Sai phạm đất đai ở Bình Dương: Hơn 1.500 tỷ đồng phải xử lý, 15 cơ quan chịu trách nhiệm


Dự án khu dân cư tại “thành phố mới” được xây theo giấy phép “tạm”

Chỉ tận tay, Sờ tận…gáy (!)

Như Báo CATP đã phản ánh có hàng chục dự án (DA) vi phạm đã được phát hiện, TTrCP kết luận số tiền thất thoát lên đến 156,55 tỷ đồng, liên quan đến trách nhiệm của từng cơ quan đơn vị, cụ thể:

Thứ nhất, quyết toán thu tiền sử dụng đất không đúng quy định; tính tiền đất trước khi có quyết định giao đất, cho thuê đất, vi phạm các Nghị định (NĐ) 198/2004/NĐ-CP, 84/2007/NĐ-CP và 120/2010/NĐ-CP của Chính phủ. Các doanh nghiệp (DN) liên quan gồm Công ty CP tư vấn đầu tư và xây dựng Bình Dương Biconsi là chủ đầu tư dự án (DA) Khu dân cư (KDC) Hiệp Thành 3 với số tiền vi phạm 38,549 tỷ đồng, Công ty TNHH Thiên Phú (KDC Cầu Đò) 15,47 tỷ đồng; Công ty liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (các KDC ấp 4, 5, Hoà Lợi) gần 10 tỷ đồng, Tổng công ty CP xây dựng BD (KDC Chánh Nghĩa) 5,726 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV sản xuất và xuất nhập khẩu (XNK) Bình Dương (KDC Gò Chai) 5,088 tỷ đồng, Công ty TNHH Vị Hảo (KDC Vị Hảo) 2,265 tỷ đồng. Trách nhiệm thuộc về UBND tỉnh BD, Sở Tài chính (TC), Cục Thuế tỉnh cùng các Chi cục Thuế TP.Thủ Dầu Một, TX.Bến Cát, TX.Thuận An.

Thứ hai, xác định giá đất làm căn cứ thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất chưa sát giá thị trường đối với Tổng công ty thương mại XNK Thanh Lễ (Khu biệt thự nhà vườn Chánh Mỹ) 11 tỷ đồng; Công ty CP Thành Nguyên (KDC Võ Minh Đức) 4,811 tỷ đồng, vi phạm NĐ số 17/2006/NĐ-CP và NĐ 123/2007/NĐ-CP, NĐ 69/2009/NĐ-CP của Chính phủ. Trách nhiệm thuộc UBND tỉnh BD và Sở TC.

Thứ ba, khấu trừ tiền bồi thường giải phóng mặt bằng vào tiền sử dụng đất, tiền thuê đất không đúng quy định pháp luật đối với nhiều DN, điển hình: Tổng Công ty TNHH MTV sản xuất và xuất nhập khẩu Bình Dương (Khu phức hợp Twin Doves Golf Club & Resort) số tiền vi phạm 12,056 tỷ đồng, Công ty CP Vĩnh Quang (Khu đô thị Thương mại – dịch vụ Lai Hưng) 28,927 tỷ đồng, Công ty TNHH Cửu Long (Khu tái định cư xã Thanh An) 4,249 tỷ đồng, Công ty TNHH Thanh Duy (KDC Thanh Duy) 4,09 tỷ đồng, Công ty TNHH Thạnh Tân (KDC Thạnh Tân) 3,08 tỷ đồng, Công ty CP Hạt Việt (nhà máy chế biến hạt điều) 1,954 tỷ đồng, Công ty TNHH Ba Huân (trang trại chăn nuôi gà) 1,097 tỷ đồng… Trách nhiệm thuộc về UBND tỉnh BD, Sở TC, UBND huyện Dầu Tiếng, Cục Thuế tỉnh cùng Chi cục Thuế TP.Thủ Dầu Một, TX.Bến Cát, TX.Dĩ An.

Thứ tư, miễn giảm tiền sử dụng đất không đúng quy định đối với Công ty CP thương mại – sản xuất – xây dựng Hưng Thịnh (DA Trường Cao đẳng nghề Đồng An) và Công ty CP Nhân An (DA Trường dân lập Lê Quý Đôn). Trong đó, Hưng Thịnh đã khắc phục hậu quả sau khi TTrCP vào cuộc) còn Nhân An số tiền vi phạm được xác định 3,644 tỷ đồng. Trách nhiệm thuộc về UBND tỉnh BD, Cục Thuế tỉnh.

Thứ năm, xác định và tính thiếu tiền sử dụng đất đối với Tổng công ty đầu tư phát triển nhà và đô thị HUD (Khu đô thị sinh thái Chánh Mỹ) số tiền vi phạm 3,04 tỷ đồng, Công ty Areco (KDC Bình Quới) 565,19 triệu. Trách nhiệm thuộc Sở Tài nguyên – Môi trường (TN-MT), Chi cục Thuế TX.Thuận An.

Phải làm rỏ trách nhiệm cá nhân

Ngoài 156,55 tỷ đồng phải truy thu, Tổng TTrCP kiến nghị TTCP chỉ đạo UBND tỉnh BD kiểm tra, làm rõ, xử lý hơn 18,09 tỷ đồng vi phạm tại KDC Phú Hoà 1 do Công ty Biconsi làm CĐT; làm rõ, xử lý các sai phạm liên quan tại DA Công viên Nghĩa trang BD do Công ty Chánh Phú Hòa làm CĐT với số tiền 435,78 tỷ đồng; khẩn trương đôn đốc, thu nộp hơn 892,42 tỷ đồng khoản nợ đọng tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, tiền phạt chậm nộp về ngân sách. Cộng chung, tổng số tiền phải xử lý trong đợt thanh tra này hơn 1.500 tỷ đồng!

UBND tỉnh BD phải chỉ đạo điều chỉnh, xác định lại nghĩa vụ tài chính đối với Tổng công ty Becamex (KCN Mỹ Phước 1, 2), Công ty Cao su Dầu Tiếng (KCN Rạch Bắp), Công ty CP KCN Sóng Thần (KCN Sóng Thần 3), Công ty TNHH Acsendas Protrade (KCN An Tây), Công ty Biconsi (KDC Phú Thịnh), Công ty TNHH Thiên Phú (KDC Hòa Lân và Mỹ Phước 4), DNTN thương mại Thảo Nguyên (Khu đô thị mới Bình Nguyên)…

Quá trình thanh tra, TTrCP còn phát hiện nhiều vấn đề nổi cộm khác, cụ thể: hơn 6.000ha đất nông nghiệp được quy hoạch vào mục đích phi nông nghiệp nhưng không tiến hành, dẫn đến bỏ hoang; hơn 992ha đất tại hai xã Tam Lập, An Thái (huyện Phú Giáo) bị xâm canh, lấn chiếm nhiều năm; giao và cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, quyền thuê đất; chưa ban hành suất đầu tư tối thiểu trên mỗi đơn vị diện tích đất; thu tiền chuyển mục đích sử dụng đất không đúng quy định… Trách nhiệm thuộc về UBND tỉnh BD, Sở TN-MT, Sở TC, Sở Kế hoạch – Đầu tư, UBND TX.Thuận An, UBND TXDĩ An, các Chi cục thuế TX.Thuận An, Dĩ An và huyện Phú Giáo, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp BD…

Trong số 15 cơ quan, đơn vị bị TTrCP quy trách nhiệm, “đứng đầu” là UBND tỉnh Bình Dương, “thứ nhì” là Sở TC, “thứ ba” là Sở TN-MT, tiếp đến là Cục Thuế tỉnh… Trao đổi với phóng viên Báo CATP, nhóm cán bộ hưu trí ở TP.Thủ Dầu Một bức xúc, TTrCP có hai kết luận, Thủ tướng đã chỉ đạo, nhưng việc xử lý sau thanh tra, nhất là trách nhiệm của những người đứng đầu cơ quan, đơn vị vẫn còn bỏ ngỏ. Đáng quan tâm nhất là trường hợp Chủ tịch UBND tỉnh BD Lê Thanh Cung vừa nghỉ hưu ngày 1-1-2015 khiến dư luận nghi ngờ ông này đã “hạ cánh an toàn”(!). Nhiều bạn đọc, trong đó có một số chủ DN cũng bức xúc tương tự.

Chúng tôi rất đồng tình với ý kiến bạn đọc đề nghị làm rõ, xử lý trách nhiệm của cựu Chủ tịch Lê Thanh Cung khi để xảy ra sai phạm trên địa bàn tỉnh BD, gây thất thoát cho nhà nước hàng trăm tỷ đồng. Như Báo CATP đã phản ánh, cách đây hơn 6 năm TTrCP đã có kết luận số 2623/KL-TTCP ngày 26-11-2008, chỉ rõ hàng loạt sai phạm nghiêm trọng xảy ra tại “thành phố mới BD” cũng như trách nhiệm của từng đơn vị liên quan; từ đó kiến nghị TTCP chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh BD ba vấn đề, trong đó có xử lý số tiền 63,99 tỷ đồng. Ngày 9-1-2009, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của TTCP Nguyễn Tấn Dũng: “Đồng ý với kết luận và kiến nghị của TTrCP, yêu cầu UBND tỉnh BD, chỉ đạo các sở, ngành liên quan kiểm điểm nghiêm túc, có hình thức xử lý kỷ luật đối với tập thể, cá nhân sai phạm; đồng thời xử lý việc các NĐT chuyển nhượng, cho thuê lại quyền sử dụng đất khi chưa đủ điều kiện theo quy định, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng đã góp vốn liên doanh bằng quyền SDĐ, các nhà đầu tư thứ cấp tiến hành xây dựng khi chưa có giấy phép, báo cáo kết quả thực hiện lên TTCP…”.

Chẳng những không thực hiện, Chủ tịch Lê Thanh Cung còn làm ngược lại (!). Điều này thể hiện qua văn bản 72/TB-UBND ngày 15-4-2013 của UBND tỉnh BD truyền ý kiến chỉ đạo của ông Cung cho phép các nhà đầu tư thứ cấp tại “thành phố mới” chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn thoải xây dựng bằng giấy phép “tạm”, giao Sở Xây dựng cấp. Đối với các công trình đã xây dựng “quên” xin phép, sở này tạo điều kiện cấp giấy phép “tạm” để nhà đầu tư hoàn chỉnh hồ sơ (!). Liên quan đến việc Becamex chuyển nhượng nền đất tại “thành phố mới” khi chưa có giấy chủ quyền (sổ đỏ), ông Cung giao UBND TP.Thủ Dầu Một cấp giấy phép “tạm” để người mua đất xây nhà ở, đến khi CĐT cung cấp được sổ đỏ thì cấp lại giấy phép “chính thức”. Đã có khoảng 1.200 nền đất được bán dưới dạng này, Becamex thu hàng trăm tỷ đồng.

Cách chấn chỉnh, xử lý theo kiểu “riêng” của ông Cung dẫn đến sai phạm ngày càng nghiêm trọng. Kết luận mới nhất của TTrCP là bằng chứng, nếu không làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật, nhất là trách nhiệm người đứng đầu, thì sai phạm về đất đai tại BD sẽ trở thành căn bệnh lờn thuốc.

Để lại một bình luận

0913.756.339