Thảo luận về chủ trương đầu tư sân bay quốc tế Long Thành chiều 14/11, đa số đại biểu nhất trí việc Quốc hội cần sớm thông qua chủ trương đầu tư để Chính phủ bắt tay chuẩn bị.
Đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) khẳng định chủ trương làm sân bay Long Thành là cần thiết lẫn cấp thiết. “Cần thiết là vì một đất nước 90 triệu dân, đang trên đà công nghiệp hóa và hội nhập sâu rộng thì phải có một sân bay quốc tế tầm cỡ, xứng tầm”. Vị này cho rằng Long Thành là dự án có sức lan tỏa, sẽ phát huy hiệu quả tối đa hệ thống giao thông đang xây dựng gồm đường cao tốc, cảng Cái Mép và cả đường sắt quốc gia, điều mà Tân Sơn Nhất không làm được.
Đại biểu Nguyễn Phi Thường cho rằng sân bay Long Thành vừa cần thiết, vừa cấp thiết. |
Về tính cấp thiết, vị đại biểu là Tiến sĩ trong lĩnh vực giao thông khẳng định, trong bối cảnh ngành hàng không thế giới tăng trưởng hai con số và các nước đều có xu hướng làm cảng trung chuyển, nếu không có một sân bay với vai trò này, Việt Nam sẽ trở nên phụ thuộc.
“Cần thiết và cấp thiết là vậy nhưng dư luận vẫn còn lo lắng lắm. Đó là vì câu chuyện dùng đất trong sân bay làm sân golf, nợ công tới ngưỡng, tham nhũng trong lĩnh vực đầu tư xây dựng còn lớn và đặc biệt là vì chất lượng dịch vụ ngành hàng không còn yếu”, ông Thường nêu băn khoăn.
Dù khẳng định “không thể vì thế mà không đầu tư” bởi đây là một dự án có sức lan tỏa lớn, song ông Thường cũng đề nghị cân nhắc quy mô dự án ở cấp 4E thay vì 4F.
“Vì khả năng điều hành bay, chất lượng dịch vụ là điều quyết định cạnh tranh được trung chuyển hay không, chứ nếu suất đầu tư cao mà các yếu tố trên không tương xứng thì chưa chắc. Chek Lap Kok của Hong Kong (Trung Quốc), Changi của Singapore trở thành trung chuyển nhờ vào chất lượng chứ quy mô không lớn”, ông dẫn chứng.
Đồng ý chủ trương đầu tư nhưng đại biểu Nguyễn Sỹ Cương đề nghị Chính phủ thuê cơ quan độc lập đánh giá trong giai đoạn báo cáo khả thi vì ông cho rằng “mục tiêu của dự án là có cơ sở nhưng không dễ”.
“Có ai dám khẳng định đến năm 2030 ta sẽ đón được 50 triệu khách không khi mà báo chí nói 80-90% khách du lịch không muốn quay lại Việt Nam”, ông Cương đặt vấn đề rồi tự giải đáp: “Hành khách đến đây không vì Việt Nam có sân bay to mà vì môi trường xã hội tốt, đầu tư thuận lợi… Do vậy, vẫn còn nhiều việc phải làm nếu muốn Long Thành là cảng trung chuyển”.
Từng phát biểu ở tổ dự án này cần thiết chứ chưa đến mức cấp thiết, thậm chí để 10-15 nữa vẫn được nhưng tại hội trường hôm nay, chuyên gia Trần Du Lịch nói ông ủng hộ thông qua chủ trương đầu tư. “Đây là quyết định khó khăn của các đại biểu, vì nếu làm mà không hiệu quả thì không được. Nhưng không làm mà Tân Sơn Nhất quá tải thì trách nhiệm cũng nặng nề”. Vị này cũng lưu ý rằng, việc ủng hộ chủ trương là để cho Chính phủ cơ hội làm rõ vấn đề mà ông thắc mắc nhưng chưa thể giải quyết được ở giai đoạn báo cáo tiền khả thi – Đó là khả năng Tân Sơn Nhất có thể nâng công suất lên được 40 triệu không hay đã tối đa? “Cần làm rõ về mặt khoa học và thực tiễn để thấy Tân Sơn Nhất không thể nâng công suất”, ông Lịch đề nghị.
“Tôi hoàn toàn tán thành cần có sân bay tầm cỡ như Long Thành nhưng để quyết định cần thảo luận thêm”, Phó chủ nhiệm ủy ban Các vấn đề xã hội Đỗ Mạnh Hùng thận trọng. Ông Hùng so sánh suất đầu tư ở nhiều sân bay quốc tế chỉ 90 USD để vận chuyển một khách, trong khi đơn giá của Long Thành giai đoạn I đã 156 USD và tăng lên 180 trong giai đoạn tiếp theo. Tương tự, báo cáo của chủ đầu tư nói vốn huy động từ ngân sách thấp nhưng thực chất 47.000 tỷ vốn dự kiến ODA là đi vay lại từ Chính phủ cùng với con số 92.000 tỷ “từ hợp tác công tư” – song công bao nhiêu, tư bao nhiêu thì chưa chỉ rõ.
Đại biểu Trần Khắc Tâm phát biểu tại hội trường. |
Ủng hộ thông qua chủ trương nhưng đại biểu Trần Khắc Tâm cho rằng sự thận trọng của các đại biểu là điều cần thiết, là một cách để dự án có tính khả thi cao hơn.
Ông chia sẻ rằng, mỗi khi bước xuống sân bay Hong Kong hay Singapore là mỗi lần cảm thấy chạnh lòng khi liên hệ với 2 sân bay quốc tế lớn nhất Việt Nam. Song vị này cho rằng không phải vì thế mà nóng vội. “Tôi đề nghị sau kỳ họp, bên cạnh tiếp thu ý kiến, Chính phủ, bộ Giao thông cần có nhiều hội thảo lấy ý kiến chuyên gia, mời phản biện độc lập để có nhìn nhận đa chiều. Nếu làm được điều đó sẽ khiến đại biểu ủng hộ cao để bấm nút thông qua ở kỳ họp tới”, ông Tâm quả quyết.
Tranh thủ trong phần phát biểu của mình, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Hữu Đức đã làm rõ thêm câu chuyện sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất. Thứ trưởng cho biết sân golf này hoàn toàn sử dụng đất lưu không, vốn dùng để “nuôi bò và làm gạch”. “Lúc bộ báo cáo làm sân golf, 8 bộ ngành đã thẩm định và đảm bảo tĩnh không theo quy định và an toàn bay. Thậm chí nếu không làm sân golf thì hàng ngày phải thuê người cắt cỏ để tránh việc chim trú ngụ, phòng trường hợp bay vào động cơ gây nguy hiểm cho máy bay”, Thứ trưởng nói.
Chí Hiếu