua bán, điều chỉnh dự án cho phù hợp, nhiều dự án gặp khó khăn về vốn đầu tư sẽ được các nhà đầu tư nước ngoài mua lại, thay vì đi xin cấp dự án mới.
Nhiều dự án trước kia tạm dừng sẽ được khởi động trở lại để giao nhà cho khách hàng đã mua. Những dự án đủ điều kiện, có vị trí tốt sẽ được khởi công, góp phần tăng nguồn cung những căn hộ phù hợp nhu cầu của thị trường. Tín dụng BĐS tiếp tục tăng trưởng, BĐS vẫn sẽ là kênh hấp dẫn FDI.
Thị trường BĐS sẽ tiếp tục hướng tới bộ phận đa số người mua, cung cấp các hàng hóa phù hợp với nhu cầu thực và khả năng thanh toán của thị trường. Niềm tin vào thị trường ngày càng được khôi phục…
Tái cơ cấu ngành xây dựng để nâng cao sức cạnh tranh
Thưa Bộ trưởng, mới đây, ngày 26/01, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành xây dựng gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2014 – 2020. Bộ trưởng có thể nói rõ mục tiêu của Đề án này?
– Mục tiêu tổng quát của Đề án là tái cơ cấu ngành xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, thực hiện CNH, HĐH đất nước; nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của các sản phẩm xây dựng chủ yếu; phấn đấu giá trị sản xuất của toàn ngành tăng trưởng bình quân từ 9 – 14%/năm; một số sản phẩm chủ yếu có bước phát triển đột phá, cơ bản chiếm lĩnh được thị trường trong nước, từng bước vươn ra thị trường khu vực và thế giới.
Cụ thể, về lĩnh vực đầu tư xây dựng, phấn đấu đến năm 2020 xây dựng được hầu hết các công trình xây dựng thiết yếu bảo đảm chất lượng, thẩm mỹ, có giá thành cạnh tranh; khắc phục cơ bản tình trạng đầu tư dàn trải, thất thoát, lãng phí, tham nhũng trong đầu tư xây dựng, nhất là các dự án sử dụng vốn nhà nước; hạn chế tối đa việc điều chỉnh tổng mức đầu tư, điều chỉnh tiến độ dự án; nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, đồng thời tăng dần tỷ trọng vốn đầu tư ngoài ngân sách trong đó đặc biệt chú trọng đẩy mạnh mô hình đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP).
Về lĩnh vực phát triển đô thị, Đề án đặt mục tiêu phát triển đô thị bền vững, xanh, sạch, đẹp, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; hình thành một số đô thị trung tâm cấp quốc gia, cấp vùng có mức độ hiện đại, tốc độ phát triển và năng lực cạnh tranh ngang tầm với các nước trong khu vực; hình thành một số đô thị có chức năng đặc thù như: đô thị di sản, đô thị du lịch, đô thị khoa học…; phấn đấu tỷ lệ đô thị hóa cả nước đạt khoảng 40%.
Đối với lĩnh vực nhà ở và thị trường BĐS, phấn đấu đến năm 2020 diện tích nhà ở bình quân toàn quốc đạt khoảng 25m2/người; giai đoạn 2016 – 2020 đầu tư xây dựng mới khoảng 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội khu vực đô thị; tỷ lệ nhà ở kiên cố toàn quốc đạt khoảng 70%. Phát triển thị trường BĐS ổn định, vững chắc, có cấu trúc hoàn chỉnh và cơ cấu hợp lý; khắc phục tình trạng lệch pha cung – cầu, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ, đáp ứng cơ bản nhu cầu về nhà ở và các loại BĐS khác; phấn đấu nguồn thu từ kinh doanh BĐS và đất đai đạt từ 10 -15% tổng nguồn thu ngân sách.
Phấn đấu chất lượng sản phẩm VLXD bảo đảm các tiêu chuẩn trong nước, một số đáp ứng tiêu chuẩn khu vực và quốc tế; giá trị sản xuất, giá trị gia tăng trong lĩnh vực sản xuất VLXD duy trì sự tăng trưởng ổn định, bền vững, bình quân khoảng 10%/năm; sản xuất xi măng đạt khoảng 115 triệu tấn/năm; đồng thời, phát triển mạnh sản phẩm cơ khí xây dựng, nhất là các sản phẩm cơ khí phi tiêu chuẩn; tăng tỷ trọng cơ khí chế tạo trong nước.
Về tái cơ cấu DN ngành xây dựng, sẽ đẩy mạnh cổ phần hóa các DNNN trong lĩnh vực xây dựng theo hướng Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối tại các DN. Đổi mới, phát triển và tiến tới áp dụng đầy đủ khung quản trị hiện đại, bảo đảm các DN hoạt động theo cơ chế thị trường và cạnh tranh bình đẳng.
Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Quý Anh (Báo Xây dựng)
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: banbientap@cafeland.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.