Sân chơi… tài sản của đô thị

Và khi đã trở thành người lớn, khi đã làm cha, làm mẹ, sân chơi không chỉ là ký ức mà còn là nỗi ước mong, tiếc nuối. Thế hệ con trẻ ngày nay dù đầy đủ vật chất hơn nhưng có những thiếu thốn không thể bù đắp. Có thể nói, thiếu sân chơi, trẻ con ở các đô thị không có một tuổi thơ đầy đủ, đúng nghĩa.

Con chơi ở đâu?!

Cơn lốc đô thị hóa với áp lực mưu sinh, thiếu đất cho hệ thống giao thông tĩnh, khiến sân chơi ngày càng bị “lép vế”. Câu hỏi “Con chơi ở đâu?” trở nên đau đáu đối với mỗi bậc phụ huynh. Trẻ sống ở phố thì chỉ biết chạy ra hè rồi lại vào nhà. Trẻ sống trong các chung cư thiếu sân chơi hoặc sân chơi đã quá xuống cấp, thiếu an toàn, thì lấy hành lang làm nơi đùa nghịch, thậm chí tập xe, đá bóng.
Công viên Hòa Bình, quận Bắc Từ Liêm. Ảnh: Phạm Hùng

Công viên Hòa Bình, quận Bắc Từ Liêm. Ảnh: Phạm Hùng
Theo đánh giá của nghiên cứu “Quản trị đô thị trong bảo tồn và quản lý vườn hoa/sân chơi khu dân cư trong nội thành Hà Nội” do tổ chức Health Bridge (Canada) thực hiện, TP đang phải đối mặt với sự thiếu hụt về vườn hoa và sân chơi, đặc biệt là những sân chơi miễn phí hay những sân chơi chi phí thấp được xây dựng trong khu dân cư. Báo cáo tổng hợp bổ sung vào Quy hoạch cây xanh, công viên và hồ của Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 cũng cho thấy, diện tích công viên vườn hoa trong 10 quận nội thành chỉ chiếm 1,92% tổng diện tích đất. Trong đó, quận có tỷ lệ cao nhất của cây xanh là Hai Bà Trưng với 12,83%. Các quận có tỷ lệ này thấp nhất gồm Thanh Xuân, Đống Đa và Long Biên.
Bà Nguyễn Thị Hiền, đại diện nhóm tác giả của nghiên cứu cho biết, qua khảo sát nhiều sân chơi đã bị xuống cấp, bề mặt sụt lún, các phương tiện vui chơi bị rỉ sét, thiếu thùng rác, đèn hư hỏng, không được quét dọn thường xuyên, trở thành nơi đổ chất thải… Trong số các địa điểm mà nhóm nghiên cứu khảo sát, chỉ có sân chơi ở tổ 38, phường Thượng Đình là được quản lý tốt. Nguyên nhân “lịch sử để lại” khiến sân chơi ở các khu dân cư, khu tập thể dần biến mất hoặc ngày càng bị thu nhỏ thì rất nhiều. Nhưng ngay cả với diện tích đất công còn lại ở cấp phường trong nội thành Hà Nội cũng đang chịu sự “tranh chấp” của các nhu cầu sử dụng. Trước hết, đó là nhu cầu sử dụng đất công cho các công trình công cộng và việc đấu giá đất xen kẹt (cho thuê) để tạo nguồn vốn, tăng ngân sách nhằm giải quyết rất nhiều nhu cầu chính đáng của địa phương. Ngay việc sử dụng đất công để xây dựng công trình công cộng cũng khiến chính quyền địa phương đau đầu trong việc cân nhắc giữa các nhu cầu trụ sở, văn phòng của các phường, câu lạc bộ cộng đồng, cơ sở giáo dục, y tế… và sân chơi.

Tài sản của đô thị

Tại nhiều cuộc bàn luận, hội thảo, giới chuyên môn đã tranh cãi về vấn đề vốn quý của đô thị và phương thức gìn giữ. Với một đô thị có lịch sử nghìn năm, Hà Nội có nhiều vốn quý, từ những khu phố cổ, phố cũ với giá trị vật thể, phi vật thể không thể phủ nhận; rồi Hồ Tây danh thắng xứng tầm quốc gia… Việc Hà Nội mở rộng càng khiến cho kho giá trị của TP trở nên phong phú. Vậy nhưng, ngay trong lòng, len lỏi giữa các ngóc ngách của phố phường, các khu ở đông đúc, chính những sân chơi là tài sản vô cùng quý giá cần được gìn giữ. Bởi sân chơi hay các vườn hoa nhỏ đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển thể chất và tinh thần của người dân. Ở đó, mọi người, mọi lứa tuổi, có thể thư giãn, giải trí trong môi trường thiên nhiên, giúp trẻ em phát triển mạnh khỏe, người lớn duy trì sức khỏe và tinh thần. Đây chính là là điểm kết nối mọi người, tạo nên sự gắn kết xã hội và tính tương hỗ.

Nghiên cứu của Health Bridge ghi nhận chính quyền TP đã nhận thức rõ về khoảng cách giữa nhu cầu sử dụng đất công và khả năng cung cấp đất công cho các nhu cầu của cộng đồng. UBND TP Hà Nội đã có chủ trương kiểm kê lại quỹ đất công, đất nông nghiệp cũ trên địa bàn. Kiến nghị Health Bridge đưa ra đó là TP nên tạm dừng chủ trương đấu giá đất công và đất xen kẹt cho các mục đích kinh doanh tư nhân và cân nhắc thứ tự ưu tiên sử dụng đất công khi có đủ số liệu kiểm kê. Đồng thời cho rằng, việc kiểm kê quỹ đất công sẽ thành công hơn nữa nếu có sự tham gia của người dân, nhất là những người dân đã sống lâu năm trong địa bàn phường. Để làm được điều này, cần tuyên truyền để người dân được biết về quyền tham gia, quyền giám sát và cần có cơ chế để phát huy sự tham gia đầy đủ của người dân.

Song Hà (KTĐT)

Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: banbientap@cafeland.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.

Để lại một bình luận

0913.756.339