Sàn vàng vẫn cám dỗ nhà đầu tư

Vào thời điểm bị công an đánh sập, sàn vàng chui HGI có hơn 3.000 nhà đầu tư tham gia. Công ty cổ phần đầu tư VGX có trụ sở tại Hà Nội khi bị xử lý cũng có khoảng 700 nhà đầu tư tham gia với tổng số tiền giao dịch hơn 110 tỷ đồng.

Anh Thiện, một người chơi vàng tài khoản có thâm niên tại TP HCM cho biết hiện tại ở thành phố vẫn có hơn chục sàn đang hoạt động. Có sàn vừa mới mở chừng một vài tháng đã thu hút được cả hàng chục, thậm chí hàng trăm người tham gia.

chuib2-1367046868-500x0-2332-1421388263.

Các sàn vàng chui thường dùng phần mềm MT4 để giao dịch vàng ảo và ra sức lôi kéo người chơi tham gia.

Anh Thành Nhân, một người chơi vàng, ngoại tệ online nhiều năm tại các sàn ở TP HCM thừa nhận, về tính pháp lý của hình thức giao dịch vàng, ngoại tệ qua mạng, phần lớn người chơi “chuyên nghiệp” đều biết là chưa được chấp nhận ở Việt Nam. Nhà đầu tư có thể chịu rất nhiều rủi ro về tài khoản của mình khi giao dịch kiểu này.

Tuy nhiên, anh Nhân bộc bạch vì hiện nay nhà đầu tư đang thiếu kênh đầu tư do bất động sản đóng băng, chứng khoán èo uột, gửi ngân hàng thì lãi suất không hấp dẫn, vàng vật chất cũng trầm lắng… nên đây vẫn là kênh được nhiều người muốn thử vận may với hy vọng “vốn ít, lời nhiều”. Hiện nay, các sàn vàng chui đều cho phép lực đòn bẩy khá lớn 1:100, thậm chí 1:500. Chẳng hạn nộp tiền ký quỹ 21 triệu đồng sẽ được giao dịch với quy mô 2,1 tỷ đồng (tỷ lệ 1:100) hoặc lên đến 10,5 tỷ đồng (tỷ lệ 1:500).

Người chơi tên Thiện tâm sự năm 2009, anh từng đi làm công chức tại một quận của TP HCM. Thu nhập thấp, công việc lại khá nhàn, thì ngay lúc đó có người bạn đang chơi vàng tài khoản rủ chơi thử. Thời điểm này, một số sàn vàng tại Việt Nam được cho phép hoạt động như Sàn vàng Thế giới, Việt Á, ACB… thường xuyên tổ chức các buổi thuyết trình (mời một số chuyên gia trong lĩnh vực này) đến phổ biến các kiến thức cơ bản cho người chơi như phân tích kỹ thuật, phân tích cơ bản…, và anh đã đến học không sót buổi nào nên cũng có kiến thức sơ sơ về loại hình này.

Ban đầu anh cho biết chỉ chơi vui và đi làm bình thường. Sau đó, anh dần tăng thời gian cho việc đầu tư vàng tài khoản và xao nhãng công việc, nên quyết định nghỉ làm ở cơ quan để tập trung vào kênh đầu tư này. Khi chơi được khoảng vài tháng thì có lệnh cấm các sàn vàng hoạt động, anh cũng ngưng và xin đi làm lại cho một công ty.

“Tuy nhiên, có thể do chơi vàng tài khoản một thời gian đã quen với cảm giác ‘phê’ khi tham gia ‘lướt sóng’ nên khiến tôi thấy nhàm chán khi đi làm lại. Hơn nữa, chơi vàng, tôi đã quen với việc thức đêm, ngủ ngày để canh phiên giao dịch tại thị trường Mỹ. Do đó, tôi quyết định nghỉ việc ở công ty lần thứ hai và tìm đến các sàn vàng chui để chơi tiếp”, anh cho biết.

Cũng theo anh Thiện, thời gian đầu chơi tại các sàn chui này có thắng một ít tiền, sau đó anh đánh nhiều hơn và bị thua. Càng đánh càng thua và anh cứ nuôi hy vọng sẽ gỡ lại nên rất khó dứt ra.

Ngoài những trường hợp trên, đa phần người chơi khác “dính vào” sàn vàng là do thiếu hiểu biết và bị “mê hoặc” bởi những lời chào mời hấp dẫn cùng sự lôi kéo từ phía các môi giới viên. Họ liên tục tiếp cận người chơi qua mail, tin nhắn… với những lời quảng cáo đầy hấp dẫn như vốn ít, dễ chơi mà mức sinh lời cao hàng trăm lần…

Như trường hợp chị Thu Nga, quận 10, TP HCM trước giờ chỉ ở nhà nội trợ, những lúc rảnh rỗi thì lên mạng lướt web. Chị cho hay, không hề biết gì về đầu tư tài chính, nhưng một hôm bất ngờ trong mail chị nhận được một thông tin với nội dung hấp dẫn “cơ hội cho bạn có thể kiếm lời hàng trăm lần số tiền bỏ ra” của một người tự giới thiệu là nhân viên công ty tư vấn tài chính.

Trong thư này, cô nhân viên mời chị đến dự một buổi “hội thảo” về cơ hội đầu tư.  Nghĩ rằng đây có thể là cơ hội để kiếm ít tiền phụ thêm cho gia đình nên chị đi. Khi đến nơi, chị mới biết thực chất nội dung chủ yếu là hướng dẫn cách chơi vàng tài khoản trên phần mềm MT4 do lãnh đạo của công ty trình bày. Sau đó, những người tham gia, trong đó có chị được cho lập một tài khoản ảo (dạng demo) để chơi thử mà không cần phải nộp phí.

“Những lần chơi thử này, dưới sự hỗ trợ tư vấn của nhân viên môi giới, hầu như lúc nào tôi cũng thắng. Nghĩ rằng kênh này quá dễ kiếm tiền nên tôi quyết định đăng ký tài khoản thật để giao dịch”, chị cho biết.

Chị Nga tâm sự, do không hiểu gì về mảng này, nên tất cả các lệnh mua bán đều nhờ vào nhân viên mua giới tư vấn. Trong tháng đầu, chị cũng thắng được vài trăm USD, nhưng hai tháng sau đó thì tài khoản của chị liên tục bị cháy và số tiền gần 3.000 đôla Mỹ đã nhanh chóng mất sạch. “Chồng biết chuyện, hai vợ chồng lục đục và tôi đã quyết tâm rút khỏi kênh này”, chị nói.

Giờ ngồi ngẫm lại, chị Nga cho biết, tuy thao tác để thực hiện giao dịch vàng, ngoại tệ xem có vẻ khá đơn giản như đánh lên, đánh xuống… nhưng thực tế không hề dễ ăn. Trước hết do mức phí 35-50 USD mỗi lot và chênh lệch giữa giá mua vào – bán ra các sản phẩm khá cao nên người tham gia chỉ đủ tiền trả phí đặt lệnh khi giá vàng biến động theo đúng xu hướng mình đã dự đoán khoảng vài USD. Trường hợp dự đoán sai đường đi của sản phẩm đặt mua thì chỉ trong chốc lát, tài khoản của người chơi đã nằm trong diện bị cảnh báo (30%) hoặc xử lý (10%).

“Chưa kể các lỗi chủ quan do sàn gây ra, phần lớn nhà đầu tư thua lỗ còn do thiếu hiểu biết hoặc tâm lý không ổn định khi giao dịch”, chị nói.

Không riêng chị Nga, số “nạn nhân” bị lôi kéo tham gia vào loại hình này hiện nay tăng theo cấp số nhân với lượng tiền bị chiếm đoạt rất lớn. Hầu hết chủ sàn ảo núp bóng một công ty hay doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh tư vấn hoặc môi giới, có trụ sở giao dịch cố định, tự tạo website nguồn gốc nước ngoài, in thư mời, quảng cáo và cho nhân viên đi tiếp thị.

Hôm 14/1, đại diện Ngân hành Nhà nước cho biết, hoạt động kinh doanh vàng tài khoản tiềm ẩn rủi ro rất cao, đặc biệt cho chính bản thân nhà đầu tư, phần lớn nhà đầu tư tham gia giao dịch trên sàn giao dịch vàng, nói cách khác là kinh doanh vàng tài khoản đều bị thua lỗ và nguy cơ vỡ nợ là rất lớn do được sử dụng đòn bẩy tài chính cao.

Do đó, Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo người dân không tham gia giao dịch trên sàn vàng và thực hiện kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài.

Nhà quản lý cũng tái khẳng định, căn cứ Nghị định 24, hoạt động kinh doanh sàn giao dịch vàng, kinh doanh vàng trên tài khoản ở trong nước và nước ngoài đều là hoạt động kinh doanh thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh. Đến nay, Thủ tướng chưa cho phép và Ngân hàng Nhà nước cũng chưa cấp giấy phép cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào được thực hiện các hoạt động kinh doanh vàng khác (gồm cả sàn giao dịch vàng và kinh doanh vàng trên tài khoản).

“Như vậy, mọi tổ chức, cá nhân thành lập sàn giao dịch vàng hay kinh doanh vàng trên tài khoản ở trong nước và nước ngoài khi chưa được phép đều vi phạm quy định của pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh vàng”, đại diện Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh.

Trước thực trạng, một bên là nhu cầu đầu tư của một số người dân, một bên là sự nghiêm cấm triển khai của cơ quan chức năng vì tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong khi thực tế các sàn chui vẫn mọc lên và gây nhiều thiệt hại cho người chơi do không bị kiểm soát, các chuyên gia tiếp tục đề xuất cho lập Sở giao dịch vàng Quốc gia.

Theo đó, thành viên tham gia sở giao dịch vàng là các công ty, ngân hàng và cho ký quỹ với tỷ lệ cao để tránh rủi ro. Rút kinh nghiệm sàn vàng trước đây, sở giao dịch vàng cần có quy chế quản lý và được pháp luật hóa rõ ràng. Hơn nữa, việc này cũng sẽ hạn chế được sự bùng phát của các sàn vàng, ngoại tệ chui, lại tạo ra được kênh đầu tư lành mạnh cho người dân có nhu cầu cũng như khơi thông hàng trăm tấn vàng đang “nằm chết” trong dân.

Hoài Thu

Để lại một bình luận

0913.756.339